Nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn chặn công ty "ma", ngoài nỗ lực của cơ quan thuế, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị trong công tác hậu kiểm…
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, những năm gần đây, Luật Doanh nghiệp thông thoáng đã mang lại làn gió mới, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào nền kinh tế, một vấn đề đáng lo ngại đã nảy sinh là sự gia tăng của các doanh nghiệp “ma” đã làm méo mó môi trường đầu tư kinh doanh, gây bất ổn cho xã hội.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ tính 5 tháng năm 2024, cả nước có 64,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký hơn 601,2 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% về số doanh nghiệp, tăng 5,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023. Còn kết quả khảo sát doanh nghiệp do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố vào tháng 5/2024 cũng cho thấy, các doanh nghiệp đều đánh giá thủ tục gia nhập thị trường thuận lợi hơn, với nhiều chuyển biến tích cực trong giải quyết thủ tục hành chính trong đăng ký doanh nghiệp.
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, việc đơn giản thủ tục hành chính không có nghĩa là tạo "lỗ hổng" cho các hành vi vi phạm pháp luật. Với hồ sơ thành lập doanh nghiệp quá đơn giản, một cá nhân có thể thành lập rất nhiều công ty, trong đó có không ít công ty "ma".
Thời gian qua, vấn nạn doanh nghiệp "ma" hoành hành vì mục đích xấu để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan thuế đã áp dụng nhiều biện pháp bịt lỗ hổng lập doanh nghiệp "ma" để mua bán hóa đơn như mời chủ doanh nghiệp lên để nhận diện, đối chiếu căn cước công dân. Có trường hợp, cơ quan thuế còn kiểm tra trụ sở làm việc theo đăng ký kinh doanh trước khi cấp phép sử dụng hóa đơn điện tử.
Do đó, một số chuyên gia cho rằng, việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là cần thiết nhưng cần phải bịt "lỗ hổng" trong khâu phê duyệt hồ sơ thành lập doanh nghiệp; cần có quy định rõ hơn về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, phải chứng minh rõ địa chỉ kinh doanh, thông tin của chủ sở hữu doanh nghiệp; cần có quy định rõ hơn về số lượng doanh nghiệp mà mỗi cá nhân có thể làm đại diện pháp luật. Ngành thuế sẽ kiến nghị Nhà nước sửa đổi quy định pháp luật trước khi mở công ty, đăng ký sử dụng hóa đơn…, chủ doanh nghiệp phải có xác thực thông tin cá nhân từ Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an; tránh trường hợp cá nhân sử dụng căn cước công dân người khác thành lập doanh nghiệp để gian lận về thuế, hóa đơn.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật Emme Law cho rằng, để ngăn chặn hiệu quả doanh nghiệp "ma", ngoài nỗ lực của cơ quan thuế, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị có trách nhiệm của cơ quan khác như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Quản lý thị trường, Công an, chính quyền địa phương… trong công tác hậu kiểm sau cấp phép doanh nghiệp có tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hay không?
Luật sư Tạ Anh Tuấn cũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp với nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp; đồng thời, bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp…
“Các quy định mới hướng tới việc tạo điều kiện, thủ tục phù hợp nhu cầu thực tế doanh nghiệp cũng như bối cảnh kinh doanh liên tục có nhiều biến động, có sự liên thông đăng ký doanh nghiệp giữa các cơ quan liên quan, nhất là giữa cơ quan thuế và cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh nhằm tăng cường quản lý, bịt "lỗ hổng" thành lập doanh nghiệp "ma" để thực hiện các hành vi trốn thuế, rửa tiền, buôn lậu…”, Luật sư Tạ Anh Tuấn chia sẻ.
Trước đó, trong phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi) diễn ra ngày 25/6 vừa qua, một số đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về công chứng điều lệ doanh nghiệp, thỏa thuận góp vốn trong việc thành lập doanh nghiệp vào dự án Luật Công chứng (sửa đổi), theo nhận định của các đại biểu, những quy định này sẽ tránh được tình trạng thành lập hàng loạt công ty “ma” để làm ăn phi pháp.
Điển hình như đại biểu Lã Thanh Tân (TP Hải Phòng) cho rằng, hiện nay, các giao dịch thỏa thuận dân sự để hình thành nên doanh nghiệp hay việc mua bán, sáp nhập chưa có quy định phải công chứng. Thực tiễn cho thấy, thời gian qua nhiều trường hợp thành lập, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã diễn ra.
"Vụ án Vạn Thịnh Phát với hàng loạt hành vi làm giả hồ sơ doanh nghiệp, lập hồ sơ vay vốn khống, thuê người đứng tên cổ phần là một trong những điển hình về tình trạng giả mạo chữ ký trong điều lệ doanh nghiệp, biên bản họp Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên và các văn bản nội bộ doanh nghiệp đã và đang diễn ra, dẫn đến nhiều vụ án liên quan và để lại hậu quả rất lớn trong thời gian qua", ông Lã Thanh Tân nói.
Do đó, đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng, cần có cơ chế bảo đảm về tính xác thực và hợp pháp của hồ sơ thành lập doanh nghiệp. Việc quy định bắt buộc công chứng đối với hồ sơ thành lập doanh nghiệp và các văn bản nội bộ doanh nghiệp sẽ khắc phục được tình trạng giả chữ ký trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp, hạn chế tình trạng thành lập công ty “ma” và tình trạng lạm quyền của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Cơ chế này cũng kiểm soát được việc khai vốn điều lệ, ngăn chặn được hợp thức hóa hành vi rửa tiền, mua bán hóa đơn thông qua thành lập doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi của bên thứ ba khi giao dịch với doanh nghiệp, tránh tình trạng người đại diện theo pháp luật lạm quyền dẫn đến các giao dịch vô hiệu cũng như việc lập khống các chứng nhận cổ phần, chứng nhận góp vốn để chuyển nhượng trái pháp luật.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga (Trà Vinh) cũng cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung thêm một điều quy định về công chứng điều lệ doanh nghiệp, thỏa thuận góp vốn trong việc thành lập doanh nghiệp.
"Việc chứng nhận điều lệ doanh nghiệp và các văn bản thỏa thuận của các cổ đông, thành viên góp vốn, thành viên hợp danh rất quan trọng, nhằm tránh tình trạng giả mạo chữ ký trong các hồ sơ, tài liệu khi thành lập doanh nghiệp hoặc khi quyết định các vấn đề quan trọng khác của doanh nghiệp", bà Huỳnh Thị Hằng Nga nói.
Theo bà Nga, quy định này sẽ giúp hạn chế khai khống vốn điều lệ, hợp thức hóa các hành vi rửa tiền, mua bán hóa đơn thông qua việc thành lập khống doanh nghiệp và việc lạm quyền của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
“Quy định này nếu được bổ sung cũng giúp tránh được tình trạng thành lập hàng loạt các công ty “ma” làm ăn phi pháp”, bà Nga nhấn mạnh.