COVID-19: TP.HCM sẽ kích hoạt lại chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ

Diendandoanhnghiep.vn Trước tình hình ca nhiễm COVID-19 tại TP.HCM đang có chiều hướng gia tăng, Sở Y Tế TP.HCM tham mưu UBND Thành phố kích hoạt trở lại “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ”.

>>>Hơn 1 nghìn ca mắc mới Covid-19 trong một ngày, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn

Theo Sở Y tế TP.HCM, tình hình số ca mắc COVID-19 tại TP.HCM đang có chiều hướng gia tăng. Cụ thể: Trong tuần 15, thành phố ghi nhận 33 ca xác định COVID-19, tăng hơn 6 lần so với trung bình bốn tuần trước đó.

Hệ thống báo cáo trong tháng 03/2023 cho thấy, mỗi ngày Thành phố ghi nhận từ 1-3 ca bệnh mắc mới được xác định. Trong 14 ngày qua (03/04/2023 đến 16/04/2023), toàn Thành phố ghi nhận 39 ca bệnh xác định. Từ ngày 12/4 đến ngày 16/04, trung bình mỗi ngày ghi nhận 7 ca, riêng ngày 15/4 hệ thống ghi nhận 12 ca bệnh xác định. Tổng số ca xác định ghi nhận từ đầu năm 2023 đến nay (01/01/2023 đến 16/04/2023) tại TP.HCM là 181 ca.

Cũng theo Sở Y tế Thành phố, từ 03/04/2023 đến 11/04/2023, Thành phố có trung bình 1-2 trường hợp COVID-19 cần nhập viện điều trị. Từ 12/04/2023 đến 16/04/2023, số ca nhập viện điều trị mỗi ngày từ 8-12 ca. Về độ nặng của bệnh, nếu như ngày 07/04/2023 toàn thành phố chỉ ghi nhận 02 trường hợp nhiễm COVID – 19 nhập viện cần hỗ trợ Oxy liệu pháp thì đến ngày 16/04/2023 đã ghi nhận 13 trường hợp nhập viện cần hỗ trợ Oxy, trong đó có 4 trường hợp thở oxy dòng cao qua mũi (HFNC). Hiện chưa có trường hợp nặng cần phải thở máy xâm lấn.

Bên cạnh đó, từ tháng 3/2023, qua hệ thống giám sát biến thể SARS-CoV2 của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM phối hợp với Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) - Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới đã phát hiện biến thể XBB.1.5 cùng các biến thể khác của Omicron như XBB.1, BA.5, BA.2.75. Biến thể XBB.1.5 hiện đang là biến thể chiếm ưu thế trên phạm vi toàn cầu.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các dữ liệu phân tích hiện nay trên thế giới cho thấy không có báo cáo nào về mức độ nghiêm trọng cao hơn đối với các biến thể đang lưu hành, cũng không có báo cáo nào về việc gia tăng số ca nhập viện hoặc tử vong ở các khoa ICU do bất kỳ biến thể từ dòng XBB hiện đang lưu hành.

>>>Ứng phó với đợt dịch COVID-19 mới thế nào?

tình hình số ca mắc COVID-19 tại TP.HCM đang có chiều hướng gia tăng, TP.HCM sẽ kích hoạt

Trước tình hình số ca mắc COVID-19 tại TP.HCM đang có chiều hướng gia tăng, TP.HCM sẽ kích hoạt “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ” - Ảnh: HCDC.

“Tuy nhiên với sự xâm nhập và lưu hành của những biến thể mới có thể khiến số ca nhiễm gia tăng, tạo đợt sóng các trường hợp mắc bệnh mới, đặc biệt tại những khu vực, trong những quần thể có tình trạng miễn dịch cộng đồng sụt giảm”, đại diện Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh.  

Sở Y tế TP.HCM cho rằng, mặc dù số ca mắc COVID-19 nhập viện điều trị tại TP.HCM hiện bắt đầu có dấu hiệu tăng nhẹ nhưng hầu hết tập trung ở người cao tuổi. Cùng với sự xuất hiện của biến thể phụ XBB.1.5 và thực trạng miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 đang bắt đầu có xu hướng giảm (từ 98,7% người dân Thành phố có miễn dịch với SARS-CoV-2 vào tháng 9/2022 nay giảm xuống còn 94,2%), việc tăng cường vận động người dân đi tiêm vắc xin các liều bổ sung để duy trì miễn dịch cộng đồng ở mức cao, trong đó đặc biệt tập trung cho nhóm người có nguy cơ cần được triển khai. Sở Y Tế tham mưu UBND Thành phố kích hoạt trở lại “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ”.

Trước tình hình số ca mắc mới, ca nhập viện do COVID-19 tăng nhẹ trở lại, Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo, người dân cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Thông điệp 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + Vắc-xin. Trong đó, ghi nhớ việc đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, khi đến các nơi công cộng, các cơ sở khám chữa bệnh, trong không gian kín và các địa điểm bắt buộc theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thường xuyên khử khuẩn nhất là vệ sinh tay và tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đầy đủ.

Ngoài ra, khi tham gia các hoạt động xã hội, lao động sản xuất, học tập…. những người sống chung nhà có thể mang mầm bệnh về lây nhiễm cho những người thân thuộc nhóm người có nguy cơ, Vì vậy, để bảo vệ người thân của mình – là người thuộc nhóm nguy cơ, ý thức phòng bệnh của người thân, người chăm sóc cùng sống chung trong nhà cũng rất quan trọng. Khi có triệu chứng nghi ngờ bệnh, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn chẩn đoán điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng nặng và tử vong.

Trước đó, UBND TP.HCM cũng đã chỉ đạo các Sở, ban ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Chỉ đạo khẩn này nhằm chủ động phòng, chống dịch, không để dịch bùng phát trở lại.

UBND TP.HCM giao Sở Y tế Thành phố thường xuyên theo dõi sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn và khu vực, kịp thời ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch; đẩy mạnh công tác tiêm chủng phòng COVID-19, đặc biệt đối với các nhóm người có nguy cơ cao.

Bên cạnh đó, ngành y tế Thành phố cũng cần tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt đối với các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị.

UBND TP.HCM cũng yêu cầu, các sở, ban, ngành của Thành phố và UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Cạnh đó, xử nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch trên địa bàn.

Lịch tiêm vắc-xin phòng COVID-19:

Trẻ em:

+ Trẻ từ 5-dưới 12 tuổi: Tiêm 2 mũi, mũi 2 cách mũi 1: 4 tuần. (Nếu trẻ đã nhiễm COVID-19 thì tiêm sau mắc bệnh 3 tháng)

+ Trẻ từ 12- dưới 18 tuổi: Tiêm 3 mũi, mũi 2 cách mũi 1: 3-4 tuần, mũi 3 cách mũi 2: 5 tháng. (Nếu trẻ đã nhiễm COVID-19 thì tiêm sau mắc bệnh 3 tháng)

Người lớn: Tiêm 4 mũi. Trong đó:

+ Mũi 2 cách mũi 1 theo khuyến cáo của nhà sản xuất (tùy từng loại vắc-xin)

+ Liều nhắc lần 1 (mũi 3): Ít nhất 03 tháng sau tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản.

+ Liều nhắc lần 2 (mũi 4): Ít nhất là 04 tháng sau khi tiêm mũi nhắc lần 1 (mũi 3).
Từ khóa
Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết COVID-19: TP.HCM sẽ kích hoạt lại chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714355251 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714355251 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10