Với kết quả kinh doanh khả quan, nhiều chuyên gia dự báo cổ phiếu chứng khoán sẽ dẫn đầu đà tăng trưởng trong quý còn lại của năm...
>>>NKG và HSG - Cổ phiếu ngành tôn mạ kỳ vọng từ thị trường xuất khẩu
Hơn 1 tuần qua, thị trường chứng khoán trồi sụt vì nhiều thông tin tác động từ thế giới, tuy nhiên tác động trong ngắn hạn theo các chuyên gia, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kết qủa kinh doanh vượt trội nhất của nhóm ngành chứng khoán so với các nhóm ngành còn lại.
Tổng kết quý 2 năm 2023, các công ty chứng khoán đã ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tiếp tục hồi phục rõ rệt, sau một khoảng thời gian trượt dài theo biến động tiêu cực của thị trường. Sự tăng điểm mạnh mẽ của thị trường chứng khoán trong quý 2 cùng với thanh khoản được cải thiện mạnh đã giúp ngành chứng khoán tiếp tục có một quý kinh doanh tích cực, duy trì đà tăng trưởng từ vùng đáy lợi nhuận của quý 4 năm 2022.
Nhiều công ty ghi nhận lợi nhuận hồi phục mạnh, thậm chí gấp hàng chục lần so với cùng kỳ. Thị trường giao dịch sôi động trở lại thúc đẩy vòng xoay tài sản và nhu cầu vay margin, trong khi chỉ số VN-Index hồi phục và chinh phục các đỉnh cao mới. Cùng với dòng tiền mạnh đã giúp cải thiện các mảng môi giới và cho vay của nhóm chứng khoán. Nhiều công ty đã ghi nhận lợi nhuận bất ngờ từ việc định giá lại các khoản đầu tư và các cổ phiếu trong danh mục tự doanh, ghi nhận lãi lớn trong khi cùng kỳ lại thua lỗ. Mảng tự doanh đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành so với các quý trước.
Hiện tổng lợi nhuận sau thuế của 34/36 công ty chứng khoán niêm yết ước đạt 3.190 tỷ đồng trong quý 2/2023, tăng gần gấp đôi so với quý trước và gần gấp bốn lần so với kết quả đạt được cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là quý thứ hai liên tiếp lợi nhuận của các công ty chứng khoán tăng trưởng so với quý liền trước. Chứng khoán SSI là điểm sáng khi bất ngờ ghi nhận lãi lớn từ mảng tự doanh. Cùng với SSI, SHS, HCM… cổ phiếu nhóm chứng khoán thuộc các ngân hàng Big 3 niêm yết như BSI, CTS là những công ty có kết quả kinh doanh vượt trội.
Theo Báo cáo tài chính của 34/36 công ty chứng khoán niêm yết, tổng lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lỗ lãi( FVTPL) đạt 4.699 tỷ đồng, tăng 15% so với kết quả quý 1 và tăng 32% so với con số cùng kỳ năm 2022. Đáng lưu ý, tổng lỗ từ các tài sản FVTPL chỉ còn 1.627 tỷ đồng, giảm mạnh 33% so với quý 1 và 65% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả, mảng tự doanh ngành chứng khoán ghi nhận lãi ròng quý 2 đạt 3.012 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ ròng 1.223 tỷ đồng.
Tổng giá trị danh mục tài sản FVTPL của các công ty chứng khoán đạt 76.194 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ nhưng lại giảm 6% so với con số cuối quý 1. Hoạt động tự doanh của nhiều công ty chứng khoán đã có những bước tiến vượt bậc, lãi tự doanh tăng trưởng ấn tượng so với kết quả cùng kỳ. Theo đó, chứng khoán SSI là công ty chứng khoán có lãi tự doanh cao nhất trong quý 2 năm 2023.
Với xu hướng hồi phục mạnh mẽ của thị trường, nhu cầu sử dụng đòn bẩy tài chính của nhà đầu tư tăng cao, dư nợ cho vay tại hầu hết các công ty chứng khoán cũng hồi phục mạnh trở lại. Cụ thể, theo Báo cáo tài chính của 34/36 công ty chứng khoán niêm yết, tổng dư nợ cho vay (bao gồm cho vay ký quỹ và ứng trước tiền bán) đạt hơn 73.752 tỷ đồng, tăng khoảng 17% so với cuối quý 1 và 19% so với đầu năm.
