Cổ phiếu MSB niêm yết trên sàn HoSE tiếp tục được khối ngoại và nhà đầu tư trong nước mua vào mạnh trong các phiên giao dịch đầu năm Giáp Thìn.
Cổ phiếu ngân hàng hưởng lợi khi Luật các TCTD (sửa đổi) có hiệu lực
Phiên giao dịch ngày 15/2, cổ phiếu MSB được khối ngoại mua 8,3 triệu cổ phiếu với tổng giá trị 124,2 tỷ đồng. Khối nhà đầu tư nội cũng tiếp tục đổ tiền vào cổ phiếu MSB trong các phiên giao dịch gần đây, kéo theo thanh khoản tăng đột biến. Điển hình phiên giao dịch ngày 15/2, MSB "nổ" thanh khoản với 35 triệu cổ phiếu được khớp lệnh với tổng giá trị giao dịch lên 566,4 tỷ đồng; Phiên giao dịch ngày 16/2 với 10,8 triệu cổ phiếu được khớp lệnh với tổng giá trị giao dịch lên 263 tỷ đồng…
Vậy cổ phiếu MSB có gì đặc biệt?
Về tình hình tài chính, tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của MSB đạt hơn 267 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2022. Tăng trưởng tín dụng đạt 22,43% thuộc nhóm cao nhất ngành, với danh mục tín dụng được phân bổ đa dạng, tập trung những ngành cốt lõi của nên kinh tế, qua đó giảm thiểu rủi ro và tăng hiệu quả sử dụng vốn. Ngân hàng cũng giảm dần tỷ lệ cho vay bất động sản trong danh mục cho vay khách hàng doanh nghiệp khi tỷ trọng này giảm từ mức 13,5% năm 2022 xuống 12,2% năm 2023.
Bên cạnh đó, mảng đầu tư cũng ghi nhận tăng trưởng 20%, từ mốc 31,6 nghìn tỷ đồng cuối năm 2022 lên 37,9 nghìn tỷ đồng kết thúc năm 2023 với 96% tổng danh mục là trái phiếu Chính phủ và trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành. Sau khi hiện thực hóa lợi nhuận một phần lớn danh mục trái phiếu Chính phủ trong năm 2022, MSB thiết lập lại danh mục đầu tư mới và tiếp tục gia tăng nguồn thu cho năm 2023. Có thể nói, MSB đã chốt lời danh mục trái phiếu Chính phủ trong năm 2022 nhờ “của để dành” từ những năm trước trong bối cảnh những ngân hàng khác có kết quả kinh doanh mục này không khả quan.
Về tổng tiền gửi của MSB, tại ngày 31/12/2023 đạt trên 132 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn đạt 97,2 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ; tiền gửi từ khách hàng cá nhân luôn ở mức cao, đạt xấp xỉ 76 nghìn tỷ đồng trong năm 2023, chiếm 57% tổng danh mục, tăng 26% so với cùng kỳ; số dư CASA chiếm 26,54% tổng huy động vốn. Dù biến động lãi suất quý cuối năm 2022 và trong năm 2023 dẫn tới xu hướng giảm của CASA trên toàn thị trường, MSB giữ vị trí top 4 ngân hàng có chỉ số này cao nhất ngành.
Phân tích về cổ phiếu MSB, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, MSB có lợi thế chi phí vốn thấp khi sở hữu tỷ lệ CASA cao và cơ cấu vay liên ngân hàng cũng ở mức cao trong hệ thống. Lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh ngoại hối và trái phiếu Chính phủ cũng như giúp giảm chi phí vốn của ngân hàng. Ngoài ra, chi phí huy động giảm mạnh và tỷ lệ CASA cải thiện khi nền kinh tế phục hồi trở lại cũng là yếu tố hỗ trợ cho chi phí vốn thấp của ngân hàng.
Chiến lược tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân và SMEs dưới sự tư vấn của McKinsey mang đến sự đa dạng hóa trong danh mục cho vay của MSB. Trong kế hoạch tài chính từ năm 2023 – 2027, MSB cũng đặt ra mục tiêu tổng tỷ trọng của khách hàng cá nhân và SMEs không nhỏ hơn 60% tổng dư nợ. Với tầm nhìn trở thành ngân hàng bán lẻ, kỳ vọng MSB có thể mở rộng NIM cũng như thu hút thêm CASA và thu nhập dịch vụ trong tương lai.
Từ năm 2018, dưới sự tư vấn của McKinsey và BCG, MSB đã đẩy mạnh đầu tư cho số hóa nhằm bắt kịp với mô hình kinh doanh hiện đại của hệ thống ngân hàng thế giới. Việc chuyển đổi số không những giúp ngân hàng giảm chi phí hoạt động mà còn giúp tăng trải nghiệm người dùng, từ đó đóng góp vào kết quả kinh doanh trong những năm sau.
Mặc dù đối mặt với những khó khăn trong thời điểm hiện tại, BVSC kỳ vọng nền kinh tế dần hồi phục sẽ hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng và giúp MSB lấy lại được đà tăng trưởng mạnh trong 1-2 năm tới. Vì vậy, BVSC khuyến nghị cho MSB với mức giá mục tiêu 16.000- 18.700 đồng/cp. BVSC sử dụng kết hợp giữa 2 phương pháp thu nhập thặng dư (RI model) và phương pháp so sánh P/B để định giá MSB, với phương pháp RI model chiếm tỷ trọng thấp hơn do ngân hàng vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh và chưa đến giai đoạn bão hòa.
Có thể bạn quan tâm