Đại dịch đã thay đổi lớn nhiều hành vi của người Việt, từ lối sống đến cách chi tiêu, tương tác xã hội. Người Việt cũng được đánh giá lạc quan nhất khu vực về COVID-19.
Lạc quan nhất khu vực
Theo khảo sát mới nhất của Hiệp hội Mobile Marketing (MMA), thực hiện cùng đối tác Adtima thông qua nền tảng di động, người tiêu dùng tại Việt Nam ít lo lắng hơn về COVID-19 so với phần còn lại của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Cụ thể, có 3% số người được hỏi cho biết hoàn toàn không lo lắng gì, so với 0% tại Indonesia. 36% nói rằng họ không lo lắng nhưng có một chút dè dặt, cao hơn Ấn Độ và Indonesia với tỷ lệ lần lượt là 22% và 28%. Ngoài ra, 25% thừa nhận có một chút lo lắng, thấp hơn Indonesia (34%) và tương đương với Ấn Độ (24%).
Đáng chú ý, tỷ lệ rất lo lắng ở Việt Nam là 36%, mức thấp so với hai quốc gia được so sánh là Ấn Độ (46%) và Indonesia (39%). Tương tự các quốc gia khác, khảo sát chỉ ra rằng, nhóm có thu nhập càng thấp thì tỷ lệ lo lắng càng cao.
Không chỉ ít lo lắng hơn người dân các nước trong khu vực, người tiêu dùng Việt Nam cũng lạc quan nhất về thời gian phục hồi lại bình thường sau dịch, với dự đoán trung bình là 2 tháng. Trong khi, người Ấn Độ cho rằng sẽ mất 3 tháng và người Indonesia ước khoảng 3,2 tháng.
Tất nhiên, COVID-19 vẫn là sự kiện gây ảnh hưởng tiêu cực. Do đó, người tiêu dùng Việt Nam cũng có những “nỗi niềm riêng” của họ. Theo đó, mất việc hoặc ảnh hưởng đến việc làm ăn là điều họ quan tâm nhất về tác động của đại dịch, với 62% đồng ý.
Ngoài ra, 37% xác nhận sẽ thiếu hụt nguồn cung cấp. Bù lại, các mối nguy về sức khỏe và xã hội lại không đáng lo bằng. Cụ thể, 55% lo bản thân hoặc người thân gia đình bị nhiễm COVID-19; 39% sợ bị xa lánh nếu nhiễm bệnh.
Làm thay đổi hành vi người tiêu dùng
Kết quả khảo sát của MMA cũng cho thấy, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi lớn nhiều hành vi của người Việt, từ lối sống đến cách chi tiêu, tương tác xã hội. Trong đó, việc cắt giảm các hoạt động di chuyển diễn ra mạnh mẽ nhất. Trong cao điểm của mùa dịch, tỷ lệ người dùng đi lại bằng các ứng dụng gọi xe giảm 57%, du lịch nội địa giảm 52% và đi lại bằng phương tiện cá nhân giảm 21%.
Ngược lại, tỷ lệ người sử dụng ứng dụng để đặt hàng ở các cửa hàng gần tăng 18%, việc mua hàng tạp hóa giao tận nhà, mua sắm trực tuyến và thanh toán bằng thẻ tín dụng lần lượt tăng 14%, 9% và 3%. Điều này đồng nghĩa với tỷ lệ người tiêu dung đến các cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini, siêu thị và trung tâm thương mại giảm từ 36% đến 69%.
Ba mặt hàng được mua nhiều nhất mùa dịch là nước rửa tay diệt khuẩn, khẩu trang và xà phòng nước với tỷ lệ tăng trưởng người dùng là 67%, 59% và 57%. Trong khi, tiêu thụ các sản phẩm như thuốc lá, nước giải khát, rượu bia và mỹ phẩm đều giảm.
Các hoạt động trên Youtube, TV và các hoạt động tại nhà tăng trưởng nhiều nhất nhờ COVID-19. Cách ly xã hội cũng đã tạo ra một kỷ nguyên mới cho các hoạt động kỹ thuật số. Tỷ lệ người được hỏi thừa nhận đã lần đầu dùng các ứng dụng học trực tuyến là 38%, phần mềm làm việc tại nhà (25%), mua hàng tạp hóa trực tuyến (23%) và dùng các dịch vụ xem phim trực tuyến (21%).
Khi được hỏi, điều gì sẽ là sự thay đổi nhất trong hành vi kỹ thuật số của người tiêu dùng do tác động của COVID-19? Có đến 66% doanh nghiệp cho rằng theo dõi tin tức trên TV và truyền thông kỹ thuật số sẽ tăng; 47% cho rằng người tiêu dùng sẽ chơi game trực tuyến nhiều hơn; 38% cho rằng các vlog sẽ có cơ hội phát triển.
Điều đó dẫn đến kết quả không mấy ngạc nhiên rằng, các ứng dựng như Tiktok, Facebook và các tựa game như Garena Liên quân Mobile, MU đại thiên sứ H5 hay Real Bike Racing là những tựa game dẫn đầu xu hướng tải về trong mùa dịch.
Có thể bạn quan tâm
05:30, 26/05/2020
11:23, 22/05/2020
11:19, 26/05/2020
14:46, 25/05/2020
04:18, 26/05/2020
16:33, 26/05/2020