Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam không nên cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc để trở thành "công xưởng thế giới", mà cần tập trung vào một số lĩnh vực mới có khả năng dẫn dắt xu thế.
>>“Công xưởng thế giới” Trung Quốc và tham chiếu cho Việt Nam (Bài 1)
Huaqianbei là tên một khu chợ điện tử ở Thâm Quyến - Trung Quốc, ở đây có hàng tỉ thiết bị được bày bán theo kg như tai nghe, cục sạc điện thoại, màn hình, main, thân vỏ,… Bạn chỉ cần đi vài mét để có thể lượm lặt đủ lắp ráp thành cái điện thoại Iphone bóng bẩy.
Hình ảnh đặc sắc này cho thấy sức sản xuất khủng khiếp tại Trung Quốc - không nơi nào có được. Và đó là kết quả của chính sách “hút đầu tư, học hỏi công nghệ”, xây dựng hệ thống công nghiệp phụ trợ đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe nhất.
Về tài nguyên kinh tế, Việt Nam có tất cả những gì mà Trung Quốc sở hữu, nhưng khác về quy mô. Chúng ta đang tiến dần tới chặng cuối của nền kinh tế gia công - xuất khẩu, do các nguồn lực đặc trưng như lao động, tài nguyên ngày càng cạn kiệt, bối cảnh quốc tế đã thay đổi.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng Việt Nam không thể và không nên trở thành “công xưởng thế giới kiểu Trung Quốc” - tức là sản xuất bất kể thứ gì mà thị trường yêu cầu. Thực tế này xuất phát từ lý do chủ quan lẫn khách quan.
Tài nguyên thiên nhiên của nước ta đang vào giai đoạn khó khai thác, do cạn kiệt và hệ lụy môi trường không thể giải quyết. Ví dụ, nguồn than đá, dầu mỏ, sắt, thiếc, đồng,…không còn dồi dào như trước.
Lịch sử cho thấy, nước Anh tuy diện tích khiêm tốn nhưng đã tận dụng tối đa trữ lượng than đá khổng lồ để phát động cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, vươn lên bá chủ thế giới. Tiếp đến là Mỹ đã khai thác những vùng đất canh tác khổng lồ có trữ lượng dầu mỏ phong phú để soán ngôi Anh.
Cơ cấu dân số và lực lượng lao động Việt Nam bắt đầu “đổ dốc”, tỷ lệ người già tăng lên trong khi nhóm trong độ tuổi lao động ít dần. Thời điểm dân số “vàng” bắt đầu từ những năm 2.000 nhưng chúng ta không khai thác một cách hiệu quả nhất.
Mô hình Trung Quốc không khác gì phiên bản 2.0 của “đại công trường công nghiệp” các nước Anh, Mỹ đã trải qua, điểm khác biệt là công nghệ tự động hóa thay thế dần máy móc sử dụng năng lượng hóa thạch. Trong đó, Trung Quốc vẫn dựa vào “lao động trực tiếp”, những khu công nghiệp, nhà máy tập trung cao độ về mặt con người.
Hệ thống công nghiệp phụ trợ Việt Nam không hoàn hảo như Trung Quốc. Ví dụ: Tỷ lệ nội địa hóa ngành may mặc mới đạt khoảng 45%; với lĩnh vực điện tử, tin học, viễn thông, điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao, tỷ lệ nội địa hóa chỉ từ 5% - 15%.
Với Samsung, tập đoàn công nghệ có mặt ở Việt Nam hơn 2 thập kỷ nhưng mới có khoảng 35 - 40 doanh nghiệp nội có thể cung ứng cấp 1. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu tham gia các khâu đơn giản, giá trị thấp như bao bì, in ấn, vật tư tiêu hao,…
Tất cả không dễ rời xa Trung Quốc! Nói cách khác, sự dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc không đơn giản như chúng ta nghĩ - đây là thị trường lao động dồi dào nhất, tiêu thụ mạnh nhất, chi phí thấp nhất.
Dịch bệnh COVID-19, chiến sự Nga - Ukraine và các xung đột địa chính trị, kinh tế khác cho thấy quá trình tập trung sản xuất không còn phù hợp. Thế giới được tận hưởng sức sản xuất của Trung Quốc nhưng cũng nếm trái đắng vì “cho trứng vào một giỏ”.
Các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và khối EU đang tích cực lập ra chuỗi cung ứng mới “không Trung Quốc”; bản thân Bắc Kinh cũng có những nước đi “tự lực cánh sinh”, “tuần hoàn kép”. Chuỗi cung ứng toàn cầu bắt đầu hình thành hai hệ thống, hai tiêu chuẩn.
Khi Trung Quốc nổi lên thành trung tâm sản xuất cũng là lúc bùng nổ công nghệ thông tin, internet, thương mại tự do toàn cầu. Sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến trật tự thế giới thay đổi theo hướng phân tán, đồng thời xuất hiện xu hướng kinh tế mới, đó là năng lượng sạch, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo.
Đây mới là cơ hội để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp luôn tạo ra vài cường quốc mới, Việt Nam không nên nghĩ cách cạnh tranh với Trung Quốc mà hãy tập trung xác định một vài ngành chiến lược mang tính quyết định hệ thống kinh tế toàn cầu trong tương lai gần.
Có thể bạn quan tâm
Alibaba và những biểu hiện đặc sắc kinh tế Trung Quốc
06:10, 17/06/2022
Kinh tế Trung Quốc "điêu đứng" vì chiến lược zero- Covid
04:27, 17/05/2022
Kinh tế Trung Quốc “ngấm đòn”
01:00, 03/04/2022
Tác động trái chiều từ kinh tế Trung Quốc
04:00, 19/09/2021
Giải mã suy giảm kinh tế Trung Quốc
06:00, 12/08/2021