“Cởi trói” tự chủ bệnh viện

P.NAM 26/02/2021 16:00

Cơ sở pháp lý thiếu thống nhất, không đồng bộ đã làm cho nhiều bệnh viện công lúng túng trong tự chủ, thậm chí phát sinh các tiêu cực.

Tháng 9 năm 2020, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai đối với Công ty cổ phần công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) và các đơn vị có liên quan.

Cụ thể, trong việc lắp đặt hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh, tờ khai Hải quan ghi nhận sản phẩm được nhập khẩu giá 7,4 tỉ đồng, bao gồm cả thuế VAT. Tuy nhiên, các đơn vị có liên quan đã câu kết với nhau nâng khống giá của hệ thống lên 39 tỉ đồng và được hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý, đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai. Với giá họ khai 39 tỉ đồng, người bệnh phải chi trả chi phí khấu hao máy là 23 triệu đồng/ca, cao hơn thực tế cả chục triệu đồng.

Hiệu ứng trái chiều

Đây là một trong những ví dụ điển hình cho thấy mặt trái của chính sách xã hội hóa y tế đang bị lợi dụng để trục lợi cho một nhóm người.

Bện viện Bạch Mai là một trong những bệnh viện đầu tiên thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn

Bện viện Bạch Mai là một trong những bệnh viện đầu tiên thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn.

Ở chiều ngược lại, Dự án “Khu khám, chữa bệnh theo yêu cầu và kỹ thuật cao” do hợp doanh Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang và Công ty TNHH Thuận Phú triển khai là mô hình “bệnh viên tư trong bệnh viện công” đầu tiên của cả nước được khởi công từ tháng 8/2013, đưa vào vận hành từ 8/2014, khánh thành chính thức tháng 4/2015.

Về hình thức, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Công ty TNHH Thuận Phú ký hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về đầu tư, hướng dẫn về liên doanh, liên kết tại đơn vị sự nghiệp y tế công thông qua các hoạt động dịch vụ y tế, hợp doanh tự trang trải chi phí hoạt động và thu hồi vốn đầu tư. Việc điều hành dự án sẽ do 2 bên thành lập ban điều hành để thực hiện và không hình thành pháp nhân mới để quản lý dự án.

Ban điều hành điều phối công việc dựa trên nguyên tắc bệnh viện đảm trách về hoạt động chuyên môn, còn công ty cung cấp và đảm trách về hoạt động tài chính. Ở góc độ chuyên môn, khu khám, chữa bệnh theo yêu cầu và kỹ thuật cao được xem như một khoa của bệnh viện. Với cơ chế đồng kiểm soát, việc điều hành quản lý dự án phải đảm bảo sự đồng thuận của 2 bên dựa trên nguyên tắc cân bằng lợi ích theo thứ tự ưu tiên: Lợi ích của bệnh nhân; lợi ích của cán bộ, nhân viên y tế; lợi ích của cộng đồng; lợi ích của các bên đầu tư.

Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2020, số tiền bảo hiểm y tế mà Thuận Phú chưa được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán lên tới gần 100 tỷ đồng, do vướng mắc về thủ tục và hành lang pháp lý không rõ ràng. Điều này gây khó khăn rất lớn cho chủ đầu tư.

Chỉ hai ví dụ trên đã cho thấy rất nhiều bất cập đã và đang phát sinh trong quá trình thực thiện cơ chế tự vốn được coi là chìa khoá “cởi trói” cho các đơn vị y tế công lập, thoát khỏi cảnh trông chờ, ỷ lại vào ngân sách Nhà nước với mục tiêu tối thượng đó là từng bước chủ động nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Chính sách xã hội hóa y tế bao gồm 2 biện pháp chính, nhằm tăng cường vai trò của khu vực tư nhân trong cung ứng dịch vụ y tế. Thứ nhất là, phát triển các nhà cung ứng dịch vụ y tế tư nhân. Thứ hai là, nâng cao mức độ tự chủ về tài chính của các tổ chức sự nghiệp y tế, công lập.

Nhưng, thực tế cho thấy các hoạt động xã hội hóa thường tập trung vào các lĩnh vực có khả năng mang lại nhiều doanh thu, dẫn đến tăng chi trả tiền của người bệnh. Thậm chí, biến các bệnh viện công thành các cơ sở kinh doanh dịch vụ y tế, mập mờ công tư, sử dụng nguồn lực công cho lợi ích của một nhóm người. 

Xã hội hoá cũng tạo ra sự bất bình đẳng bởi trong khi đó các bệnh viện tuyến cơ sở như tuyến huyện khó làm xã hội hoá vì không hấp dẫn, thì tuyến trung ương lại luôn có ưu thế vượt trội.

Để thu hút người bệnh, các bệnh viện cần thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, trang thiết bị và chất lượng phục vụ. Ảnh: HẢI ANH

Để thu hút người bệnh, các bệnh viện cần thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, trang thiết bị và chất lượng phục vụ. Ảnh: HẢI ANH.

Minh bạch để giám sát

Hiện nay, 100% bệnh viện công thực hiện cơ chế tự chủ ở các mức khác nhau, trong đó 0,4% bệnh viện tự chủ tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, 27% bệnh viện tự chủ chi thường xuyên, 68% đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên và chỉ còn 4,6% bệnh viện thuộc nhóm Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Đặc biệt, năm 2019, Chính phủ thực hiện tự chủ thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện đối với các bệnh viện: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K. Nhiều bệnh viện đã chuyển từ tư duy “phục vụ” sang “cung ứng dịch vụ”.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu bước đầu, tuy nhiên các văn bản hướng dẫn thực hiện tự chủ thiếu thống nhất, không đồng bộ đã làm cho nhiều bệnh viện công đang lúng túng trong cách hiểu, cách vận dụng tự chủ bệnh viện, dẫn đến các cơ sở khám chữa bệnh lúng túng và gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy ở góc độ quản lý nhà nước cần xây dựng các quy định và hướng dẫn liên quan đến các hình thức hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế. Xây dựng các danh mục, các lĩnh vực được phép hợp tác công tư. Tăng cường kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả các dự án hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế.

Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về các dự án hợp tác công tư nhằm công khai, minh bạch các dự án xã hội hóa để các cơ quan chức năng và người dân tiện theo dõi, giám sát. Qua đó, phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của bệnh viên, nâng cao năng lực, chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Bên cạnh đó, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, đối tượng chính sách, nhất là bệnh nhân nghèo, bệnh nhân thuộc diện khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng với chi phí hợp lý.

Có thể bạn quan tâm

  • Tự chủ bệnh viện và lỗ hổng xã hội hóa dịch vụ công: Quản giá là tiên quyết

    Tự chủ bệnh viện và lỗ hổng xã hội hóa dịch vụ công: Quản giá là tiên quyết

    15:15, 02/10/2020

  • Tự chủ bệnh viện và lỗ hổng xã hội hóa dịch vụ công: Khoảng trống pháp lý

    Tự chủ bệnh viện và lỗ hổng xã hội hóa dịch vụ công: Khoảng trống pháp lý

    21:00, 01/10/2020

  • Tự chủ bệnh viện tác động ra sao tới người bệnh?

    Tự chủ bệnh viện tác động ra sao tới người bệnh?

    01:23, 01/09/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Cởi trói” tự chủ bệnh viện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO