Quản trị

Cửa hàng "soái hạm"

Cáp Tần 07/04/2025 01:40

Mở các cửa hàng soái hạm là cách để các thương hiệu tạo tiếng vang và khẳng định uy tín.

highlands.jpg
Cửa hàng “sang chảnh” của Highlands Coffee nằm ngay tại “Nụ hoa Atiso khổng lồ” trong khuôn viên quảng trường Lâm Viên, TP Đà Lạt

Highlands Coffee khai trương một cửa hàng “sang chảnh” nằm ngay tại “Nụ hoa Atiso khổng lồ” trong khuôn viên quảng trường Lâm Viên, TP Đà Lạt, một trong những biểu tượng và địa điểm check-in cực kỳ nổi tiếng của thành phố.

Có thể nói đó cũng là một kiểu cửa hàng “soái hạm”. Đây không chỉ là một loại hình cửa hàng, mà còn là chiến lược mà các thương hiệu áp dụng để khẳng định vị thế.

Tăng độ nhận diện thương hiệu

Cửa hàng “soái hạm” là một phần không thể thiếu trong ngành bán lẻ, đại diện cho bản sắc và giá trị thương hiệu. Các cửa hàng này thường nằm tại những địa điểm lớn nhất, nổi bật nhất, sở hữu các thiết kế, mô hình hoạt động nổi bật. Tại đây, khách hàng có thể tìm hiểu mọi thứ về sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm tổng thể của thương hiệu, từ đó tạo nên ấn tượng lâu dài, vượt xa các không gian bán lẻ truyền thống.

Các cửa hàng “soái hạm” có những đặc điểm riêng khiến chúng khác biệt so với các cửa hàng thông thường.

Thứ nhất, các cửa hàng này sở hữu quy mô lớn hơn và thường nằm tại các mặt tiền đắc địa của những thành phố lớn hoặc khu vực nhộn nhịp.

Thứ hai, cửa hàng “soái hạm” được trang bị nội - ngoại thất nổi bật, phản ánh giá trị và bản sắc thương hiệu, tạo nên ấn tượng cho khách hàng ngay từ lần đầu tiếp cận.

Thứ ba, các cửa hàng “soái hạm” thường cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn các cửa hàng thông thường.

Thứ tư, cửa hàng “soái hạm” thường được đầu tư vào công nghệ tiên tiến hoặc dịch vụ chăm sóc khách hàng đặc biệt.

Với những đặc điểm này, cửa hàng “soái hạm” đóng vai trò quan trọng trong việc định hình hình ảnh thương hiệu và độ nhận biết thương hiệu trên thị trường. Đó là nơi để các thương hiệu tạo nên các trải nghiệm phong phú, chứ không chỉ đơn giản là bán hàng, từ đó kết nối mạnh mẽ với cảm xúc khách hàng, nuôi dưỡng tình yêu và sự ủng hộ.

Đã có rất nhiều thương hiệu tận dụng thành công chiến lược cửa hàng “soái hạm”, tiêu biểu nhất có thể kể đến là cửa hàng “soái hạm” Apple ở New York. Nơi này nổi tiếng với lối vào hình vuông bằng thủy tinh rộng gần 3m² dẫn đến một không gian ngầm độc đáo. Tại đây, khách hàng được khám phá những sản phẩm mới nhất của thương hiệu công nghệ đình đám này.

apple_store.jpg
Cửa hàng “soái hạm” Apple ở New York.

Ưu điểm nổi trội

Cửa hàng “soái hạm” được các thương hiệu yêu thích vì chúng có nhiều ưu điểm nổi bật

Ưu điểm thứ nhất là độ linh hoạt. Các cửa hàng “soái hạm” thường nằm trong những tòa nhà lớn, giúp đội ngũ thiết kế có không gian rộng hơn để thực hiện các ý tưởng sáng tạo, từ đó cho phép thương hiệu đem đến những trải nghiệm độc đáo cho khách hàng.

Ưu điểm thứ hai là hiệu ứng truyền thông. Việc một thương hiệu mở cửa hàng soái hạm sẽ gây tiếng vang đối với truyền thông trong khu vực, từ đó thu hút khách hàng tiềm năng và cho phép thương hiệu nâng cao tầm nhận biết trong cộng đồng.
Ưu điểm thứ ba là nuôi dưỡng lòng trung thành. Các cửa hàng “soái hạm” có thể sử dụng các sự kiện, các đợt giảm giá đặc biệt vừa để thu hút khách hàng mới, vừa hấp dẫn khách hàng cũ quay lại.

Ưu điểm thứ tư là lợi ích về xây dựng thương hiệu. Các cửa hàng “soái hạm” thường được lấy làm ví dụ để xây dựng thương hiệu và bán hàng cho các cửa hàng khác trong cùng hệ thống. Điều này giúp thương hiệu duy trì chất lượng và đảm bảo khách hàng luôn có trải nghiệm đồng đều tại mọi cửa hàng.

Nhược điểm cần hoá giải

Dù có nhiều ưu điểm, nhưng chiến lược này vẫn chứa những mặt trái, những điểm khó khăn khiến các thương hiệu chùn bước.

Thứ nhất là địa điểm. Một trong những điều đầu tiên trong cửa hàng “soái hạm” là phải ở vị trí đắc địa. Thế nhưng, các mặt bằng đắc địa chưa bao giờ là thứ dễ dàng. Nếu có, giá cũng không hề rẻ. Các thương hiệu sẽ phải tính toán rất nhiều nếu không muốn ôm lỗ. Đó là còn chưa kể các chi phí vận hành. Tại Việt Nam, đến ông lớn như Starbucks cũng phải tạm biệt vị trí vàng đường Hàn Thuyên (quận 1, TP HCM) vì tiền mặt bằng cao ngất ngưởng. Trước đó, họ cũng từng đóng cửa chi nhánh có góc đắc địa nhất nhì TP HCM tại khách sạn REX ngay gần phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Thứ hai là tính cạnh tranh. Những mặt bằng đắc địa là đích ngắm của không chỉ một thương hiệu. Vậy nên, nếu mở cửa hàng “soái hạm” tại những nơi này, thương hiệu sẽ phải cạnh tranh rất nhiều với những bên khác. Chẳng hạn ở Đại lộ Fifth sang chảnh của New York không chỉ có cửa hàng “soái hạm” của Swarovski, mà còn có của Tiffany & Co., Lululemon hoặc Gucci.

Thứ ba là kỳ vọng cao. Khi nói đến cửa hàng “soái hạm”, khách hàng luôn đặt kỳ vọng cao hơn mức bình thường. Để đáp ứng được kỳ vọng ấy, thương hiệu phải đầu tư rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc. Nếu không, khách hàng sẽ cảm thấy thất vọng và có những đánh giá không tích cực về thương hiệu.

Với những ưu điểm và nhược điểm cụ thể này, các thương hiệu có thể cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định xây dựng, khai thác và vận hành một cửa hàng “soái hạm”. Dù tốn kém, nhưng nếu làm đúng, cửa hàng “soái hạm” sẽ đem đến những kết quả khả quan cho thương hiệu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cửa hàng "soái hạm"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO