Cổ phiếu nào sẽ được quỹ ETF ngoại mua nhiều nhất?

HÀ PHƯƠNG 10/03/2023 05:30

Với việc tăng vốn của Fubon ETF và sự thay đổi tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam của V.N.M ETF, nhà đầu tư kỳ vọng dòng vốn nước ngoài sẽ đổ vào thị trường khoảng 6.100 tỷ đồng trong vài tuần tới

>>Cẩn trọng dòng vốn ngoại tháo chạy

Cổ phiếu nào sẽ được quỹ ngoại mua nhiều nhất

Cổ phiếu nào sẽ được quỹ ngoại mua nhiều nhất? Ảnh minh họa

Theo ước tính của Công ty Chứng khoán VNDirect, HPG, VCB, VNM, SSI sẽ được các quỹ mua nhiều nhất, trong khi STB và PLX có thể bị bán mạnh bởi các ETF nước ngoài trong đợt xem xét tới.

Fubon FTSE Việt Nam, quỹ ETF lớn thứ hai về giá trị tài sản ròng, đã tăng vốn thành công thêm 5 tỷ Đài tệ ( gần 3.800 tỷ đồng). Ngoài ra, VanEck Vietnam ETF (V.N.M ETF) sẽ thay đổi chỉ số tham chiếu từ MVIS Vietnam Index (với 80% là cổ phiếu Việt Nam) sang MVIS Vietnam Local Index (với 100% là cổ phiếu VN) kể từ ngày 17/3/2023 trở đi.

Như vậy, V.N.M ETF có thể mua khoảng 2.300 tỷ đồng trên TTCK Việt Nam ( gần 20% giá trị tài sản ròng hiện tại). Tổng cộng, ước tính dòng tiền khoảng 6.100 tỷ đồng sẽ chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam. VNDirect  ước tính ba quỹ ETF nước ngoài sẽ mua mạnh HPG ( gần 624 tỷ đồng), VCB ( gần 547 tỷ đồng) và VNM (gần 476 tỷ đồng) và cổ phiếu SSI trong  trong tuần giao dịch 13-17/03/2023, trước ngày hiệu lực danh mục mới của các quỹ ETF.

>>3 kịch bản VN-Index năm 2023: Bao giờ quay lại đỉnh giá lịch sử?

Những cổ phiếu này thuộc các doanh nghiệp đang có tình hình kinh doanh ra sao?

(Nguồn: VNDirect)

(Nguồn: VNDirect)

Trước hết là cổ phiếu HPG. Được mệnh danh là cổ phiếu quốc dân, cổ phiếu này đã được quỹ ngoại săn đón và mua vào lượng khá lớn trong thời gian vừa qua, tuy nhiên tình hình kinh doanh của HPG chưa mấy sáng sủa. 

Kết quả kinh doanh quý 4/2022 của HPG ghi nhận lỗ kỷ lục 2.000 tỷ do chi phí nguyên liệu đầu vào cao, khó khăn từ suy thoái kinh tế… Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán VNDirect cho rằng lợi nhuận ròng của HPG vẫn sẽ ghi nhận ở mức thấp trong nửa đầu năm 2023, trước khi tăng trưởng tích cực trở lại từ quý 3/2023 nhờ sản lượng tiêu thụ thép tăng trở lại từ mức thấp của nửa cuối năm 2022, biên lãi gộp được cải thiện khi giá nguyên liệu đầu vào giảm và dự phóng giảm giá hàng tồn kho thấp hơn và  cải thiện lỗ ròng chi phí tài chính khi lỗ tỷ giá giảm mạnh.

Theo diễn biến của giá hàng hóa giao ngay (bao gồm giá thép, quặng sắt, than cốc và thép phế), ước tính biên EBITDA của HPG trong quý 1/2023 thấp hơn 1,8 điểm % so với quý 4/2022. Với nhu cầu yếu, VNDirect lo ngại về khả năng chuyển rủi ro tăng giá nguyên liệu đầu vào của HPG sang phía người tiêu dùng cuối cùng. Bên cạnh đó, hiệu suất vận hành nhà máy thấp trong nửa đầu năm 2023 cũng sẽ tác động tới biên lợi nhuận của Công ty. Do đó, dự phòng lợi nhuận ròng của HPG có thể vẫn sẽ âm trong quý 1/2023. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/3 cổ phiếu HPG cán mốc 21.200 đồng/cp.

