Cổ phiếu DCM của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau đã liên tục tăng mạnh trong thời gian qua và bất ngờ tăng trần trong phiên giao dịch đầu tuần này.
Trong phiên giao dịch ngày 28/9, cổ phiếu DCM đã tăng trần lên 10.95 đồng/cổ phiếu với tổng khối lượng khớp lệnh lên 5,6 triệu cổ. Đây là khôí lượng cổ phiếu khớp lệnh lớn nhất trong nhiều phiên giao dịch vừa qua. Điều này cho thấy cổ phiếu DCM đã thực sự có sức hút lớn với thị trường và nhà đầu tư.
Theo báo cáo tài chính quý 2/2020, DCM ghi nhận doanh thu thuần 1.930 tỷ đồng, giảm 4% so cùng kỳ năm ngoái. Nhờ biên lãi gộp cải thiện đáng kể lên mức 21,5% (cùng kỳ là 13.1%), Công ty thu được 415 tỷ đồng lãi gộp, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, lãi ròng quý 2/2010 đạt 265 tỷ đồng, tăng 139% so cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, DCM lãi ròng lũy kế 376 tỷ đồng, tăng 26% so cùng kỳ năm trước.
Năm 2020, DCM đặt kế hoạch doanh thu 7.956 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2019; lãi sau thuế gần 52 tỷ đồng. Như vậy sau 6 tháng đầu năm nay, DCM đã thực hiện 42% kế hoạch doanh thu và vượt mạnh kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán PSI nhận định, việc giá dầu giảm trong năm 2020 sẽ chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho 2 doanh nghiệp là DCM và DPM. Đối với các doanh nghiệp còn lại, việc giá dầu giảm có thể sẽ tác động gián tiếp nhưng sẽ không thực sự rõ ràng.
Khí đốt là một phần của chi phí nguyên liệu chính của DCM và DPM. Tuy nhiên, ngoài khí đốt, nguyên liệu sản xuất của 2 doanh nghiệp này bao gồm cả điện, nước và các loại hóa chất khác. Đối với cả DCM và DPM, nguyên liệu sản xuất đều chiếm 53% trong cơ cấu giá vốn năm 2019.
Trong khi đó, DCM ký hợp đồng với PVN mua khí thiên nhiên từ lô PM3 CAA và Lô 46. PVN đảm bảo giá khí cho DCM trong giai đoạn 2015 – 2020 để DCM có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân 12%/năm từ hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón.
Ngoài ra, từ năm 2015, việc chuyển mặt hàng phân bón từ diện áp dụng thuế suất VAT 5% sang đối tượng không chịu thuế VAT dẫn đến toàn bộ thuế VAT đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón không được khấu trừ và doanh nghiệp phải hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh, làm cho giá thành sản phẩm tăng từ 5% - 8%, dẫn đến suy giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa.
Theo PSI, thông tin về chính sách thuế sửa đổi Luật thuế 71/2014/QH13 được thị trường kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho DCM. Theo đó, Luật sửa đổi sẽ đưa phân bón vào mặt hàng chịu thuế để toàn bộ thuế VAT đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón sẽ được khấu trừ. Nếu việc sửa đổi Luật thuế 71/2014/QH13 được thông qua, DCM có thể tiết kiệm 300 – 350 tỷ đồng tiền thuế VAT. Khoản này giúp biên lợi nhuận gộp tăng khoảng 4 – 5% và biên lợi nhuận thuần tăng từ 3 – 4%.
Tuy nhiên, PSI cho rằng, nghị trình thảo luận Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV sắp tới (từ 19/10 – 12/11/2020) chưa đưa việc sửa đổi Luật thuế vào nội dung thảo luận. Do đó, thời điểm sớm nhất thông qua luật sửa đổi cũng phải từ năm 2021 trở đi. Do đó, thông tin này sẽ hỗ trợ cho DCM trong ngắn và trung hạn kể từ thời điểm luật được thông qua.
"Các nhà đầu tư có thể nắm giữ cổ phiếu DCM cho mục tiêu trung và dài hạn, vùng giá chốt lãi nằm tại vùng giá 12-15.000 đồng/cổ phiếu...", PSI khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm