Việc cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được mua tối đa từ 3 nguồn sẽ là cơ hội để giảm bớt vị thế độc quyền của doanh nghiệp phân phối.
>>Vướng mắc tín dụng - Hệ lụy nhìn từ dự án xăng dầu
LTS: Được sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương và VCCI đã tổ chức Hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu” để lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long chia sẻ với DĐDN về việc Bộ Công Thương đang nghiêng về đề xuất cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được quyền mua xăng dầu từ nhiều nguồn (tối đa 3 nguồn), thay vì 1 nguồn như quy định hiện hành.
- Bộ Công Thương đang sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95 (ngày 1/11/2021) và Nghị định 83 (ngày 3/9/2014) về kinh doanh xăng dầu. Trong đó, Bộ đang nghiêng về đề xuất cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được quyền mua xăng dầu từ nhiều nguồn. Ông bình luận về vấn đề này như thế nào?
Vấn đề này đã có nhiều ý kiến tranh luận. Trước đây, một đại lý chỉ được mua một nguồn thì đúng theo Luật Thương mại bán hàng đại lý. Theo nguyên tắc, đại lý mua từ nguồn nào thì phải có tên nhãn hiệu hàng hoá đó.
Đối với lĩnh vực xăng dầu, nếu một đại lý mua từ nhiều nhà cung cấp thì sẽ ghi tên của hãng nào? Vì khi đại lý mua hàng từ nhà cung cấp nhưng sản phẩm hàng hoá kém chất lượng thì rất khó truy xuất nguồn gốc, do đây là hàng hoá lỏng.
Do đó, theo Luật Thương mại sẽ không đúng, nhưng nếu mở cho một đại lý được mua tối đa từ 3 nguồn thì cũng là cơ hội để giảm bớt việc tạo vị thế độc quyền cho doanh nghiệp.
Như vậy, theo quan điểm cá nhân tôi thì cũng nên làm theo hướng này. Chỉ có một vấn đề đặt ra là cửa hàng đại lý lấy tên nhãn hiệu sản phẩm nào, nếu để tên độc lập thì đại lý phải tự chịu trách nhiệm khi hàng hoá có chất lượng kém. Vấn đề này do đại lý quyết định.
- Ông đánh giá như thế nào khi Bộ Công Thương cho rằng, khi đại lý bán lẻ xăng dầu được mua từ nhiều nguồn thì cũng không cần thiết phải quy định mức chiết khấu cứng?
Khi đại lý bán lẻ xăng dầu được mua từ nhiều nguồn thì không cần thiết phải quy định mức chiết khấu cứng là đúng. Về dân sự, nhà cung cấp muốn áp dụng quy định cứng, nhưng về phía đại lý yêu cầu trong văn bản pháp lý phải làm rõ quy định cứng là bao nhiêu, vì giá xăng dầu thay đổi biên độ rất cụ thể, cứng không thể là số tuyệt đối, còn tương đối cũng rất khó. Do đây là sự thoả thuận giữa bên cung cấp với đại lý, nếu quy định cứng sẽ trở thành “máy móc”.
>>Doanh nghiệp bán lẻ kiến nghị sớm sửa đổi nghị định xăng dầu
- Như vậy, vấn đề nóng “chiết khấu” đã được giải quyết, thưa ông?
Đây là thỏa thuận dân sự giữa hai bên, tùy theo thị trường biến động. Việc nhà bán buôn ép chiết khấu thấp cho nhà bán lẻ là do chỉ được lấy hàng từ một nguồn. Nếu doanh nghiệp không lấy hàng thì không có hàng, nên đành phải chấp nhận. Điều này cũng cho thấy thị trường đang có yếu tố của độc quyền.
Do đó, trong dự thảo sửa đổi mới Bộ Công Thương đã mở ra cho nhà bán lẻ được lấy hàng từ nhiều nguồn. Đồng thời, nêu vấn đề sẽ sửa đổi công thức tính giá xăng dầu, cập nhật các thông tin, yếu tố cấu thành giá sát hơn, sẽ giúp cho giá bám sát giá thị trường, tạo dư địa để doanh nghiệp tăng chiết khấu cho nhà bán lẻ.
Điều quan trọng hơn, đó là Bộ Tài chính phải tính đúng, tính đủ, tính kịp thời về chi phí các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối. Bởi khi thị trường có biến động về giá, các yếu tố cấu thành trong công thức tính giá chưa được cập nhật đầy đủ sẽ khiến cho thương nhân đầu mối bị thu hẹp biên độ lợi nhuận. Từ đó, các nhà phân phối sẽ “cắt” hoa hồng ở khâu bán lẻ, giảm chiết khấu để bảo toàn vốn.
- Ông có đề xuất, kiến nghị gì về việc đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn?
