Những dự án đường sắt mới đánh dấu bước khởi đầu trong việc hiện thực hóa hệ thống hạ tầng giao thông đường sắt hiện đại, mở ra “sân chơi mới” cho các doanh nghiệp hạ tầng Việt.
Mới đây, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội - Hải Phòng với tổng chiều dài gần 400 km, đi qua 9 tỉnh, thành phố, tổng mức đầu tư hơn 8 tỷ USD.
Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh khẳng định, dự án có tiến độ rất gấp, quy mô lớn, nếu thực hiện theo điều kiện hiện hành sẽ không đáp ứng được tiến độ yêu cầu. Đồng thời, với chủ trương của Đảng về tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026-2030 thì việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án sẽ là một động lực để góp phần tăng trưởng.
Bộ trưởng cho biết, trên cơ sở nghiên cứu các chính sách đã được Quốc hội thông qua cho đường sắt tốc độ cao và những đặc thù của dự án, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của các đại biểu, Chính phủ đề xuất 15/19 cơ chế chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 172 và thêm vào 3 cơ chế chính sách.
Được biết, hình thức đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội - Hải Phòng có chiều dài tuyến chính khoảng 390,9km, chiều dài các tuyến nhánh khoảng 27,9km, đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Tiến độ thực hiện theo nghị quyết là lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành dự án chậm nhất vào năm 2030.
Trên thực tế, trong thập kỷ qua, các doanh nghiệp Việt đã khẳng định năng lực thi công qua hàng loạt dự án trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, các tuyến metro, đường vành đai, sân bay với quy mô lớn và yêu cầu kỹ thuật phức tạp. Chỉ trong hai năm gần đây, cả nước đã hoàn thành và đưa vào khai thác 11 dự án cao tốc, nâng tổng chiều dài đường cao tốc lên 2.021 km.
Dự kiến trong năm 2025, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông được nối thông, cùng một số dự án đường bộ cao tốc khác được đưa vào sử dụng, hoàn thành mục tiêu đưa vào khai thác 3.000km đường bộ cao tốc.
Chuyên gia đánh giá, nếu bám sát được mục tiêu khởi công vào cuối năm 2025 như Quốc hội đề ra, dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trị giá 8,369 tỷ USD sẽ tiếp tục là cú hích lớn cho ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam.
Cùng với những thành quả trước đó, dự án đường sắt mới sẽ tạo ra một "thao trường" thực tiễn để trau dồi kỹ năng, nâng cao năng lực quản lý, làm chủ công nghệ thi công hạ tầng giao thông hiện đại. Nói như PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, dự án đường sắt tốc độ cao sẽ đưa đến một cơ hội rất lớn cho nền kinh tế của Việt Nam.
"Về phần xây dựng, năng lực nhà thầu trong nước đã làm được đường, móng, trụ, hầm đường bộ nhưng chúng ta còn thiếu kinh nghiệm về tính toán tác động của đoàn tàu cao tốc chạy trên hạ tầng đó. Dự án được đầu tư sẽ là cơ hội để người Việt Nam tiếp cận và tiến tới làm chủ công nghệ hiện đại và tiến tới làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao", ông Chủng nói.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả cho rằng, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và dự kiến khởi công vào cuối năm 2025 hứa hẹn sẽ là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp trong nước bắt đầu tham gia vào lĩnh vực đường sắt, tạo tiền đề để tự tin thực hiện khi đại dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được triển khai.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội là những thách thức. Ông Huy cho rằng, yêu cầu đặt ra đối với doanh nghiệp giao thông Việt Nam là phải sớm huy động nguồn lực và ứng dụng công nghệ cao. Được biết, đối với Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã bước đầu định hướng các lĩnh vực tiếp nhận chuyển giao, trong đó phương tiện và thiết bị là loại hình phù hợp để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, đầu tư máy móc thiết bị và sản xuất đầu máy, toa xe cho đường sắt quốc gia với tốc độ nhỏ hơn 200 km/h, mua thiết kế và sản xuất đối với đường sắt đô thị.
Tại dự án này, việc chuyển giao công nghệ vận hành thuộc trách nhiệm của nhà thầu cung cấp đầu máy, toa xe. Đối với việc chuyển giao công nghệ để sản xuất, lắp ráp, Chính phủ dự kiến giao doanh nghiệp trong nước có năng lực liên danh với đối tác nước ngoài để nhận chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh đó, Dự án đã đề xuất và được Quốc hội thông qua chính sách đặc thù về phát triển công nghiệp và chuyển giao công nghệ, đề xuất “hồ sơ mời thầu phải có điều kiện cam kết của tổng thầu, nhà thầu nước ngoài về việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho đối tác Việt Nam để làm chủ công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì; từng bước làm chủ công nghệ”.
“Đây là nội dung quan trọng, bảo đảm trong quá trình triển khai Dự án, phía Việt Nam phải được đào tạo, chuyển giao công nghệ để làm chủ công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì; từng bước làm chủ công nghệ”, Báo cáo số 109 của Chính phủ nêu rõ.
Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), đơn vị đứng đầu liên danh tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng cho biết, công nghệ đường sắt chạy trên ray, tốc độ thiết kế 160 km/h là phù hợp với điều kiện Việt Nam, tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị xây dựng, cơ khí đường sắt tham gia sâu, tiến tới nắm bắt làm chủ công nghệ.
“Cùng với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, dự án này là tiền đề để phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ”, đại diện tư vấn đánh giá.