Áp lực của cách mạng công nghiệp lần thứ tư buộc truyền thông phải thay đổi.
Các chuyên gia khẳng định, với sự phát triển như vũ bão của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ thông tin là cầu nối và ảnh hưởng trực tiếp, quyết định để thực hiện thành công các hoạt động báo chí – truyền thông hiện đại như mô hình hội tụ nội dung, hội tụ công nghệ, phát triển và nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông.
“Nhà báo công dân”
Trao đổi với DĐDN, PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định, sự phát triển của công nghệ khiến các sản phẩm báo chí – truyền thông đang dần hình thành như là một loại hàng hóa, dịch vụ tuân theo sự thay đổi và vận động tất yếu của nền kinh tế.
Cùng với đó, cách mạng công nghiệp 4.0 với đặc trưng là sự tích hợp của công nghệ thông minh, trí thông minh nhân tạo và kết nối của các thiết bị thông qua môi trường số và môi trường Internet đã làm thay đổi tổ chức sản xuất, quản lý, phát hành báo chí – truyền thông theo hướng hiện đại hơn, thông minh hơn.
“Với sự thay đổi đó, các khái niệm về báo chí – truyền thông cần thay đổi theo hướng phục vụ công chúng và tiếp cận công chúng theo hướng mở. Công chúng đồng thời là các “nhà báo công dân” có vai trò giám sát và phản biện các sự kiện vấn đề diễn ra trong xã hội”, bà Hằng nhấn mạnh.
Đặc biệt, sự ra đời của các phương tiện truyền thông mới làm cho các sản phẩm báo chí truyền thống đối mặt với sự cạnh tranh mang tính sống còn. Với đặc thù nhanh - cập nhật - đa dạng - phong phú, các phương tiện truyền thông mới đặc biệt là mạng xã hội và truyền thông xã hội đã làm cán cân của các phương tiện truyền thông thay đổi nhanh chóng.
Thách thức mới
Thực tế, ở Việt Nam hiện nay, mạng xã hội và truyền thông xã hội đang dần lấn lướt các hoạt động báo chí – truyền thông truyền thống. Thông tin cá nhân, thông tin kinh doanh, thông tin nhạy cảm cũng lan truyền một cách nhanh chóng, đơn giản và khó kiểm soát hơn như các thông tin về chính sách nội bộ, dự án có tính bảo mật, thông tin mật, chiến lược, …
Thậm chí, các nhà cung cấp dịch vụ nền tảng truyền thông xã hội đang dần dần nắm quyền kiểm soát và điều khiển người dùng theo xu hướng do chính các đơn vị tạo ra. Đơn cử, với hơn 2 tỷ tài khoản sử dụng, facebook đã và đang trở thành một đế chế toàn cầu về thông tin và dữ liệu.
Nói như TS. Trần Quang Diệu Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: “Ở kỷ nguyên số, ai nắm được thông tin và dữ liệu thì người đó có quyền điều khiển và định hướng công chúng. Cùng với đó, thách thức về cơ sở hạ tầng – kỹ thuật công nghệ và nguồn lực truyền thông cũng được đặt ra trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.
Kỳ III: Đào tạo và không ngừng đào tạo