Tâm lý lạc quan khi thị trường tăng điểm mạnh, vòng xoay tài sản được rút ngắn cùng nhu cầu sử dụng đòn bẩy tài chính của nhà đầu tư tăng cao đã liên tục đẩy thanh khoản thị trường vượt các mốc mới trong quý 2 năm 2023… Theo đó, doanh thu từ hoạt động môi giới của ngành chứng khoán cũng ghi nhận sự hồi phục trở lại. Theo Báo cáo tài chính của 34/36 công ty chứng khoán niêm yết, tổng Doanh thu hoạt động môi giới chứng khoán trong quý 2 năm 2023 đạt 1.505 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 39%. SSI, HCM, VCI, SHS dẫn đầu về doanh thu môi giới chứng khoán. Tổng thị phần môi giới sàn HOSE của top 10 thị phần trong quý 2/2023 đạt 68,09% tăng 1,33% so với quý trước.
Nhằm đáp ứng nguồn vốn cho thị trường ngày càng phát triển về quy mô, các doanh nghiệp ngành chứng khoán cũng không ngừng tăng vốn thông qua việc phát hành thêm trong các năm vừa qua. Trong quý 2, công ty chứng khoán TCBS đã thực hiện một đợt tăng vốn tới hơn 10.500 tỷ đồng, qua đó nâng vốn chủ sở hữu của TCBS lên 22.004 tỷ đồng.
Tương tự TCBS, hàng loạt công ty khác như VND, SHS, MBS, BSI, VPBankS... đều tận dụng giai đoạn bùng nổ của thị trường chứng khoán để tăng vốn rất nhanh. Dòng vốn từ nước ngoài cũng mạnh mẽ thâm nhập TTCK Việt Nam, đặc biệt với sự tham gia của các công ty chứng khoán Hàn Quốc và Đài Loan, tạo nên cuộc chạy đua quyết liệt về nguồn vốn đối với các doanh nghiệp trong ngành.
Thống kê từ 25 công ty chứng khoán, tổng vốn điều lệ ở cuối quý 1/2021 gần 45.000 tỉ đồng, đến cuối quý 2/2023 đã xấp xỉ 111.500 tỉ đồng, gấp 2,5 lần. Trong 2 năm trở lại đây, nhiều công ty chứng khoán đã tiến hành tăng vốn với tốc độ rất nhanh chóng để cạnh tranh giành thị phần. Nguồn vốn giúp các công ty nâng cao năng lực tài chính để mở rộng hoạt động tín dụng và đầu tư vào cổ phiếu, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và tạo ra nhiều cơ hội cho vay hơn trong bối cảnh thị trường cải thiện và nhu cầu sử dụng đòn bẩy tài chính của nhà đầu tư cao hơn…
Có thể nói, với diễn biến kinh doanh rất khả quan trong quý 2/2023, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, trong quý 3/2023 cổ phiếu nhóm chứng khoán tiếp tục dẫn đầu đà tăng trưởng của thị trường. Với các cổ phiếu chứng khoán tư nhân top đầu như: SSI, HCM, VND, VCI, SHS, VIX. Cùng với đó nhóm cổ phiếu chứng khoán thuộc ngân hàng lớn tiếp tục hút mạnh dòng tiền đầu tư như BSI, CTS…
Các chuyên gia thị trường nhận định từ nay đến cuối năm, TTCK Việt Nam từ hiện còn nhiều dư địa tăng trưởng. Hiện tỷ lệ nhà đầu tư chứng khoán trên dân số ở Việt Nam hiện vẫn đang ở mức thấp trong khu vực. Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa công bố, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới hơn 150.000 tài khoản chứng khoán trong tháng 8, chiếm hơn 99% số lượng tài khoản mở mới của toàn thị trường.
Như vậy, tổng số tài khoản chứng khoán trên thị trường Việt Nam tính tới cuối tháng 8/2023 đạt hơn 7,6 triệu tài khoản, tỷ lệ người dân mở tài khoản chứng khoán đạt khoảng khoảng 7,6% dân số. Mặc dù có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng tỷ lệ này vẫn được cho là còn thấp và còn dư địa tăng trưởng. Ngoài ra, vốn hóa thị trường của Việt Nam/GDP chỉ đạt khoảng 60% vào cuối quý 2/2023, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 120% vào cuối năm 2025 của Chính phủ, và mức hiện tại tương ứng của Thái Lan và Malaysia - 103% và 84%.
Có thể bạn quan tâm
Giao dịch chứng khoán phái sinh hứa hẹn tăng sức hút với nhà đầu tư
14:27, 27/09/2023
Bối cảnh vĩ mô và những tác động đến thị trường chứng khoán
04:50, 27/09/2023
Áp lực của thị trường chứng khoán trước tình hình biến động quốc tế
05:15, 26/09/2023
Tăng trưởng tín dụng sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán
05:30, 25/09/2023