Cổ phiếu thứ hai được dòng vốn ngoại mua vào nhiều là VCB. Theo báo cáo tài chính công bố năm 2022, lợi nhuận lũy kế cả năm VCB đạt gần 37.359 tỷ đồng, tăng 35,9% so với năm 2021 và vượt kế hoạch đề ra hồi đầu năm. Trong đó, phần thu nhập lãi thuần tăng gần 11.000 tỷ và giảm chi phí dự phòng rủi ro hơn 2.000 tỷ đồng.

Với con số này, VCB tiếp tục giữ vững vị trí quán quân lợi nhuận toàn hệ thống trong năm thứ 5 liên tiếp. Trong năm 2022, tổng tài sản tăng 28,2% vượt 1,814 triệu tỷ đồng, ghi nhận là nhà băng có tốc độ tăng trưởng tài sản nhanh nhất. Ba động lực chính giúp tài sản VCB mở rộng mạnh mẽ đến từ: Cho vay khách hàng; Tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác và Tiền gửi tại NHNN. Nợ xấu nội bảng của VCB ở mức 7.808 tỷ, tăng 27,6% so với hồi đầu năm, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 317% tại thời điểm 31/12/2022. Đóng cửa phiên giao dịch 9/3 cổ phiếu VCB cán mốc 96.000 đồng/cp.

Cổ phiếu thứ 3 được quỹ ngoại mua vào trong kỳ cơ cấu lần này là VNM. Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, VNMghi nhận lợi nhuận sau thuế 8.578 tỷ đồng – lần đầu tiên mất mốc 9.000 tỷ trong vòng 7 năm qua. Nguyên nhân không chỉ đến từ việc doanh thu suy giảm mà các chi phí như giá vốn, chi phí lãi vay và lỗ tỷ giá cũng đều là những gánh nặng cho doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam.

Tính đến cuối năm 2022, VNM có tổng tài sản đạt 48.843 tỷ đồng, lượng tiền mặt và tiền gửi giảm 16% còn 19.714 tỷ đồng; tổng nợ phải trả 15.666 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu gần 32.817 tỷ đồng. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VNM đang giao dịch ở mức giá 76.500 đồng/cp… Đây là 03 cổ phiếu tiêu biểu được quỹ ngoại mua nhiều trong đợt này.

Theo các chuyên gia chứng khoán, ngoài các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc), kênh ETF nhiều khả năng sẽ hút thêm dòng vốn từ các khu vực khác, đặc biệt khi triển vọng kinh tế Việt Nam ngày càng sáng sủa. Trong bối cảnh đó, các quỹ FTSE Vietnam ETF, V.N.M ETF hay iShares MSCI Frontier and Select EM ETF,... đóng vai trò rất quan trọng. Điểm tích cực là các ETF này đều hút vốn khá mạnh thời gian gần đây.

Theo ông Yun Hang Jin - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Quản lý Quỹ KIM Việt Nam, vốn ngoại tìm đến không phải chỉ riêng Việt Nam trong ngắn hạn mà đây sẽ là xu hướng dài hạn. Dòng tiền mạnh mẽ từ các quỹ ETF ngoại giai đoạn cuối năm 2022 đến nay là chứng minh chứng khoán Việt Nam đang ở mức định giá hấp dẫn. Với tình hình hiện nay, các dự báo đều lạc quan về việc sẽ có thêm nhiều ETF ngoại với mục tiêu đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới, khi thị trường hiện thực hóa được mục tiêu nâng hạng.

Có thể bạn quan tâm

  • Vốn ETFs đảo chiều, chứng khoán Việt còn hút vốn ngoại?

    Vốn ETFs đảo chiều, chứng khoán Việt còn hút vốn ngoại?

    17:00, 07/03/2023

  • Sôi động huy động vốn ngoại

    Sôi động huy động vốn ngoại

    03:30, 18/12/2022

  • Vừa mua lại trái phiếu trước hạn, An Gia vừa muốn tìm vốn ngoại

    Vừa mua lại trái phiếu trước hạn, An Gia vừa muốn tìm vốn ngoại

    03:18, 24/11/2022

  • Điều gì đang cản vốn ngoại vào bất động sản du lịch nghỉ dưỡng?

    Điều gì đang cản vốn ngoại vào bất động sản du lịch nghỉ dưỡng?

    03:00, 12/10/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cổ phiếu nào sẽ được quỹ ETF ngoại mua nhiều nhất?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO