Coca-Cola chưa năm nào có lãi kể từ lần đầu tiên kinh doanh tại Việt Nam, mặc dù doanh thu, quy mô liên tục tăng.
Tháng 2/1994 – gần 100 năm sau khi thành lập, Coca-Cola tiến vào Việt Nam với vị thế của một thương hiệu quốc tế hàng đầu. Bước vào một thị trường mới và gặp không nhiều đối thủ cạnh tranh, Coca-Cola nhanh chóng trở thành một trong những thương hiệu chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực nước giải khát tại Việt Nam, thậm chí có giai đoạn "bá chủ".
Năm 1998, Chính phủ Việt Nam còn thực hiện một động thái được cho là ủng hộ đối với Coca-Cola khi cho phép các Cty liên doanh trở thành Cty 100% vốn nước ngoài. Theo đó, Coca-Cola nhanh chóng mua lại 3 Cty ở Việt Nam – đặt thế “kiềng ba chân” vững chắc trong thị trường phát triển hàng đầu Đông Nam Á. Vốn đầu tư của họ tăng lên thành 350 triệu USD và các nhà máy cũng có khả năng sản xuất được 40 triệu lít/ tháng.
Kết thúc thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, doanh thu của Coca-Cola Việt Nam lên đến 2.500 tỷ đồng nhưng lại báo chi phí lên tới gần 2.700 tỷ đồng – lỗ khoảng gần 200 tỷ đồng. Việc Coca-Cola luôn báo lỗ khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi mức tăng trưởng của họ đạt mức kinh hoàng – trên 20% và sức mua của người dân Việt Nam không hề kém với các nước khác trong khu vực.
Có thể bạn quan tâm |
Cuối năm 2011, Coca-Cola báo lỗ tới gần 3.800 tỷ đồng – vượt cả số vốn đầu tư ban đầu (2.600 tỷ đồng) họ “ném vào” thị trường Việt Nam. Và đây là lúc mà các nghi án trốn thuế bắt đầu được dư luận đặt ra khi báo lỗ đồng nghĩa với việc Coca-Cola không phải nộp 1 đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào cho Việt Nam mặc dù đã hoạt động trong suốt 20 năm qua.
Kỳ lạ hơn, mặc dù lỗ nhưng Coca-Cola vẫn đặt rất nhiều hy vọng vào một thị trường đã mang tới cho họ khoản lỗ gần 4.000 tỷ đồng khi lên kế hoạch rót vào thị trường đó 300 triệu USD cùng tầm nhìn tới năm 2020 là tăng gâp đôi doanh thu? So với Tân Hiệp Phát, biên lợi nhuận gộp của Coca-cola Việt Nam tương đương với mức gần 40%. Tuy nhiên, chi phí bán hàng trên doanh thu của đơn vị này lại cao hơn 10%, trung bình cứ 10 đồng doanh thu thì Coca-cola chi ra 2,3 đồng chi phí bán hàng và chỉ khoảng 6 đồng cho chi phí nguyên liệu.
Với kết quả kinh doanh hiện tại, cần ít nhất 5 năm nữa để Coca-cola Việt Nam có thể xóa hết lỗ lũy kế. Tuy nhiên, con số lỗ này không cản trở quá trình đầu tư thêm vào thị trường Việt Nam. Theo nguồn tin của VnExpress, Coca-cola Việt Nam hiện có vốn điều lệ 12.376 tỷ đồng, tăng gần 4.000 tỷ so với cuối năm 2016.
Nếu xét theo các con số thống kê, Coca-Cola đã “cụt cả vốn”, vậy đâu là động lực để doanh nghiệp này tiếp tục đầu tư ở thị trường Việt Nam? Bởi lẽ thường, không nhà đầu tư nào muốn dốc vốn vào một thị trường mà ở đó, họ liên tục kinh doanh thua lỗ.