Quy định đại lý bán lẻ chỉ được nhập xăng dầu từ 1 đầu mối được cho là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu cục bộ xăng dầu, thiếu cạnh tranh trên thị trường xăng dầu thời gian vừa qua. Do đó, việc Bộ Công Thương đồng thuận với đề xuất cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được quyền mua xăng dầu từ nhiều nguồn (tối đa 3 nguồn) là phù hợp, đảm bảo nguyên tắc thị trường cạnh tranh.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh: Nâng cao vị thế đại lý bán lẻ Việc cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được quyền mua xăng dầu từ nhiều nguồn là hợp lý, vì sẽ nâng cao được vị thế của của các đại lý bán lẻ xăng dầu độc lập. Nếu chúng ta muốn quản lý chặt chẽ theo như phương thức hiện nay chỉ cho mua từ một nguồn, điều này có nghĩa bắt buộc họ phải trở thành đại lý của một doanh nghiệp cung cấp xăng dầu. Như vậy, đại lý bán lẻ này sẽ phải phụ thuộc vào hệ thống và trở thành một bộ phận phân phối xăng dầu của một hệ thống phân phối nào đó. Lúc này, những nhà cung cấp sẽ theo phương thức “mua đứt bán đoạn”, đại lý bán lẻ kiểm tra chất lượng xong là bên cung cấp không chịu trách nhiệm. Khi thiếu hàng, nhà phân phối sẽ lo cho các đại lý của mình trước. Như vậy, có thời điểm đại lý bán lẻ sẽ bị thiếu hàng khi xăng dầu khan hiếm, nhưng ngược lại có vài nhà phân phối đến chào mời khi nguồn cung xăng dầu ổn định. Do đó, khi chấp nhận phương án đại lý bán lẻ được nhập hàng từ nhiều nguồn thì cũng phải chấp nhận cả những rủi ro đi kèm. Tóm lại, việc cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được nhập hàng từ nhiều nguồn cũng là cách để các đơn vị kinh doanh xăng dầu độc lập trở nên độc lập hơn, họ được quyền tự quyết, tự cạnh tranh trên thị trường. Nếu kinh doanh tốt thì tồn tại, còn không tốt thì tự giải thể. TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR): Nên mở rộng tự do cạnh tranh Ưu điểm của việc cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được quyền mua xăng dầu từ nhiều nguồn (tối đa 3 nguồn), thay vì 1 nguồn như quy định hiện hành là đa dạng nguồn cung cấp xăng dầu cho đại lý, tăng vị thế cho đại lý trong quá trình đàm phán mua hàng. Song nhược điểm là quy định không phù hợp với Luật Thương mại, khó kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng, giá bán xăng dầu cho người tiêu dùng, khi nguồn cung xăng dầu gặp khó khăn, sẽ không có đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm về nguồn cung cấp xăng dầu cho đại lý. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi thì chúng ta nên và rất nên mở rộng tối đa việc cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được quyền mua xăng dầu từ nhiều nguồn. Bởi đây là cơ sở để tạo ra thị trường cạnh tranh giữa các trung gian với các đầu mối và các nhà bán lẻ xăng dầu, giảm chi phí, giảm sự thiếu minh bạch thông tin giữa các lớp trung gian đến nhà bán lẻ. Việc mở cửa tự do cạnh tranh hơn sẽ đi kèm tự do hợp đồng và tự do giá cả, nên cũng phải rà soát, kiểm soát các điều kiện hợp đồng, có thể do quy định của cơ quan quản lý quy định các nội dung bắt buộc, hoặc hợp đồng mẫu do bên đầu mối, trung gian áp đặt với các nhà bán lẻ vị thế thấp hơn. Khi đã đảm bảo quyền lựa chọn nhà cung cấp (tương đối) tự do và rà soát, kiểm tra các yếu tố thỏa thuận, hợp đồng đảm bảo sự bình đẳng tự do giao kết, rút lui, thì cũng có thể để tự do giá cả từng bước. Và như thế không nhất thiết phải quan ngại cơ cấu giá cả phải có quy dịnh triết khấu cứng hay không, vì yếu tố đó sẽ được thị trường tự do cạnh tranh quyết định Về lâu dài cách xây dựng khung giá xăng dầu cũng vẫn cần linh hoạt hơn, gắn nhiều hơn với sự tự định đoạt của cung-cầu trên thị trường xăng dầu cũng như giá thế giới. |
Có thể bạn quan tâm
17:00, 03/08/2023
00:06, 19/07/2023
21:15, 16/07/2023
22:33, 14/07/2023
05:20, 10/07/2023
18:54, 07/07/2023
12:00, 05/07/2023
03:30, 03/07/2023
10:26, 21/05/2023