Việc thành phố Hải Phòng nói không với nhà máy giấy Trung Quốc là động thái tích cực, nhưng để tránh cho Việt Nam trở thành "bãi rác công nghệ" cần nhiều thêm những cái "lắc đầu"
Trong khi nỗi lo rác thải từ Mỹ tràn vào Việt Nam vì Trung Quốc “cấm cửa” thì một loại rác thải rất mĩ miều dưới trạng thái “chuyển giao công nghệ” vẫn âm thầm tìm cách chui vào dưới vỏ bọc những dự án tỷ đô.
Từ nhà máy xi măng lò đứng đến nhiệt điện than và ngay lúc này là nhà máy giấy. Trung Quốc có ý định đầu tư một dự án trị giá 800 triệu USD sản xuất giấy ở Hải Phòng.
4.604m2 “mất nước”... là những gì xảy ra tại Bình Sơn, Quảng Ngãi sau khi dự án nhà máy bột giấy được tiến hành.
Bởi theo giấy phép đầu tư, dự án sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến;... Nhưng 3 năm sau đó, dự án chưa triển khai dự án do nguồn vốn quá lớn nếu nhập thiết bị mới 100%... Và thật kỳ lạ, dự án được “điều chỉnh giấy phép”. Sau đó, hàng loạt thiết bị cũ nát nghiễm nhiên vào Việt Nam!
Lee & Man là cái tên đình đám đến từ một nơi dùng tiếng Hán đang làm mưa làm gió ở Hậu Giang, gây ô nhiễm ngay từ khi chưa vận hành.
Có thể bạn quan tâm
|
Cái tên Cửu Long, đơn vị muốn đầu tư nhà máy giấy ở Hải Phòng là tập đoàn sản xuất giấy từ rác thải lớn thứ hai thế giới. Vì sao họ muốn làm giấy tại Việt Nam? Khó tim câu trả lời một cách chính thống.
Nhưng rất ít dự án của Trung Quốc tại Việt Nam không để lại điều tiếng, với giấy sản xuất từ phế phẩm đã bị chặn lại khi nước này không muốn trở thành bãi rác của thế giới.
Tập đoàn Cửu Long đang chạy trốn khỏi nơi sẽ khan hiếm rác nhập khẩu trong tương lai gần, cố nhiên chúng ta không thể cấm họ nhập khẩu “nguyên liệu” khi đã đặt bút ký phê duyệt dự án.
Đình Vũ là cảng nước sâu thuộc loại lớn nhất Miền Bắc, xem ra rất thuận lợi để tàu lớn cập cảng mang theo vô số thứ không chắc cơ quan quản lý có thể kiểm soát hết!
Rất may, Thành ủy Hải Phòng đã từ chối dự án nhà máy giấy của tập đoàn Cửu Long.
Trung Quốc đang gấp rút xử lý hệ quả của mấy chục năm đóng vai trò “công xưởng thế giới”; hai thứ cần giải quyết trước mắt là môi trường và tống khứ công nghệ lạc hậu. Thật trùng khớp, dự án FDI luôn hấp dẫn với các nước đang phát triển. Nước ta dùng từ “trải thảm đỏ”.
Việt Nam có trở thành “công xưởng thế giới” mới hay không phải thỏa mãn các điều kiện: dân số trẻ, chi phí nhân công rẻ, chính sách tốt, cơ sở hạ tầng đầy đủ, kỹ thuật công nghệ không quá nghèo nàn, lao động có trình độ tối thiểu, kinh tế tăng trưởng khá và thị trường tiêu thụ nội địa mạnh.
Mỗi một Samsung và Formosa không thể biến nước ta thành “công xưởng thế giới” lại càng không khi mà công nghệ hết “đát” bị tuồn vào. Nguy cơ trở thành bãi rác của thế giới không còn quá xa xôi.
Theo đánh giá, sản xuất giấy đem lại nguy cơ ô nhiễm đứng đầu bảng, Hậu Giang, Quảng Nam đã nếm mùi, Hải Phòng “tuýt còi” thật đáng hoan nghênh và nhân rộng.
Trong khi nhiều nhà máy giấy nước ngoài làm mưa làm gió thì ngành giấy Việt Nam dường như trầm lắng, những cái tên như Bãi Bằng, Tân Mai không còn phổ biến như cách đây một thập kỷ.
Không dừng lại ở môi trường mà còn là vấn đề tạo không gian phát triển cho thương hiệu Việt.