Có “sân chơi” lo gì công nghiệp cơ khí không phát triển

Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN 01/02/2024 03:50

Được cho là ngành công nghiệp mang tính nền tảng, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thế nhưng, trên thực tế, công nghiệp cơ khí Việt Nam vẫn luôn thiếu “sân chơi”…

>> Đồng bộ chính sách phát triển ngành cơ khí: Gỡ “nút thắt” cho doanh nghiệp

Theo đó, trong hành trình phát triển, ngành công nghiệp cơ khí đã chịu không ít thiệt thòi, đặc biệt là nỗi oan với câu chuyện “không làm nổi con ốc vít”, tuy nhiên, ít ai biết rằng, trên thực tế, những chiếc Roto của nhà máy thủy điện Sơn La nặng 1.000 tấn - bộ phận quan trọng bậc nhất, đóng vai trò phát điện lại được vận chuyển và lắp đặt bởi một chiếc trục cẩu khổng lồ hoàn toàn “Made in Vietnam”. Chiếc trục cẩu có khả năng cẩu được cấu kiện lên tới 1.200 tấn được sản xuất bởi Công ty CP Tập đoàn Quang Trung (Ninh Bình) với tỷ lệ nội địa hóa 90% và vận chuyển lên Sơn La, lắp đặt thành công bởi chính những kỹ sư Việt Nam.

Chưa kể, hiện tại, doanh nghiệp cơ khí Việt Nam có thể sản xuất được những sản phẩm đơn giản đến phức tạp. Ôtô “Made in Vietnam” có tỷ lệ nội địa hóa ngày càng cao, xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính trên thế giới.

Ngành công nghiệp cơ khí đã đạt được không ít thành tựu đáng kể trong những năm qua - Ảnh minh họa

Ngành công nghiệp cơ khí đã đạt được không ít thành tựu đáng kể trong những năm qua - Ảnh minh họa

Xoay quanh vấn đề đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, ngành cơ khí chỉ thiếu “sân chơi”, cơ chế, chính sách để phát triển, chứ không thiếu năng lực để đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa, thậm chí tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thực tế, Gói thầu về chế tạo và cung cấp đường ống nhận và thải nước làm mát vừa được Ban Quản lý dự án điện 2 - Chi nhánh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trao cho Liên danh Công ty CP Tập đoàn Quang Trung - Công ty TNHH CS Wind Việt Nam mới đây có thể được cho là minh chứng. Đây được cho là một trong những gói thầu quan trọng (giá thầu dự toán 1.063 tỷ đồng) thuộc “siêu” Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 với tổng mức đầu tư hơn 41.000 tỷ đồng.

>> Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí - Bài 4: Trăn trở của người trong cuộc

Vấn đề của việc phát triển ngành công nghiệp cơ khí xuất phát từ việc thiếu

Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề của việc phát triển ngành công nghiệp cơ khí xuất phát từ việc thiếu "sân chơi", cơ chế, chính sách - Ảnh minh họa

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, các ngành dự kiến được xác định trên cơ sở các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên theo Nghị quyết số 29-NQ/TW. Cụ thể là, công nghiệp hỗ trợ cho các ngành dệt may, da - giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, công nghệ cao; công nghiệp vật liệu, luyện kim; công nghiệp cơ khí; công nghiệp điện tử; công nghiệp thực phẩm, sinh học,…

Đáng nói, Gói thầu có sự tham gia đấu thầu của hàng loạt các Liên danh doanh nghiệp lớn như: Liên danh Công ty CP Cơ khí xây dựng số 26 - Công ty CP Lilama 18; Liên danh Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp - Tổng công ty Cơ điện xây dựng - Công ty CP Cơ điện Miền Trung - Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật PTSC Thanh Hóa; Liên danh Viện Nghiên cứu cơ khí - Công ty CP Cơ khí Đông Anh Licogi - Tổng công ty Lắp máy Việt Nam; Liên danh Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Kim khí Bắc Giang - Công ty CP Tập đoàn IPC - Công ty CP Xây lắp đường ống bể chứa dầu khí; Liên danh Công ty CP Công nghiệp E. Nhất - Công ty CP Cơ khí xây dựng AMECC. Nhưng chung cuộc, phần thắng vẫn thuộc về Liên danh Công ty CP Tập đoàn Quang Trung - Công ty TNHH CS Wind Việt Nam.

