Chứng khoán

Cổ phiếu ngân hàng “bùng nổ” thanh khoản

Nguyễn Phương Hà 25/09/2024 03:09

Phiên giao dịch ngày 24/9, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục "bùng nổ" thanh khoản.

11.jpg
Phiên giao dịch ngày 24/9, cổ phiếu TCB khớp lệnh 11 triệu đơn vị, thanh khoản tiếp tục được cải thiện

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên giao dịch khởi sắc nhờ lực cầu dâng cao tại nhiều nhóm ngành, nhất là nhóm bất động sản, ngân hàng giúp VN-Index bật tăng. Đóng cửa, VN-Index tăng 8,51 điểm lên 1.276,99 điểm. Thanh khoản trên HoSE đạt ngưỡng 17.917 tỷ đồng, song giá trị khớp lệnh chỉ đạt vỏn vẹn khoảng 11.600 tỷ.

Khá nhiều cổ phiếu xuất hiện giao dịch lớn, tập trung chủ đạo vào nhóm ngân hàng và bất động sản. Dẫn đầu là STB với thanh khoản 780,9 tỷ đồng, giá tăng 3,41%. Tiếp sau là VPB với 717,3 tỷ đồng, giá tăng 1,05% với 33 triệu cổ phiếu khớp lệnh. Hai cổ phiếu ngân hàng này có phiên chiều cực kỳ sôi động. STB bùng nổ thanh khoản với 24 triểu cổ khớp lệnh; MBB tăng tiếp 1,41% và đóng cửa trên tham chiếu 1,81%, thanh khoản 17,5 triệu cổ khớp lệnh.

STB và MBB là hai mã dẫn dắt VN30-Index, giúp chỉ số này tăng 0,74%. Ngoài VPB, MBB và STB, ACB, BID, VIB cũng tăng giá. Riêng VIB khớp lệnh 19 triệu cổ phiếu, TCB khớp lệnh 11 triệu cổ phiếu. Thanh khoản nhóm cổ phiếu ngân hàng này tiếp tục được cải thiện. Có thể nói, trong 10 cổ phiếu dẫn dắt điểm số của VN-Index thì tới 7 mã ngân hàng.

Vậy nhóm cổ phiếu ngân hàng có tiếp tục duy trì đà tăng? Báo cáo mới đây nhận định về cổ phiếu ngân hàng, Công ty Chứng khoán MBS kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của các nhà băng sẽ đạt 14% trong năm 2024 với kịch bản tăng trưởng GDP là 6, 5% cho cả năm. Cho vay bán lẻ dự kiến sẽ phục hồi mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm 2024 dẫn dắt bởi tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô nhờ hiệu ứng từ lãi suất cho vay thấp.

Ảnh chụp Màn hình 2024-09-24 lúc 16.11.17

Tính đến 7 tháng đầu năm 2024, tổng doanh số bán lẻ ghi nhận mức tăng trưởng 8,7%. MBS kỳ vọng hoạt động cho vay mua nhà sẽ giữ tốc độ tăng trưởng chủ yếu nhờ sự phục hồi của giao dịch bất động sản thứ cấp. Đối với mảng khách hàng doanh nghiệp, dự báo hoạt động nhập khẩu và xây dựng hạ tầng sẽ là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2024.

MBS cho rằng các ngân hàng có những đặc điểm sau sẽ đạt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn trong thời gian còn lại của năm 2024, đó là: Một số ngân hàng có thể hy sinh (NIM) bằng cách giảm lãi suất cho vay, bao gồm: VPB, MBB, TCB và HDB; Các ngân hàng có chất lượng tài sản đã được kiểm chứng trong thời kỳ đại dịch Covid-19 (tính đến thời điểm hiện tại) sẽ có vị thế tốt hơn. Các ngân hàng này như ACB, VCB, TCB có thể vượt qua áp lực trích lập dự phòng trong các quý tới khi tín dụng tiếp tục tăng trưởng; Tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trong lịch sử, các nhà băng chứng tỏ được khả năng hấp thụ tín dụng trong bối cảnh áp lực trả trước cao trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 có khả năng duy trì tăng trưởng.

Mặc dù NIM được kỳ vọng sẽ giảm nhẹ trong năm 2024 nhưng MBS vẫn duy trì dự báo rằng lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng theo dõi sẽ tăng trưởng 15,3%. MBS kỳ vọng rằng việc giảm nhẹ chi phí trích lập dự phòng rủi ro trong nửa cuối năm 2024sẽ bù đắp sự sụt giảm từ NIM, giúp tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các nhà băng tiếp tục được duy trì.

Dự báo cho thấy rằng nhóm NHTM cổ phần có quy mô lớn có được mức tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn so với nhóm NHTM Nhà nước và nhóm NHTM cổ phần quy mô nhỏ do nhóm này sẽ dẫn dắt tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong khi nhóm NHTM Nhà nước sẽ giữ vai trò duy trì. Do vậy, nhà đầu tư tiếp tục duy trì nắm giữ cổ phiếu ngân hàng cho mục tiêu dài hạn từ nay đến cuối năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cổ phiếu ngân hàng “bùng nổ” thanh khoản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO