Cổ phiếu ngành phân bón còn dư địa tăng trưởng?

HÀ PHƯƠNG 03/03/2021 05:45

Theo dự báo, cổ phiếu ngành phân bón đang có đà tăng trưởng trong năm 2021 bất chấp giá dầu tăng. Điều này liệu có phải là nghịch lý?

Giá dầu tăng khiến giá khí đầu vào sản xuất phân bón tăng liệu có được bù đắp bởi nhu cầu phục hồi? (ảnh: Sản xuất tại nhà máy Đạm Phú Mỹ)

Giá dầu tăng khiến giá khí đầu vào sản xuất phân bón tăng liệu có được bù đắp bởi nhu cầu phục hồi? (ảnh: Sản xuất tại nhà máy Đạm Phú Mỹ)

Phiên giao dịch ngày 2/3 đã khép lại nhưng nhóm cổ phiếu phân bón DPM (Đạm Phú Mỹ), DCM (Đạm Cà Mau), LAS (Super Phốt Phát Lâm Thao) đã có đà tăng rất mạnh bất chấp thị trường rung lắc. Cổ phiếu DCM tăng trần hết biên độ cho phép cán mốc 14.950 đồng/cổ phiếu với tổng khối lượng giao dịch lên tới 11 triệu đơn vị. Tiếp đó cổ phiếu DPM cán mốc 18.300 đồng/cổ phiếu với hơn 500 nghìn đơn vị được khớp lệnh. Cổ phiếu LAS cũng tăng lên 9000 đồng/ cổ phiếu sau nhiều năm trồi sụt dưới giá trị sổ sách. Cổ phiếu BFC (Phân bón Bình Điền) tăng 19.900 đồng/cổ phiếu...

Dường như giá dầu tăng đang không gây ảnh hưởng lớn đến nhóm cổ phiếu phân bón như xu thế và quy luật trước đây. Vậy xu hướng hiện tại liệu có tiếp diễn và kéo dài trong năm 2021? Và điều gì nâng đỡ triển vọng của cổ phiếu nhóm ngành này?

Dù gián đoạn chuỗi cung ứng, nhu cầu phân bón vẫn tăng

Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) cho biết, năm 2020 ngành phân bón thế giới ít chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Nhu cầu tiêu thụ phân bón toàn cầu ước đạt 191,4 triệu tấn, tăng 1,5%  do hưởng lợi từ các yếu tố thuận lợi ngành nông nghiệp toàn cầu. Khu vực Nam Á là động lực tăng trưởng quan trọng cho nhu cầu tiêu thụ phân bón toàn cầu năm 2020. Trong khi đó, Đông Á và Tây Á là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch, phải đối mặt với tình trạng sụt giảm nhu cầu phân bón. Nhưng sau gián đoạn chuỗi cung ứng ngắn hạn, nhu cầu phân bón được dự báo tăng tốc vào năm 2021.

Theo dự báo của Hiệp hội Phân bón Thế giới (IFA), nhu cầu tiêu thụ phân bón toàn cầu năm 2021 đạt 194,9 triệu tấn, tăng1,8% so với năm 2020 do nhu cầu hồi phục ở hầu hết các khu vực. Nhu cầu tiêu thụ tăng nhanh kéo giá phân bón thế giới tăng. Giá phân Urê dự kiến tăng 3,0% trong năm 2021, phân DAP tiếp tục tăng nhẹ 2,6%. Trong khi đó, giá phân Kali được dự báo tăng cao hơn ở mức tăng 3,6% khi nhu cầu phục hồi tại các khu vực bị ảnh hưởng của dịch bệnh, đặc biệt là Trung Quốc.

Còn theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cũng là một thành viên IFA, ngành phân bón Việt Nam năm 2020 tăng trưởng khả quan bất chấp tình hình dịch bệnh trên toàn cầu. Tính đến tháng 11/2020, sản xuất các loại phân bón trong nước đều tăng so với cùng kỳ năm 2019: Phân Urê đạt 2,19 triệu tấn (+7,3%), phân NPK đạt ~2,64 triệu tấn (+3,5% ) và phân DAP đạt 339,4 nghìn tấn (+3,3%). Xuất nhập khẩu phân bón tăng mạnh dù thị trường xảy ra gián đoạn chuỗi cung ứng và logistics.

Trong đó, nhập khẩu phân bón đạt 3,64 triệu tấn, (+7,2% ). Xuất khẩu phân bón cũng tăng 38%. "Tuy nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước năm 2020 bị ảnh hưởng bởi diễn biến thời tiết cực đoan nhưng nhìn chung kết quả kinh doanh các doanh nghiệp đầu ngành đều tăng trưởng đáng kể. Giá phân bón nội địa năm 2020 hồi phục từ mức đáy 03 năm gần nhất", Hiệp hội Phân bón Việt Nam đánh giá. 

Triển vọng nông nghiệp tích cực hỗ trợ ngành trong 2021

 Dự báo năm 2021, triển vọng tích cực từ ngành nông nghiệp là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ phân bón Việt Nam. Với tình hình thời tiết năm 2021 cũng được dự báo thuận lợi, cùng giá các loại nông sản đang ở mức cao, sẽ là điều kiện tốt để người nông dân tăng cường chăm bón cho cây trồng, nâng cao năng suất, từ đó gia tăng nhu cầu sử dụng phân bón. Bên cạnh đó, chính sách thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón là một yếu tố quan trọng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành phát triển...

Dự báo

Dự báo nhu cầu phân bón ổn định trong năm 2021-2024 (Nguồn FPTS)

Với bức tranh nhiều doanh nghiệp phân bón được hưởng lợi ở 2021, FPTS cũng đưa ra khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành này, trên quan điểm cho dù giá dầu tăng có thể làm tăng giá khí đầu vào - nguyên liệu chủ yếu của các nhà máy sản xuất phân bón - nhưng sẽ không ảnh hưởng sâu đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Theo FPTS, nhà đầu tư có thể xem xét cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp đầu ngành, có năng lực cạnh tranh và tình hình tài chính tốt, hoặc doanh nghiệp có triển vọng xuất khẩu sản phẩm ra các nước khu vực Châu Á.  

Có thể bạn quan tâm

  • “Chọn mặt gửi vàng” đầu tư cổ phiếu nhóm Dầu nào?

    “Chọn mặt gửi vàng” đầu tư cổ phiếu nhóm Dầu nào?

    06:00, 18/02/2021

  • Đầu tư vào cổ phiếu ngành Dầu: “Một vốn, bốn lời”

    Đầu tư vào cổ phiếu ngành Dầu: “Một vốn, bốn lời”

    06:46, 16/02/2021

  • Phân bón Phú Mỹ ra mắt sản phẩm mới Đạm Phú Mỹ + KeBo

    Phân bón Phú Mỹ ra mắt sản phẩm mới Đạm Phú Mỹ + KeBo

    17:00, 25/01/2021

  • Vì đâu phân bón giả vẫn tràn lan thị trường?

    Vì đâu phân bón giả vẫn tràn lan thị trường?

    04:50, 11/12/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cổ phiếu ngành phân bón còn dư địa tăng trưởng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO