Đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo, DN Thủ đô phát huy thành tựu đã đạt được, tiếp tục nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, phát triển bền vững, xứng đáng là “động lực phát triển của Thủ đô".
>>Hà Nội thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ
Đó là chia sẻ của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại Lễ tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp Thăng Long 2022 được tổ chức vào tối 10/11.
Theo ông Trần Sỹ Thanh, năm 2022 có thể nói là năm hết sức khó khăn, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, chưa có tiền lệ và khó đoán định, đã ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng. Tuy nhiên, với quyết tâm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị Thành phố, sự chia sẻ, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân Thủ đô, thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, kinh tế Thủ đô phục hồi mạnh mẽ; tăng trưởng quý 3 tăng 15,71%, lũy kế 9 tháng tăng 9,69%, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp của Thành phố tăng 8,6%; khu vực dịch vụ phục hồi tích cực, cung ứng hàng hóa ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 21,3%. Tổng thu NSNN trên địa bàn đến hết tháng 10/2022 là 295.000 tỷ đồng, đạt 94,6% dự toán, bằng 111,9% so với cùng kỳ.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt gần 305.000 tỷ đồng, tăng 22,1%; Công tác quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực; hạ tầng đô thị được duy trì tốt; văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, giáo dục đào tạo đạt kết quả tích cực; an sinh xã hội được đảm bảo; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được triển khai hiệu quả.
Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, hướng đến việc giảm thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp như: duy trì 100% hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng; hải quan điện tử đạt 100%; khai thuế qua mạng đạt 98,4%; nộp thuế điện tử đạt 99,6%.
Chỉ số năng lực cạnh tranh của Thành phố năm 2021 tiếp tục thuộc nhóm 10 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước… Theo đánh giá về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, một số thủ tục hành chính đã đạt mức trung bình của các nước OECD. Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu trở thành Trung tâm chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của cả nước.
>>Hà Nội tiếp tục hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp
"Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội luôn quan tâm hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp; kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp; Đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và nền hành chính công hiện đại với phương châm: “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, “coi sự thành công của các nhà đầu tư, của các doanh nghiệp chính là sự thành công của Chính quyền Thành phố”, ông Trần Sỹ Thanh cho biết.
Tính từ đầu năm đến ngày 06/11/2022, thành phố Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 25.571 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 293.853 tỷ đồng (tăng 27% về số lượng doanh nghiệp và tăng 8% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước). Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 8.874 doanh nghiệp. Nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập trên địa bàn thành phố Hà Nội lên 347.166 doanh nghiệp.
Cũng theo ông Trần Sỹ Thanh, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố có những bước phát triển mạnh mẽ; nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã tạo đột phá trong quản trị doanh nghiệp, sản xuất, kinh doanh để vươn lên thành những tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh với những dự án mang tầm vóc quốc tế, tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như sản xuất ô-tô, hàng không, công nghệ thông tin,… đóng góp hơn 40% ngân sách nhà nước cho Thành phố, tạo công ăn việc làm cho hơn 50% lao động; tạo thêm việc làm mới cho hơn 200.000 người/mỗi năm, … đồng thời tích cực tham gia các chương trình an sinh xã hội của Thành phố; Qua đó ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt, tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.
Ông Thanh cũng mong muốn và kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô tập trung thực hiện một số nội dung sau:
Một là, Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; Chủ động bắt nhịp các chuẩn mực của khu vực và quốc tế; nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của khu vực và các nước tiên tiến, đưa các sản phẩm tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hai là, Thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hoá; Ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới trong cách mạng công nghiệp 4.0 vào quản trị doanh nghiệp, vào hoạt động sản xuất kinh doanh để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp;
Ba là, Hưởng ứng tích cực cuộc vận động xây dựng văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh bài bản, đúng pháp luật, tiếp tục tham gia đồng hành cùng Thành phố trong các chương trình an sinh xã hội.
"Với truyền thống đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo, cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô sẽ phát huy thành tựu đã đạt được, tiếp tục nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, phát triển bền vững, xứng đáng là “động lực phát triển của Thủ đô”. Thành phố đặt niềm tin, kỳ vọng vào quyết tâm, sự bứt phá vươn lên của các doanh nghiệp Thủ đô trong năm 2023 và những năm tiếp theo", ông Trần Sỹ Thanh khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Hà Nội thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ
11:55, 01/11/2022
Hà Nội tiếp tục hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp
18:28, 31/10/2022
Sẽ có những cuộc đại dịch chuyển sang phía Đông Hà Nội
02:36, 30/10/2022
Miền đất hứa phía đông Hà Nội
05:00, 29/10/2022
Trăn trở cùng Hà Nội!
05:00, 23/10/2022
Thị trường bán lẻ Hà Nội đón nguồn cung mới
00:30, 18/10/2022