Có thể chấp nhận bảo lãnh dự án PPP

Trường Phước 30/03/2019 07:30

Góp ý về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, VCCI cho rằng, Chính phủ vẫn có thể bảo lãnh dự án đối tác công tư (PPP) nhưng phải thiết kế các điều kiện kiểm soát bảo lãnh ngặt nghèo.

Thực tế các dự án đối tác công tư (PPP) là rất cần thiết trong bối cảnh phát triển hiện nay của Việt Nam. Không thể phủ nhận rằng: các dự án BOT, BT... đã làm thay đổi khá nhiều bức tranh cơ sở hạ tầng giao thông trong những năm gần đây. Nhưng cũng chính các dự án BT, BOT... ấy đang đẩy nhân dân và nhà nước vào những tình huống dở khóc dở cười.

p/Bộ GTVT đề xuất Chính phủ chấp thuận một số quy chế đặc thù để triển khai dự án thành phần 1B đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, vành đai 3 TP.HCM. (Trong ảnh: Nút giao thông ngã ba Tân Vạn và ngã tư Vũng Tàu)

Bộ GTVT đề xuất Chính phủ chấp thuận một số quy chế đặc thù để triển khai dự án thành phần 1B đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, vành đai 3 TP.HCM. (Trong ảnh: Nút giao thông ngã ba Tân Vạn và ngã tư Vũng Tàu)

Dĩ nhiên, trách nhiệm bảo đảm phát triển dịch vụ công, trong đó có giao thông, là của nhà nước. Khi nhà nước chấp thuận “bán” trách nhiệm đó cho một bên khác, mà bên “mua” đó có mục tiêu lợi nhuận, thì mâu thuẫn đương nhiên sẽ phát sinh nếu mọi thứ không minh bạch.

Hệ lụy của sự thiếu minh bạch

Nhà nước sẽ tiến thoái lưỡng nan khi các mâu thuẫn phát sinh từ những bất minh ấy. Từ chỗ lẽ ra chỉ là thay mặt nhân dân, ký kết với các nhà đầu tư thực hiện các dự án BT, BOT, thì Nhà nước lại trở thành cơ quan tài phán khi chủ thể đích thực là nhân dân không đồng tình với thực tế của các dự án BOT, BT... Lúc ấy, nhà nước đứng về phía ai? Đứng về phía nhân dân thì việc thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng thông qua hình thức PPP sẽ bị ảnh hưởng. Đứng về phía các nhà đầu tư BOT, BT thì bản chất vì dân của nhà nước sẽ bị phương hại.

Trường hợp liên tục lùi thời hạn thu phí trở lại ở trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) là một minh chứng cho tình trạng này. Hay việc những người dân tự bỏ công sức, dựng lán kiểm đếm từng chiếc xe qua trạm BOT Ninh Lộc (Khánh Hòa) cũng là một ví dụ tốt minh họa cho hệ quả của việc “bí mật” thông tin trong triển khai các dự án BOT giao thông.

Bởi người dân sẽ không phản ứng như vậy nếu mọi thông tin về dự án được công khai cho dân và tính chất thị trường là cạnh tranh được tuân thủ. Thì lúc đó, dù thời gian thu phí có kéo dài đến đâu người dân chắc cũng vui vẻ. Nhưng nếu vụ mất trộm tiền ở trạm thu phí cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây làm bật ra những câu hỏi về doanh thu ở các dự án BOT, BT... thì vấn đề dường như không chỉ nằm ở những bất cập lâu nay đã được nói đến.

Phải ngăn bảo lãnh biến tướng

Nên nhớ rằng, việc thực hiện các dự án BOT, BT không chỉ liên quan đến các quy định của pháp luật, mà còn liên quan chặt chẽ đến những vấn đề của hệ thống công quyền. Nếu liên hệ những vấn đề của các dự án BOT, BT với công cuộc phòng, chống tham nhũng, những đại án gần đây sẽ thấy rằng: gốc rễ vấn đề dường như đã dần được hé lộ. Sự thật là chưa thể có được những bằng chứng xác thực về việc có tham nhũng, hối lộ hay không trong các dự án BOT, BT nhưng nếu chỉ để ý đến các điều khoản bảo mật trong các hợp đồng dạng này đã thấy thực sự có những bí mật chưa được bật mí.

Mặt khác, ngoài những phản ứng tiêu cực từ nhân dân xung quanh các dự án BOT, thì việc Bộ Tài chính ngay từ đầu năm 2018 đã thúc giục các địa phương dừng việc “đổi đất lấy hạ tầng” đã lộ rõ những mâu thuẫn trong pháp luật và thực thi. Khi mà các bộ, ngành vẫn đang chưa chốt được quan điểm về nghị định dùng tài sản công, mà cụ thể là đất đai, thanh toán cho các dự án BT thì rõ ràng những mâu thuẫn không còn nằm ở phạm vi pháp luật.

Có những quan điểm khác biệt, trái chiều trong bất kể vấn đề gì là đương nhiên, nhưng việc Chính phủ phải dùng một nghị quyết để thay thế cho một nghị định nhằm giải quyết khoảng trống pháp lý về việc thanh toán cho các dự án BT là một điều cần suy nghĩ. Vì vậy, dự thảo Luật về đối tác công tư (PPP) có dự thảo quy định khả năng cung ứng và giải ngân của cơ quan Nhà nước thông qua phát triển dự án, nhất là “phải đảm bảo doanh thu cho dự án” có ý kiến khác cũng là điều bình thường. Thực chất đây là việc nhà nước phải bảo lãnh cho các dự án đó.

Có thể bạn quan tâm

  • "Khoảng cách rộng" trong tiếp cận PPP giữa cơ quan quản lý và nhà đầu tư

    00:57, 28/03/2019

  • VCCI “hiến kế” xây dựng Dự án Luật Đầu tư PPP

    VCCI “hiến kế” xây dựng Dự án Luật Đầu tư PPP

    06:30, 27/03/2019

  • Thu hút nhà đầu tư hợp tác PPP trong dịch vụ y tế

    Thu hút nhà đầu tư hợp tác PPP trong dịch vụ y tế

    02:37, 16/03/2019

VCCI góp ý rằng: cần thiết kế thật tốt cơ chế quản lý rủi ro các khoản mục này, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh cần phải minh bạch, công khai. Thế nhưng thực tế về bảo lãnh Chính phủ cho các dự án, các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước từ trước tới nay cho thấy: dù có những quy định chặt chẽ, công khai… nhưng việc bảo lãnh vẫn gây ra những hệ lụy. Hơn nữa, có thể lấy trường hợp nhà máy lọc dầu Nghi Sơn để thấy rằng: khi Chính phủ “bảo đảm doanh thu” cho dự án, thì những nguy cơ phải “bù lỗ” là hiện hữu.

Thật ra, đối với đầu tư, thì “lỗ lãi” là một điều không thể tránh khỏi. Bất kể một dự án nào, dù được thẩm định kỹ lưỡng, triển khai tốt đến đâu cũng có thể không như dự kiến ban đầu về lợi nhuận. Chấp nhận có những rủi ro khi đầu tư mới là điều cần tuân thủ. Đương nhiên, một chính quyền sạch, một môi trường đầu tư bình đẳng, cạnh tranh, an toàn… mới là phương cách thu hút đầu tư tốt nhất. Nên nhớ rằng: PCI 2018 mới được công bố vẫn ghi nhận: 54% doanh nghiệp vẫn phải trả “phí bôi trơn”.

Vậy thì hy vọng về việc triển khai minh bạch, công khai các dự án theo hình thức PPP vẫn còn khá mong manh. Và dự thảo luật về PPP có tốt đến đâu cũng khó có thể triển khai khả thi trong thực tế. Và hình thức bảo lãnh, vì thế, sẽ có thể biến tướng.

Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, VCCI: Bảo lãnh các dự án PPP có kiểm soát

Hiện nay, vấn đề bảo lãnh hay không đối với các dự án PPP đang là tranh luận lớn. Nếu không chấp nhận bảo lãnh thì rất khó thu hút các nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài hoặc các dự án có mức độ rủi ro cao. Tuy nhiên, nếu bảo lãnh thì Nhà nước nhận rủi ro về phía mình và nếu không có cơ chế quản lý rủi ro tốt thì có thể sẽ gây những hệ luỵ lớn cho ngân sách về dài hạn. Do đó, giải pháp tốt nhất là Luật đầu tư PPP vẫn chấp nhận cho phép bảo lãnh, nhưng phải thiết kế thật tốt cơ chế quản lý rủi ro của các khoản bảo lãnh. Hiện nay, có khá nhiều hình thức bảo lãnh thường thấy như bảo lãnh khoản vay, bảo lãnh doanh thu tối thiểu, bao tiêu sản phẩm, biến động tỷ giá…

Vũ Huy Đông, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP DamSan: Nên bảo lãnh về tỷ giá

Tôi cho rằng nên bảo lãnh về tỷ giá, bởi tâm lý các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài họ đầu tư vào dự án nước sở tại dù là dự án lớn hay nhỏ họ lo nhất là thể chế chính sách không ổn định… khiến khả năng mất tiền cao. Còn khi đầu tư nhà đầu tư phải tính toán thẩm định dự án, tính khả thi lợi nhuận, rủi ro… hết rồi và thấy tính khả thi lợi nhuận thì họ mới đầu tư. Ngoài ra, các dự án PPP cần công khai, minh bạch thông tin và lấy ý kiến cộng đồng vì ý kiến cộng đồng giúp Nhà nước có thể chủ động điều chỉnh dự án có tính khả thi cao… Đặc biệt, khi một dự án nhận được sự đồng thuận của xã hội thì nguy cơ rủi ro cho nhà đầu tư khi dự án bị đình trệ, bị mất doanh thu do phản ứng của xã hội sẽ giảm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Có thể chấp nhận bảo lãnh dự án PPP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO