Cần chú trọng vào quan hệ giữa người và người, kết nối Wi-fi hay một yếu tố nào hoàn toàn khác?
>>Thiết kế sản phẩm đang bị Gen Z đổi hướng như thế nào
Thế hệ Z (hay Gen Z), sinh ra trong khoảng thời gian từ 1996 đến 2012, được coi là “dân bản địa kỹ thuật số và di động” thực thụ. Theo một báo cáo năm 2021 của PwC Việt Nam, bộ phận dân số này dự kiến sẽ chiếm khoảng 1/3 tổng lực lượng lao động Việt Nam và có tầm ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động cả nước.
Một cách để nhận dạng nhóm nhân khẩu học này là họ ưa thích làm việc và giao tiếp bằng kỹ thuật số, thích lãnh đạo và hợp tác, đồng thời đánh giá cao tinh thần làm việc nhóm. Theo Tiến sĩ Lương Thanh Thảo, giảng viên ngành Quản trị nguồn nhân lực RMIT Việt Nam, chính nhờ những đặc điểm này mà Gen Z ở Việt Nam có được lợi thế lớn hơn trong đại dịch COVID-19.
Tiến sĩ Thảo cho biết: “Họ thích nghi cực kỳ tốt với hình thức làm việc từ xa vì có thể làm việc linh hoạt và thuận tiện hơn”.
Tuy nhiên, các báo cáo sau đại dịch chỉ ra rằng nhóm nhân viên này cũng đã trải qua khoảng thời gian cảm thấy bị cô lập, đơn độc và kỹ năng giao tiếp giữa người và người suy giảm nghiêm trọng do phải làm việc từ xa quá nhiều giờ. Quyền tự chủ và thời gian làm việc linh hoạt có được trong giai đoạn làm việc tại nhà giờ đây không còn quá hấp dẫn với họ nữa.
"Những người thuộc Thế hệ Z mong muốn không gian công sở thời kỳ hậu đại dịch được hình dung lại một cách chiến lược. Cụ thể, chốn công sở cần cân bằng giữa không gian riêng tư và khả năng kết nối trực tiếp, cũng như coi trọng sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên. Những yếu tố này đã được các nhà nghiên cứu đánh giá là rất quan trọng trong việc thu hút nhân viên thuộc Thế hệ Z”, Tiến sĩ Thảo cho biết.
Giảng viên RMIT cho rằng chiến lược chủ động kết hợp làm việc trực tuyến và trực tiếp trong thời kỳ hậu đại dịch sẽ giúp nhân viên Thế hệ Z cảm thấy gắn kết hơn với đồng nghiệp và tổ chức của họ, đồng thời vẫn có thể duy trì sự riêng tư mà họ đã quen có khi làm việc ở nhà.
Đáng chú ý, trong thời gian trước đại dịch, xu hướng tăng cường “không gian mở” nơi công sở đã giúp đẩy mạnh mô hình chỗ ngồi không cố định, dành nhiều không gian hơn cho các dự án cộng tác và làm việc nhóm.
Bà Evelyn Kwek, Giám đốc điều hành Great Place to Work khu vực ASEAN và ANZ, cho biết đã có rất nhiều cuộc tranh luận về chủ đề “văn phòng mở” trong vài năm gần đây.
“Xu hướng này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi vào thời điểm mới ra mắt trên toàn cầu vì doanh nghiệp thấy được việc loại bỏ những bức tường và rào cản ngăn cách vật lý tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác, giao tiếp cởi mở và ý thức cộng đồng giữa các thành viên nhóm”, bà nói.
“Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, đã có nghiên cứu cho thấy cách sắp xếp chỗ ngồi như vậy không phải lúc nào cũng thúc đẩy hợp tác và trên thực tế, năng suất sẽ bị ảnh hưởng do môi trường mở không có lợi cho việc tập trung sâu”.
Bà Kwek chỉ ra rằng: “Một số doanh nghiệp, đặc biệt là sau đại dịch, đã thiết kế lại không gian công sở để vừa có chỗ ngồi không cố định, vừa có các không gian nhỏ dành cho cá nhân để làm việc tập trung, cũng như phòng họp để thảo luận nhóm”.
>>Vì sao Gen Z quan tâm đến đầu tư tài chính từ rất sớm?
>>Nhân sự gen Z: Nổi loạn hay “cháy” hết mình?
Theo Tiến sĩ Jung Woo Han, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị nguồn nhân lực và Khởi nghiệp tại RMIT Việt Nam, nhà tuyển dụng cũng cần chú ý hơn đến việc thiết kế văn phòng sao cho nhân viên cảm thấy an toàn và thoải mái như khi làm việc tại nhà trong thời kỳ đại dịch.
Đây cũng là nhận định mà hầu hết các nghiên cứu gần đây về nơi làm việc lý tưởng của Thế hệ Z tại Việt Nam đã đưa ra. Lực lượng lao động trẻ này đặc biệt coi trọng sức khỏe thể chất và tinh thần trong không gian công sở thời kỳ hậu đại dịch.
Đúc kết nhận định từ một cuốn sách gần đây của Tiến sĩ Roberta Katz (Đại học Stanford) và đồng nghiệp, cũng như dựa trên kết quả khảo sát gần đây của Deloitte, Tiến sĩ Han nhấn mạnh rằng “Thế hệ Z có cái nhìn thực tế hơn đối với các vấn đề liên quan đến công việc và quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề xã hội và đạo đức so với các thế hệ trước”.
Tiến sĩ Han cho rằng Thế hệ Z phải chịu lo âu và căng thẳng cao độ và điều này có thể đã góp phần vào làn sóng nghỉ việc hàng loạt trong thời gian qua. Do đó, “để nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần của Thế hệ Z, bước đầu tiên có thể làm là xây dựng văn hóa doanh nghiệp không đề cao thứ bậc và tăng cường giao tiếp cởi mở để giảm căng thẳng trong tổ chức”, ông nói.
Bà Phạm Thị Thu Thảo, Giám đốc bộ phận Quản lý nhân tài, đào tạo và phát triển tổ chức, Công ty cổ phần VNG, cũng cho rằng cơ cấu tổ chức phẳng và tinh gọn để thúc đẩy kết nối, cộng tác và học hỏi giữa các nhân viên thuộc mọi cấp độ chính là một yếu tố quan trọng giúp thu hút nhân lực Gen Z .
Theo bà Thảo, các nhân viên thuộc thế hệ này đánh giá cao môi trường làm việc khuyến khích tính hợp tác, sáng tạo và đổi mới. Họ cũng ưu tiên cân bằng cuộc sống - công việc và phát triển cá nhân. Do đó, “bên cạnh văn phòng mở và mô hình làm việc kết hợp trực tuyến với trực tiếp, không gian làm việc cũng nên tích hợp các công cụ và công nghệ nhằm hỗ trợ công việc của nhân viên và tạo điều kiện tăng cường giao tiếp, hợp tác và năng suất làm việc”, bà nhận định.
Trong thời kỳ hậu đại dịch, việc cung cấp cho nhân viên Thế hệ Z nơi làm việc giúp họ khỏe mạnh về cả thể chất và tinh thần cần là ưu tiên chiến lược của mọi nhà tuyển dụng. Đó là vì tương lai phát triển của thị trường lao động Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn từ những người lao động trẻ tuổi, sáng tạo và giàu nhiệt huyết này.
Có thể bạn quan tâm
04:23, 10/04/2023
05:01, 26/01/2023
17:10, 11/11/2022
09:36, 29/09/2022
04:00, 23/09/2022