Cổ phiếu ngành hàng không, đặc biệt là cổ phiếu VJC của Công ty Cổ phần Hàng không VietJet đã tăng kịch trần sau thông tin về vaccine COVID-19 được đưa ra.
Phiên giao dịch ngày 10/11, dù thị trường bị điều chỉnh, song cổ phiếu ngành hàng không vẫn tăng vọt. Điển hình là cổ phiếu VJC tăng kịch trần với mức tăng 7,4% lên 113.400 đồng/cp, với khối lượng giao dịch tăng vọt lên 694.000 cổ phiếu được khớp lệnh. Đây là khối lượng giao dịch cao nhất của VJC trong 11 tháng qua. Hay như cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines cũng tăng 4,4% lên mức 27.500 đồng/cp, với khối lượng giao dịch 3,6 triệu cổ phiếu.
Theo ông Nguyến Mạnh Hải- Nhà đầu tư trên sàn MBS, cổ phiếu ngành hàng không "nổi sóng" là do Hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (trụ sở tại Đức) cho biết loại vaccine COVID-19 do hai công ty này phối hợp phát triển có hiệu quả lên tới 90% trong giai đoạn 3 thử nghiệm trên người. Điều này khiến nhà đầu tư kỳ vọng đại dịch COVID-19 sẽ sớm được chặn đứng, nên đã đẩy mạnh mua vào cổ phiếu ngành hàng không.
Do tác động của đại dịch COVID-19, nên trong 9 tháng đầu năm nay, HVN báo lỗ ròng hơn 10.471 tỷ đồng, và dự tính sang năm 2021 vẫn lỗ vài chục tỷ đồng nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Với VJC, kết quả hợp nhất quý 3 cũng ghi nhận doanh thu đạt 2.809 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lỗ 971 tỷ đồng. Theo đánh giá, đây là mức tích cực hơn kế hoạch và rất khả quan so với các hãng hàng không khác ở trong nước và trên thế giới.
Tổng tài sản của VJC hơn 45.269 tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu đạt 16.329 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền là 2.299 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ vay của VJC hiện thuộc nhóm thấp nhất trong ngành hàng không thế giới, nhờ vậy, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện kế hoạch huy động vốn trung- dài hạn với chi phí thấp để tăng cường nội lực tài chính.
Trong bối cảnh dịch bệnh tại Việt Nam và một số nước đang được kiểm soát tốt, VJC đã khẩn trương mở lại mạng bay quốc tế đến Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc) và Đài Bắc (Đài Loan)… Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm, khi tình trạng quá tải các sân giảm bớt, tỉ lệ số chuyến bay đúng giờ của VJC đạt 91%,
Trên thị trường ngành hàng không quốc tế, ngành hàng không có thể nói là một trong số ngành đã bị tàn phá nặng nề bởi COVID-19, khi các chính phủ áp đặt lệnh hạn chế biên giới chưa từng có. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), đại diện cho khoảng 290 hãng hàng không, khá bi quan về việc phục hồi lưu lượng hành khách đến trước năm 2024.
Báo cáo tài chính quý 3 của nhiều hãng trên thế giới cho thấy đều có sự giảm sút lớn. Các chuyên gia nhận định quý 3 là mức đáy trước khi ngành hàng không thế giới sẽ bắt đầu hồi phục từ quý 4 năm nay. Cụ thể, American Airlines (Mỹ) ghi nhận doanh thu quý 3 là 3,2 tỷ USD, giảm 73% so với cùng kỳ. Hãng Southwest (Mỹ) ghi nhận doanh thu quý 3 là 1,8 tỷ USD, giảm 68,2% so với cùng kỳ năm trước. Hãng British Airways (Anh) cho biết đã cắt giảm một lượng lớn các chuyến bay và đóng băng hầu hết các hoạt động khai thác...
Tuy nhiên tại thị trường hàng không Việt Nam, sự hỗ trợ của Chính phủ cũng đã góp phần giảm áp lực cho các hãng hàng không. Theo Thông tư 19/2020/TT-BGTVT ngày 1/9/2020, các hãng hàng không được giảm 50% chi phí hạ cất cánh, phục vụ mặt đất và điều hành bay, giúp các hãng tiết kiệm đáng kể chi phí. Niều khả năng Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ giảm thuế môi trường nhiên liệu bay và giảm phí phục vụ mặt đất, hạ cất cánh kéo dài đến hết năm 2021 và thực hiện chương trình cho vay ưu đãi.
Với những hỗ trợ nói trên của Chính phủ, cùng triển vọng sắp có vaccine COVID-19, cổ phiếu hàng không nói chung và HVN, VJC nói riêng có thể sẽ sớm phục hồi mạnh trở lại.
Có thể bạn quan tâm
Hỗ trợ doanh nghiệp hàng không theo phương thức thị trường
03:00, 07/11/2020
"Nút thắt” để kích hoạt dòng vốn đầu tư vào Vietnam Airlines
16:34, 10/11/2020
“Giải cứu” Vietnam Airlines
15:01, 05/11/2020
Nền tảng tài chính để Vietjet bật tăng sau COVID-19
18:20, 09/05/2020
Vietjet tăng cường hoạt động trong dịch COVID-19
16:23, 25/04/2020