Với tinh thần quyết liệt, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ổn định thị trường, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Thời gian qua, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND tỉnh. Nhờ đó, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều vụ việc được phát hiện, xử lý kịp thời, góp phần duy trì trật tự kỷ cương trong hoạt động kinh doanh thương mại.
Xử lý kịp thời
Theo Cục quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thái Nguyên, 6 tháng năm 2024, với sự quyết tâm, đổi mới, sáng tạo, đoàn kết trong chỉ đạo, điều hành cùng tinh thần chủ động, vượt khó, phát huy nội lực, QLTT tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác.
Phát huy vai trò Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Thái Nguyên (Ban chỉ đạo 389 tỉnh), trong 6 tháng đầu năm 2024 Cục QLTT Thái Nguyên đã làm tốt công tác tham mưu giúp UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh ban hành nhiều kế hoạch để triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn. Các Đội QLTT địa bàn với vai trò Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 ở địa phương đã tham mưu UBND cấp huyện, Trưởng BCĐ 389 cấp huyện, thành phố trong công tác chỉ đạo, triển khai chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại địa bàn được giao quản lý. Các lực lượng chức năng đã kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kết quả 6 tháng đầu năm 2024, các lực lượng chức năng tại địa phương đã phát hiện, xử lý 770 vụ vi phạm trong đó xử lý hình sự: 41 vụ, 68 bị can; xử phạt hành chính 729 vụ, 691 đối tượng, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 63 tỷ đồng.
Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, bám sát chỉ đạo của cấp trên, trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục QLTT Thái Nguyên đã thực hiện kiểm tra 482 vụ, trong đó xử lý 379 vụ, thực hiện 02 cuộc thanh tra chuyên ngành. Tổng số tiền thu phạt hành chính, bán hàng hóa tịch thu, khoản thu khác (thu lợi bất hợp pháp) và trị giá hàng hóa vi phạm là hơn 6,5 tỷ đồng. Trong đó tổng số tiền thu nộp NSNN là gần 4 tỷ đồng. Từ đó, góp phần quan trọng kiểm soát thị trường, đấu tranh ngăn ngừa buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng.
Ông Chu Quốc Khánh – Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên cho biết, căn cứ tình hình thực tế, diễn biến của thị trường và bám sát chỉ đạo của cấp trên, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên đã lãnh đạo, chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tiếp tục duy trì việc kiểm tra, kiểm soát đối với các mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm trong thời gian gần đây như: Xăng dầu; lương thực, thực phẩm; động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản; gia súc - gia cầm; nông lâm thủy sản,…
Cục cũng đẩy mạnh giám sát hoạt động kinh doanh các siêu thị và trung tâm thương mại; hoạt động kinh doanh than; mặt hàng vàng, khí N2O, thuốc lá điện tử, rượu, thuốc lá…; tăng cường tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” và công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2024.
Bên cạnh đó, kiên quyết đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm.
Theo ông Chu Quốc Khánh, với quyết tâm đổi mới về cả tư duy, cách làm phù hợp hình hình mới, Cục QLTT đã tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, đề cao tính kỷ luật; triển khai kiểm tra các địa bàn trọng tâm, các mặt hàng trọng điểm. Trong đó, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương để đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức nắm bắt tình hình chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để xây dựng kế hoạch, phương án kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm vi phạm đảm bảo tính răn đe, hiệu quả.
Ông Nguyễn Quyết Thắng, Phó Giám đốc công ty Xăng dầu Bắc Thái cho biết, công ty và Cục QLTT thường xuyên thực hiện Quy chế phối hợp những thông tin kịp thời về tình hình thị trường xăng dầu trên địa bàn tỉnh từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, lành mạnh hóa thị trường xăng dầu và bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Cục QLTT hỗ trợ công ty trong công tác quản lý hệ thống phân phối có hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và bảo vệ thương hiệu đạt hiệu quả. Hai bên đã thường xuyên trao đổi thông tin kịp thời về tình hình giá cả (khi có biến động), xu hướng, hình thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong tỉnh, thông tin về buôn bán, vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, xăng dầu giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc trong kinh doanh xăng dầu, các sản phẩm hóa dầu trên thị trường, cung cấp tình hình, tư liệu giúp cho việc xác minh các vụ việc.
Ông Trần Huy Luân – Chủ tịch HĐQT công ty CP Thương mại và Dịch vụ Minh Cầu (Siêu thị Minh Cầu) cho rằng, thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đảm bảo hoạt động kinh doanh thuận lợi, hiệu quả. Trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được bán tràn lan trên thị trường, Minh Cầu kiên quyết “nói không” với thực trạng này. Theo ông Luân, thời điểm cuối năm luôn là cao điểm trong mua bán hàng hóa. Để đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng, siêu thị luôn cam kết bán hàng đúng giá, đúng chất lượng sản phẩm, có nguồn gốc rõ ràng; cùng với các lực lượng chức năng tuyên truyền tới khách hàng lựa chọn những sản phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để bảo vệ quyền lợi của mình.
Nâng cao hiệu quả công tác
Theo Cục QLTT Thái Nguyên, để nâng cao hiệu quả công tác, kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục trong nhiều năm qua. Cục đã tổ chức thành công 13 Hội nghị tuyên truyền trực tiếp phổ biến giáo dục pháp luật trên nhiều lĩnh vực cho khoảng 909 tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Thông qua hoạt động kiểm tra, quản lý địa bàn đã tiến hành tuyên truyền trực tiếp đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh các quy định pháp luậ; vận động, ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được gần 900 cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Cục thường xuyên, liên tục cập nhập các thông tin hoạt động của lực lượng lên Cổng thông tin điện tử Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên, viết bài đăng trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục QLTT. Cục QLTT và các Đội QLTT trực thuộc đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa kịp thời đưa các thông tin về các hoạt động, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Nhờ đó, chất lượng thực thi nhiệm vụ của lực lượng QLTT đã được nâng cao rõ rệt.
Thời gian tới, để hoàn thành nhiệm vụ được giao và các mục tiêu đề ra, Cục QLTT tỉnh tiếp tục bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, UBND tỉnh,.., chủ động tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, bám sát tình hình thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm xảy ra góp phần ổn định thị trường, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, văn minh.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của công chức, nhất là thực hiện nghiêm túc bản cam kết đối với trách nhiệm người đứng đầu, của công chức và người lao động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, để đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên địa bàn tỉnh, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... qua mạng xã hội và các nền tảng số.
Kết hợp công tác kiểm tra, xử lý vi phạm với việc vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; thực hiện việc ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng; kiểm tra đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.