Làm thế nào xử lý nghiêm xe hợp đồng trá hình?

LAN VŨ 17/03/2023 11:01

Cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản đề nghị Sở Giao thông Vận tải các tỉnh thành xử nghiêm doanh nghiệp tuyến cố định dùng xe hợp đồng trá hình.

>>>Dẹp “xe dù, bến cóc”: Thiếu cơ chế hay nhà xe “nhờn luật”?

>>>Ai chịu trách nhiệm trước tình trạng xe dù, bến cóc?

Theo đó, Cục Đường bộ đề nghị các Sở Giao thông Vận tải tăng cường khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe để theo dõi chặt chẽ hoạt động của phương tiện và lái xe đảm bảo thực hiện đúng các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, thường xuyên có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời đối với các trường hợp vi phạm.

Đồng thời, tiếp tục công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng của Sở Giao thông Vận tải, đơn vị chức năng thuộc Sở, bến xe, bãi đỗ xe và các lực lượng có chức năng liên quan để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, đơn vị vận tải, lái xe và nhân viên phục vụ trên xe, qua đó kịp thời đưa ra các biện pháp xử lý theo quy định.

Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý do chạy dù tại ngã 3 cầu Bính (báo An Ninh)

Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý do chạy dù tại ngã 3 cầu Bính (báo An Ninh)

Cục Đường bộ cũng đề nghị các Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo Thanh tra Sở tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, bố trí thêm lực lượng phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông của tỉnh kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông; có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm và kiên quyết các trường hợp người lái xe sử dụng phương tiện chở quá số người quy định ngay từ thời điểm đón, trả khách và trong suốt quá trình vận chuyển; phương tiện chạy sai hành trình, niêm yết và tăng giá vé trái với quy định, quá niên hạn kiểm định, đón, trả khách không đúng nơi quy định.

Bên cạnh đó, Cục Đường bộ Việt Nam còn đề nghị Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị kinh doanh khai thác bến xe thường xuyên yêu cầu cán bộ tại các khu vực bến xe tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tình trạng kỹ thuật của phương tiện trước khi xuất bến, kiên quyết không cho các phương tiện không đảm bảo kỹ thuật, các phương tiện niêm yết giá vé, bán vé không đúng quy định xuất bến; kiểm tra các hình thức bán vé, niêm yết giá vé trên xe và tại quầy vé của đơn vị kinh doanh vận tải; hỗ trợ, ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu mua vé, đồng thời, có biện pháp phòng chống việc đầu cơ, buôn bán vé, không để tình trạng tăng giá vé trái quy định gây mất an ninh trật tự trong bến, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ.

>>>Dẹp “xe dù, bến cóc”: Cần phân loại lại các hình thức vận tải

>>>Dẹp “xe dù, bến cóc” - Cần một “liều thuốc” đủ mạnh

Chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tiếp tục thực hiện nghiêm, đúng, đầy đủ quy trình bảo đảm an toàn giao thông theo quy định, tập trung theo dõi quá trình hoạt động của phương tiện và người lái xe trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ vận chuyển qua thiết bị giám sát hành trình; thực hiện nhắc nhở ngay đối với người lái xe khi phát hiện xe chạy quá tốc độ, quá thời gian người lái xe liên tục, quá thời gian làm việc trong ngày, hoạt động sai hành trình vận chuyển, thiết bị giám sát hành trình không có tín hiệu và các nguy cơ gây mất an toàn giao thông khác.

Khẩn trương rà soát và nghiêm túc thực hiện việc kê khai, niêm yết giá vé theo đúng quy định và thường xuyên quán triệt, phổ biến cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe thực hiện đúng quy định về thời gian lái xe liên tục và thời gian lái xe trong ngày; tuyệt đối không điều khiển phương tiện khi có nồng độ cồn trong máu và hơi thở; duy trì tình trạng hoạt động, truyền dẫn đầy đủ, chính xác, kịp thời dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera (đối với các phương tiện thuộc đối tượng phải lắp) theo đúng quy định.

Ngã 3 cầu Bính luôn có tình trạng xe chạy tuyến Hải Phòng - Quảng Ninh dừng rất lâu để bắt khách. Trong khi đó tại đây đã có biển cấm dừng, đỗ

Ngã 3 cầu Bính luôn có tình trạng xe chạy tuyến Hải Phòng - Quảng Ninh dừng rất lâu để bắt khách. Trong khi đó tại đây đã có biển cấm dừng, đỗ

“Xe dù bến cóc” hay những chiếc xe hợp đồng trá hình, đặc biệt là xe limousine vẫn ngang nhiên đón trả khách tuỳ tiện mọi nơi, mọi lúc đang là một vấn nạn nhức nhối, là bài toán thách thức các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách chân chính.

Hình thức hoạt động của những chiếc xe hợp đồng trá hình này ngày càng tinh xảo và quy mô hơn. Chúng được trá hình dưới dạng xe du lịch chuyên tuyến, xe đón khách nội đô nên rất khó cho các cơ quan chức năng có thể phát hiện và xử phạt. Bên cạnh đó, vì sự tiện lợi nên nhiều người lựa chọn dịch vụ này. Từ thực tế đó, không chỉ làm náo loạn giao thông mà còn tạo sự cạnh tranh bất bình đẳng trong lĩnh vực vận tải hành khách.

Trước đó, cuối năm 2018 các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách tuyến Hải Phòng – Móng Cái đã có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng Hải Phòng về vấn nạn “xe dù, bến cóc” khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa vì không thể kinh doanh nổi và đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Đại diện cho các nhà xe chia sẻ, họ không kinh doanh nổi, không cạnh tranh được với xe dù, bến cóc và một phần họ buộc phải nghỉ vì các chế tài tại các bến xe như “gọng kìm”. Thậm chí nhiều doanh nghiệp, phải “tự cứu lấy mình”, bằng cách buộc bỏ bến để chạy hợp đồng, chạy dù. Không những thế, nhiều doanh nghiệp phải bán xe, chuyển hướng kinh doanh. Các doanh nghiệp còn lại bắt buộc phải tìm đối tác khác để khai thác, như mang xe đi chở công nhân cho các công ty trong khu công nghiệp.

Chị Trần Thị Thuỷ (có xe trong Công ty Phú Hưng) đã từng thừa nhận, gia đình chị đã phải bán 3 xe 29 chỗ với giá 850 triệu/xe để đầu tư xe 16 chỗ để chạy dù, bỏ luôn bến. Hiện gia đình chị đang có 7 chiếc xe 16 chỗ chạy dù. Nếu không chạy dù thì nhà xe khó có thể tồn tại.

Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều cơ quan vào cuộc để xử lý tình trạng "xe dù, bến cóc', xe hợp đồng nhưng chạy như tuyến cố định nhưng gần như không giải quyết được vấn đề, việc xử lý vẫn mang tính chất "bắt cóc bỏ đĩa". Ông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã không ít lần nhấn mạnh, mỗi chiếc xe khách hiện nay đều bắt buộc phải có thiết bị giám sát hành trình, vậy tại sao khi xe khách đó “chạy dù”, ghé vào “bến cóc” để bắt khách, các cơ quan quản lý Nhà nước không phát hiện ra để xử lý? Bên cạnh đó, một “bến cóc” dù là nhỏ cũng có cả chục xe khách ra vào mỗi ngày, tại sao cơ quan chức năng không phát hiện ra?

Từ đó, để có thể giải quyết dứt điểm vấn nạn này, các chuyên gia đề xuất, song song với công tác tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, cần gắn trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật thích đáng đối với các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng “xe dù, bến cóc” hoạt động trên địa bàn. Làm được như vậy, nếu có tiêu cực sẽ bị đẩy lùi, còn vấn nạn “xe dù, bến cóc” sẽ vào quy củ.

Có thể bạn quan tâm

  • Dẹp “xe dù, bến cóc”: Thiếu cơ chế hay nhà xe “nhờn luật”?

    Dẹp “xe dù, bến cóc”: Thiếu cơ chế hay nhà xe “nhờn luật”?

    05:05, 24/11/2022

  • Ai chịu trách nhiệm trước tình trạng xe dù, bến cóc?

    Ai chịu trách nhiệm trước tình trạng xe dù, bến cóc?

    15:50, 23/11/2022

  • Vì sao xe dù, bến cóc vẫn còn

    Vì sao xe dù, bến cóc vẫn còn "đất sống"?

    14:45, 23/11/2022

  • Dẹp “xe dù, bến cóc”: Cần phân loại lại các hình thức vận tải

    Dẹp “xe dù, bến cóc”: Cần phân loại lại các hình thức vận tải

    03:50, 23/11/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Làm thế nào xử lý nghiêm xe hợp đồng trá hình?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO