Mặc dù cạnh tranh ngành ống nhựa đã bớt gay gắt do áp lực tăng chiết khấu đã giảm nhưng "cửa" tăng trưởng của Nhựa Bình Minh vẫn hẹp.
Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) vừa công bố báo cáo tài chính quý II với doanh thu thuần tăng còn lợi nhuận giảm.
Các loại chi phí tăng mạnh
Theo đó, doanh thu hợp nhất quý 2/2019 của Công ty đạt 1.177 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước; tương ứng thu về 275 tỷ đồng lợi nhuận gộp, biên lợi nhuận cũng được cải thiện từ mức 22,55% lên mức 23,36%.
Các loại chi phí đều tăng mạnh. Cụ thể, chi phí bán hàng cao kỷ lục gần 67 tỷ đồng, do phát sinh mục chi phí bán hàng cho hệ thống phân phối, chiếm hơn 50% chi phí bán hàng. Chi phí quản lý doanh nghiệp là 40,7 tỷ đồng, do chi phí dự phòng là 19,3 tỷ. Đây là con số cao nhất từ quý IV/2017.
Chi phí tài chính, chủ yếu là chiết khấu thanh toán tăng nhẹ 3%, lên mức 30,5 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu tài chính tăng mạnh 194,6%, đạt 10,9 tỷ đồng. Chi phí tăng khiến lợi nhuận sau thuế giảm 14,2%,đạt 118,9 tỷ đồng. EPS là 1.453 đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, BMP ghi nhận doanh thu tăng 22% lên 2.109 tỷ đồng. Ngược lại, lợi nhuận sau thuế giảm 6,7% xuống mức 210 tỷ đồng. So với kế hoạch 4.300 tỷ doanh thu và 432 tỷ lợi nhuận sau thuế, BMP lầm lượt thực hiện được 49% cả hai chỉ tiêu sau nửa đầu năm.
Tính đến 30/6, Nhựa Bình Minh có tổng tài sản 2.753 tỉ đồng. Dù vẫn duy trì chính sách trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông đều đặn hàng năm, Nhựa Bình Minh vẫn còn khoảng 650 tỉ đồng tiền mặt ròng trên BCTC sau khi trừ nợ vay.
Cần thận trọng trong "cuộc đua" chiết khấu
Mức tăng trưởng doanh thu của Nhựa Bình Minh là một tín hiệu khá bất ngờ. Trước đó, sự gia tăng cạnh tranh từ các nhà máy mới của các doanh nghiệp khác trong ngành đã khiến doanh thu Nhựa Bình Minh tăng trưởng rất khiêm tốn trong năm 2018.
Theo Báo cáo của CTCK Rồng Việt (VDSC), giai đoạn 2014-2016, một loạt nhà máy tăng công suất cũng như nhiều doanh nghiệp gia nhập ngành do sức hấp dẫn của lợi nhuận ngành ống nhựa.
Để chiếm thị phần, nhiều nhà sản xuất lựa chọn chiến lược tăng chiết khấu cho hệ thống phân phối. Trong số đó, nổi bật là Ống nhựa Hoa Sen với chiết khấu lên tới 40%, gây sức ép lên các đối thủ, trong đó có Nhựa Bình Minh. Theo đó, buộc Nhựa Bình Minh phải chấp nhận hi sinh lợi nhuận để tăng giữ thị phần.
Có thể bạn quan tâm
06:00, 24/04/2019
06:10, 13/04/2018
04:45, 09/03/2018
13:51, 11/04/2016
Chia sẻ về chiến lược hành động cho năm 2019, ông Nguyễn Hoàng Ngân – Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT khẳng định: "Trước sự xâm nhập của nhiều đối thủ cạnh tranh mới gia nhập ngành, Công ty do đó sẽ duy trì chính sách mức chiết khấu cao, chấp nhận lợi nhuận thấp hoặc rất thấp để giữ và giành thị phần".
Tuy nhiên, trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng việc tiếp tục tăng chiết khấu không phải chiến lược khôn ngoan trong dài hạn. Theo đó, các đối thủ của BMP sẽ ngừng tăng chiết khấu, BMP nhờ đó có thể duy trì biên gộp quanh mức 23% và biên ròng quanh 12%.
Thêm vào đó, lãnh đạo BMP cho biết thị trường ống nhựa nội địa đang dư cung, trong khi mặt hàng ống nhựa khó xuất khẩu do chi phí vận chuyển cao. Như vậy, VDSC cho rằng các nhà sản xuất nội địa sẽ không tăng công suất trong thời gian tới, đồng thời giữ nguyên mức chiết khấu để giữ lại lợi nhuận. Vì vậy, VDSC cho rằng sự thận trọng trong việc tăng công suất là một chiến lược phù hợp với Nhựa Bình Minh.
Cũng trong năm nay, BMP kế hoạch sẽ tiến hành thay đổi mô hình tổ chức, cấu trúc lại chức năng và bổ sung nhân sự mới, do đó ban lãnh đạo phân tràn Công ty cần thời gian để ổn định. VDSC nhận định sự thận trọng trong việc tăng công suất thực chất là một chiến lược phù hợp với BMP, khi thị trường ống nhựa nội địa đang dư cung, đồng thời hoạt động xây dựng đã tăng trưởng chậm lại, khiến dư địa tăng trưởng cho ngành vật liệu xây dựng nói chung không còn nhiều.