Thông tin với báo chí, cán bộ phụ trách công tác đấu thầu thuộc Bên mời thầu khẳng định: “Liên danh Công ty CP Tập đoàn Quang Trung - Công ty TNHH CS Wind Việt Nam là nhà thầu có năng lực, đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu”.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên Công ty CP Tập đoàn Quang Trung trúng các gói thầu lớn. Trong thời gian qua, doanh nghiệp này liên danh với Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thực hiện Gói thầu xây lắp phần cầu vượt thuộc Dự án Xây dựng cầu vượt tại nút giao đường Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài (hơn 162 tỷ đồng); Gói thầu thiết kế chế tạo, cung cấp, lắp đặt cầu trục gian máy và dịch vụ kỹ thuật thuộc Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng (113,8 tỷ đồng);…

Từ đó có thể thấy, xét về mặt năng lực, Công ty CP Tập đoàn Quang Trung nói riêng và ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam nói chung hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường, và có thể thực hiện tốt công việc nếu có như cam kết của ông Nguyễn Tăng Cường - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Quang Trung tại lễ ký kết hợp đồng Gói thầu chế tạo và cung cấp đường ống nhận và thải nước làm mát của Ban Quản lý dự án điện 2: “Chúng tôi cam kết với lãnh đạo Ban sẽ thực hiện đúng chất lượng và tiến độ theo hợp đồng cũng như hồ sơ dự thầu mà chúng tôi đã tham dự”.

Thực tế, xoay quanh vấn đề phát triển ngành công nghiệp cơ khí, trước đó, không ít ý kiến cũng đã cho rằng, cần có chương trình hỗ trợ đầu ra bằng cách kết nối với người mua tiềm năng của mỗi ngành; ưu đãi cho công ty công nghiệp hỗ trợ cỡ vừa hiện nay đầu tư mở rộng sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ về tài chính… đồng thời giúp doanh nghiệp thêm điều kiện tiếp cận công nghệ mới. Cần xem xét việc bình đẳng các ưu đãi đầu tư giữa doanh nghiệp cơ khí trong nước và doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, Nhà nước cũng nên tạo nhiều đơn hàng, trong đó có đơn hàng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, nhất là các dự án đầu tư công.

Theo dự báo sơ bộ, tổng nhu cầu thị trường cơ khí của Việt Nam giai đoạn 2019 – 2030 có thể đạt 310 tỷ USD, trong đó, nhu cầu thị trường từ công trình công nghiệp là 120 tỷ USD; xây dựng, nông nghiệp, chế biến là 15 tỷ USD; thiết bị tiêu chuẩn là 10 tỷ USD; giao thông đường sắt là 35 tỷ USD; tàu điện ngầm là 10 tỷ USD và ô tô là 120 tỷ USD.

Như vậy, “sân chơi” dành cho ngành cơ khí không phải nhỏ, tuy nhiên, vẫn cần cơ chế, chính sách cụ thể để các doanh nghiệp cơ khí trong nước tham gia. Một khi có “sân chơi” lo gì cơ khí không phát triển.

Có thể bạn quan tâm

  • Hơn 100 tỷ USD đầu tư cho đường sắt, doanh nghiệp cơ khí Việt Nam chỉ xin làm thầu phụ?

    Hơn 100 tỷ USD đầu tư cho đường sắt, doanh nghiệp cơ khí Việt Nam chỉ xin làm thầu phụ?

    11:56, 20/12/2023

  • Đồng bộ chính sách phát triển ngành cơ khí: Gỡ “nút thắt” cho doanh nghiệp

    Đồng bộ chính sách phát triển ngành cơ khí: Gỡ “nút thắt” cho doanh nghiệp

    00:06, 16/11/2023

  • Đồng bộ chính sách phát triển ngành cơ khí: Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp

    Đồng bộ chính sách phát triển ngành cơ khí: Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp

    14:53, 14/11/2023

  • Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí – Bài 8: Giải pháp nào cho Việt Nam?

    Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí – Bài 8: Giải pháp nào cho Việt Nam?

    05:30, 14/11/2023

  • Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí – Bài 7: Nhìn sang… nước bạn

    Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí – Bài 7: Nhìn sang… nước bạn

    05:30, 13/11/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Có “sân chơi” lo gì công nghiệp cơ khí không phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO