Trước những ý kiến cho rằng COP không thể giải quyết rốt ráo vấn đề khí hậu nóng lên trên toàn cầu, thì lợi ích thực sự của sự kiện này có thể nằm ở những yếu tố khác.
>>Mỹ Latinh có thể trở thành "người khổng lồ" về khí hậu?
COP28 năm nay là đợt kiểm kê toàn cầu lần đầu tiên kể từ 2015 về những gì thế giới đã và chưa làm được trong hiện thực hóa các mục tiêu đó. Theo đánh giá, phần đầu tiên của cuộc kiểm kê đã “tích cực một cách đáng ngạc nhiên”.
Phần lớn tiến bộ này đến từ ngành năng lượng tái tạo đang trở nên phổ biến hơn và rẻ hơn. Năm 2015, công suất năng lượng mặt trời lắp đặt trên toàn cầu là 230 gigawatt (GW); năm 2022 nó là 1.050 GW, tức tăng xấp xỉ gấp 5 lần.
Các chính sách tốt hơn cũng đã lan rộng. Năm 2014, chỉ 12% lượng khí thải carbon liên quan đến năng lượng nằm trong kế hoạch định giá carbon và giá trung bình mỗi tấn là 7 USD. Ngày nay có 23% lượng phát thải khí nhà kính và giá khoảng 32 USD/tấn.
Những đánh giá và dự báo của giới học giả cũng cho thấy điều tương tự. Tại Paris, các nhà khoa học dự báo trái đất sẽ tăng hơn 3 độ C vào năm 2100. Hiện nay, họ đã giảm bớt - đặt nhiệt độ tăng thêm khoảng 2,5-2,9°C. Kể cả khi ước tính đó rất không chắc chắn, thì đó cũng đã là một sự cải thiện rõ rệt cho thấy nhận thức về vấn đề này đã có sự thay đổi.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế, vào năm 2015 dự báo lượng khí thải carbon dioxide sẽ tiếp tục tăng cho đến những năm 2040. Hiện nay, họ nhận thấy chúng có khả năng đạt đỉnh trong vòng vài năm tới. Lượng khí thải tăng gần như không ngừng đã là một thực tế của tăng trưởng kinh tế trong hai thế kỷ qua, do đó tín hiệu về lượng khí thải có thể nói là điều tích cực cho một cuộc chiến toàn cầu về khí hậu.
Vậy rốt cuộc COP đã có ích lợi gì cho vấn đề biến đổi khí hậu? Trước hết, đó là nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề trên phạm vi toàn cầu và nhắm trực tiếp vào các lãnh đạo chính phủ.
Các hội nghị COP gần đây đã đặt ra những kỳ vọng mới, khiến khí hậu trở thành một vấn đề mà các quốc gia phải nói đến. Bằng cách nêu rõ rằng cần phải cân bằng các nguồn phát thải để đổi lấy khí hậu ổn định, nó đã đưa ý tưởng về các nền kinh tế không có khí thải trở thành xu hướng chủ đạo. Năm 2015, chỉ có một quốc gia đặt mục tiêu như vậy, hiện giờ con số là 101.
Một yếu tố khách quan khác thúc đẩy điều này: các hiện tượng thời tiết thực sự trở nên ngày càng cực đoan. Bởi vậy, các nỗ lực chống lại điều này càng được xem xét một cách nghiêm túc hơn. Một tuyên bố gần đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã giúp tạo động lực cho một thỏa thuận liên quan đến phát thải khí mê-tan.
Bên cạnh đó, COP đã tạo điều kiện cho sự bùng nổ của ngành năng lượng tái tạo. Mỹ và Trung Quốc mới đây đã cam kết sẽ nỗ lực tăng gấp ba lần công suất phát điện tái tạo vào năm 2030, một mục tiêu khác mà nước chủ nhà UAE muốn COP28 đánh dấu.
Dù vậy, COP chưa giải quyết được nhiều vấn đề sâu xa – đầu tiên là ngân sách. Hội nghị ở Paris đã nhắc nhở về tầm quan trọng của năng lượng tái tạo nhưng lại không cung cấp nguồn đầu tư để biến điều đó thành hiện thực. Theo đánh giá của Bloomberg NEF, một công ty dữ liệu, việc tăng gấp đôi mức đầu tư hướng tới mục tiêu tăng gấp ba công suất sẽ phải đến từ khu vực tư nhân.
COP không có chức năng làm điều đó, mà phải là các chính phủ. Để thu hút vốn, các chuyên gia cho rằng các quốc gia sẽ cần phải thiết kế lại thị trường năng lượng, nhanh chóng thông qua giấy phép, cải thiện mạnh mẽ lưới điện và loại bỏ các chính sách vẫn ủng hộ nhiên liệu hóa thạch.
Chưa kể, những tiến bộ mà các COP đạt được vẫn chưa đủ nhanh và mạnh để ngăn chặn tình trạng khí hậu bất ổn như hiện nay. Thậm chí là không thể, theo nhiều nhà nghiên cứu.
Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu là lượng carbon dioxide tích lũy trong khí quyển. Khi nào lượng khí thải ròng còn tiếp tục, nhiệt độ sẽ vẫn còn tăng. Năm 2023 là năm nóng nhất lịch sử nhân loại từng được ghi nhân. Và nhiều “kỷ lục” nữa được cho sẽ còn tiếp diễn trong các năm tới.
>>Vì sao các nước nghèo nên cẩn trọng với tài chính khí hậu?
Dù vậy, nhìn chung COP đã đặt ra thời hạn hàng năm để mỗi quốc gia lưu tâm và thúc đẩy các sáng kiến giảm khí thải trong tương lai. Như vậy đã là điều đáng mừng so với những ý kiến tiêu cực về hiệu quả của hội nghị này ở nhiều nơi trên thế giới.
Có thể bạn quan tâm
Châu Á dẫn đầu nỗ lực chống biến đổi khí hậu tại COP28
04:00, 02/12/2023
COP28: Cuộc chiến giữa khí hậu và tiền
04:30, 30/11/2023
COP28: Mong chờ điều gì về chống biến đổi khí hậu?
03:00, 26/11/2023
Chống biến đổi khí hậu ở Thái Bình Dương: Phép thử với Mỹ và Trung Quốc
03:30, 06/11/2023
Biến đổi khí hậu hé mở "lỗ hổng" an ninh lương thực Trung Quốc
04:30, 20/07/2023
Việt Nam - Hà Lan thúc đẩy nông nghiệp và chống biến đổi khí hậu
00:00, 03/04/2023