Còn nhiều trở ngại trong hợp tác đào tạo nhân lực giữa doanh nghiệp và nhà trường

Cẩm Anh 16/10/2019 15:25

Theo khảo sát, vẫn còn khoảng 46,2% doanh nghiệp không có chương trình hợp tác với nhà trường và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam hiện nay.

Các chuyên gia thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam VBS 2019

Các chuyên gia thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam VBS 2019

Vẫn còn rào cản

Theo các chuyên gia tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh VBS 2019, mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục đào tạo và doanh nghiệp vẫn chủ yếu chỉ dừng lại ở việc đưa sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp.

Phần lớn các doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng kết hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với chuyên môn và yêu cầu của từng lĩnh vực, đặc biệt là trong kỷ nguyên số.

Có thể bạn quan tâm

  • Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Việt Nam là đối tác kinh doanh tin cậy của thế giới

    Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Việt Nam là đối tác kinh doanh tin cậy của thế giới

    14:49, 16/10/2019

  • "Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tập trung nâng cao đổi mới và hấp thụ công nghệ"

    10:59, 16/10/2019

  • VBS 2019: Cơ hội kinh doanh từ nền kinh tế số

    VBS 2019: Cơ hội kinh doanh từ nền kinh tế số

    05:00, 16/10/2019

  • [VBS 2019] Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy trong kỷ nguyên số

    [VBS 2019] Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy trong kỷ nguyên số

    05:00, 16/10/2019

Theo ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May Hồ Gươm 10, chủ yếu các doanh nghiệp vẫn tự mở các lớp đào tạo nhân lực sau khi tuyển dụng để phù hợp với yêu cầu riêng của từng doanh nghiệp. 

"Tuy nhiên, bên cạnh nguyên nhân về tiêu chuẩn doanh nghiệp đặt ra rất khắt khe, một phần cũng do tiêu chuẩn giáo viên được Nhà nước quy định như phải có các loại văn bằng, chứng chỉ theo quy định… Đây là khó khăn cho doanh nghiệp khi muốn tham gia trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực cho mình", ông Trịnh cho biết. 

Mặt khác, PGS.TS Vũ Văn San, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn Thông đánh giá, trên thực tế, các trung tâm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam còn không ít chương trình đào tạo đang lạc hậu so với sự phát triển của doanh nghiệp.

"Thậm chí, việc quản lý mở Ngành đào tạo ở Việt Nam hiện nay còn cứng nhắc, các danh mục mã ngành cố định chậm cập nhật; các quy định cứng về giảng viên đúng ngành/chuyên ngành... phần nào làm chậm viện kịp thời mở các ngành nghề mới, làm các doanh nghiệp tham gia vào việc giảng dạy còn hạn chế", ông San nhận định.

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, việc xuất hiện nhiều ngành nghề mới mang tính hội tụ và lai ghép như IoT, công nghệ đa phương tiện; Truyền thông đa phương tiện; Thương mại Điện tử, Công nghệ Tài chính... và yêu cầu người lao động cần nhiều kỹ năng mới để thích nghi.

Do vậy, việc doanh nghiệp kết hợp cùng cơ sở đào tạo nghề nghiệp đào tạo kỹ năng và tạo công ăn việc làm cho người lao động là yếu tố rất quan trọng để tăng năng suất lao động cũng như đảm bảo doanh nghiệp có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu robot, máy tính và con người cùng làm việc với nhau.

Toàn cảnh Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam VBS 2019

Toàn cảnh Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam VBS 2019

Động lực phát triển nhanh thị trường lao động trình độ cao

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội Lê Văn Thanh, để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ và Bộ Lao động Thương binh & Xã hội đã tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo động lực phát triển nhanh thị trường lao động trình độ cao. 

Đặc biệt, để thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, trọng tâm chính trong được đặt ra cho giáo dục nghề nghiệp sẽ tập trung trong việc đẩy mạnh đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, khuyến khích liên doanh liên kết và đầu tư nước ngoài vào giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp.

Nhận định về vấn đề này, PGS.TS Vũ Văn San cũng cho rằng, Nhà nước có thể xem xét có các cơ chế khuyến khích, ưu đãi một cách cụ thể đối với doanh nghiệp khi tham gia vào hoạt động hợp tác với trường Đại học cũng như tham gia vào hoạt động khởi nghiệp cho sinh viên.

Doanh nghiệp và nhà trường có thể thiết lập bộ phận chuyên trách để kết nối, doanh nghiệp phản biện, góp phần xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo cho trường đại học hướng theo nhu cầu sử dụng nhân lực từ phía doanh nghiệp; nhà trường tiếp thu ý kiến hoàn, hoàn thiện chương trình và khuyến nghị lại với doanh nghiệp các vấn đề chuyên môn trong đào tạo.

Để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, tranh thủ những cơ hội và thành tựu của cuộc CMCN 4.0, Việt Nam cần phải có một chiến lược tổng thể và lâu dài, với hệ thống các giải pháp mang tính đồng bộ, thiết thực, khả thi.

Chỉ có như vậy, bản thân các trường và doanh nghiệp mới biết mình cần làm gì và sẽ được gì từ sự hợp tác này, từ đó chủ động đưa ra các hướng giải quyết tích cực nhất trong việc nâng cao chất lượng đào tạo sát với nhu cầu thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Còn nhiều trở ngại trong hợp tác đào tạo nhân lực giữa doanh nghiệp và nhà trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO