Công nghiệp ô tô - Bài 6: Câu chuyện Vinamotor

TRẦN THỦY 16/08/2023 04:50

Được định hướng trở thành doanh nghiệp nòng cốt, nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, nhưng Vinamotor đã cho thấy một kết cục không như mong đợi.

Công nghiệp ô tô đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam từ đầu thế kỷ 21 đã xây dựng chiến lược với khát vọng có ngành công nghiệp ô tô phát triển, nhưng mục tiêu đó đến nay không thành công. Tuy nhiên, cơ hội “trăm năm có một” lại đang đến, khi thế giới chuyển đổi từ ô tô động cơ đốt trong sang ô tô điện. Đây là cơ hội để Việt Nam viết lại kịch bản cho ngành công nghiệp ô tô và hướng tới quốc gia thịnh vượng vào năm 2045. Dù vậy hình như Việt Nam lại đang chậm chân trong việc đón bắt cơ hội lớn này và câu hỏi “trong quá trình phát triển đất nước, chúng ta có cần ngành công nghiệp ô tô hay không”? vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.

>>Công nghiệp ô tô - Bài 1: Chìa khóa của sự thịnh vượng

>>Công nghiệp ô tô - Bài 2: Khát vọng không thành

>>Công nghiệp ô tô - Bài 3: Mắc sai lầm liên tục, mất cơ hội phát triển

>>Công nghiệp ô tô - Bài 4: Nỗi thất vọng công nghiệp hỗ trợ

>>Công nghiệp ô tô - Bài 5: Lý do giúp ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản "nhảy vọt"

Không như mong đợi

Tổng công ty Công nghiệp ô tô (Vinamotor), ra đời từ năm 1964, ban đầu được thành lập với vai trò chủ yếu là doanh nghiệp cơ khí của Bộ Giao thông Vận tải. Từ năm 2003, khi chuyển thành Tổng công ty Công nghiệp ô tô thì được định hướng thành doanh nghiệp nòng cốt nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, với số vốn Nhà nước đầu tư 500 tỷ đồng.

Là “ông lớn” của khối ô tô quốc doanh, là doanh nghiệp nòng cốt nhằm phát triển lĩnh vực công nghiệp ô tô tại Việt Nam. Song hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinamotor chưa bao giờ được đánh giá cao.

Công ty Ô tô Hòa Bình, doanh nghiệp thành viên thuộc Vinamotor, hợp tác với đối tác Philippines lắp ráp và phân phối một số dòng xe Mazda, Kia, BMW, ban đầu bán tốt và chiếm thị phần đáng kể trên thị trường. Tuy nhiên, sau đó cứ giảm sút dần và tới năm 2009 phải chuyển sang lắp ráp mẫu xe Chery của Trung Quốc nhưng cuối cùng đã thất bại. Mảng sản xuất kinh doanh ô tô du lịch của Vinamotor dù ra đời rất sớm và ban đầu có những thành công nhất định, nhưng chỉ tồn tại trong thời gian không lâu, sau đó đã dừng lại.

ccc

Nhận thấy việc sản xuất các dòng xe du lịch ngày càng đuối và không có nhiều cơ hội nên Vinamotor đã lựa chọn phân khúc sản xuất, lắp ráp, kinh doanh dòng xe khách, xe buýt cỡ lớn (trên 29 chỗ ngồi), xe tải trên 10 tấn, kinh doanh thêm cả vận tải, thương mại.

Tuy nhiên, ngay cả với dòng xe thuộc phân khúc được lựa chọn, Vinamotor cũng chưa bao giờ làm nên sự nghiệp. Vinamotor được đánh giá là không mạnh về sản xuất, lắp ráp ô tô. Trong thời gian 10 năm, từ 2003-2013, kết quả kinh doanh của Vinamotor luôn luôn là “bức tranh màu xám”, hầu hết các doanh nghiệp thành viên có lợi nhuận thấp, hoặc thua lỗ. Không xây dựng được chuỗi cung ứng, thiếu công nghệ và không phát triển được đa dạng sản phẩm. Do vậy, Vinamotor đã không thể trở thành doanh nghiệp chủ lực, cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam như mong đợi.

Nhận thấy không có gì bảo đảm rằng Vinamotor sẽ biến “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam” thành hiện thực. Đầu năm 2014 Nhà nước đã quyết định thoái vốn khỏi doanh nghiệp này. Ban đầu là thoái 51% nhưng không thành và đến năm 2015 thì quyết định “bán đứt” toàn bộ Vinamotor.

Thất bại điển hình

Thất bại của Vinamotor được chỉ ra có nhiều nguyên nhân. Với nội tại Vinamotor đó là sự yếu kém về quản trị. Bộ máy nhân lực cồng kềnh, thiếu sự năng động, sáng tạo, thiếu tầm nhìn dài hạn…

Về khách quan, là do thị trường ô tô Việt Nam quá nhỏ bé, lại có nhiều nhà đầu tư tên tuổi nước ngoài đổ vào, khiến doanh nghiệp trong nước gặp bất lợi. Khi các tên tuổi ô tô lớn trên thế giới như: Toyota, Honda, Mitsubishi, Isuzu, Suzuki, Ford… đầu tư vào Việt Nam, có lợi thế về thương hiệu, công nghệ, chuỗi cung ứng và tài chính mạnh… đã khiến cho doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh nổi.

Một doanh nghiệp được coi là nòng cốt để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mà chỉ có số vốn 500 tỷ đồng là quá nhỏ, so với các dự án lên tới hàng trăm triệu USD của nhà đầu tư nước ngoài. Không những thế, công nghệ không có, chuỗi cung ứng cũng không có, thương hiệu lại yếu thì chẳng có cơ hội nào để cạnh tranh với những “ông lớn” thế giới.

ccc

Ngành công nghiệp ô tô muốn phát triển rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước với vai trò “bà đỡ”, nhưng các doanh nghiệp ô tô trong nước hầu như không nhận được hỗ trợ gì. Vay vốn không được ưu đãi về lãi suất, không được trợ giúp khi mua bán,  chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực... Chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô thì chỉ khuyến khích lắp ráp, có lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài với thương hiệu mạnh chiếm lĩnh thị trường mà không cần tăng nội địa hóa. Cùng với đó là cơ chế hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước vốn nặng nề, nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp, trói buộc mà thiếu đi sự linh hoạt, sáng tạo.

Có thể nói, thất bại của Vinamotor là sự thất bại điển hình của tham vọng lấy doanh nghiệp nhà nước làm vai trò trụ cột, để phát triển một ngành công nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Khởi động Dự án hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp ô tô

    Khởi động Dự án hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp ô tô

    13:40, 19/07/2023

  • Tạo sức mạnh nội sinh cho ngành công nghiệp ô tô 

    Tạo sức mạnh nội sinh cho ngành công nghiệp ô tô 

    05:00, 09/08/2021

  • Đề xuất giải pháp giải quyết 2 điểm nghẽn của ngành công nghiệp ô tô

    Đề xuất giải pháp giải quyết 2 điểm nghẽn của ngành công nghiệp ô tô

    04:00, 01/07/2021

  • Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương): Vẫn cần phát triển ngành công nghiệp ô tô

    Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương): Vẫn cần phát triển ngành công nghiệp ô tô

    08:28, 16/09/2020

  • Tìm trọng tâm phát triển ngành công nghiệp ô tô

    Tìm trọng tâm phát triển ngành công nghiệp ô tô

    11:00, 16/09/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Công nghiệp ô tô - Bài 6: Câu chuyện Vinamotor
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO