Kinh tế địa phương

Thái Nguyên: “Cầu nối” chính quyền - doanh nghiệp

Vũ Phương - Kim Dung ghi 10/10/2024 18:08

Tỉnh Thái Nguyên với tinh thần cầu thị, luôn lắng nghe tâm tư, kiến nghị của doanh nghiệp và doanh nhân để sẵn sàng tháo gỡ khó khăn.

Đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên khẳng định: lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên với tinh thần cầu thị, luôn lắng nghe tâm tư, kiến nghị của doanh nghiệp để sẵn sàng tháo gỡ khó khăn, tiếp thêm nguồn lực cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; cống hiến cho tỉnh ngày càng nhiều hơn.

Tỉnh quan tâm hơn xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại

Hội DN TP Thái Nguyên
Ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP Thái Nguyên:

Thời gian qua, TP Thái Nguyên đã tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhất là sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, giảm sự phiền hà cho doanh nghiệp, người dân.

Chúng tôi mong muốn lãnh đạo tỉnh, TP Thái Nguyên tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tốt nhất, đặc biệt về công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, tổ chức nhiều hội thảo, hội chợ cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, giao lưu hàng hóa, sử dụng sản phẩm của nhau. Bên cạnh đó quan tâm đến công tác quy hoạch các khu, cụm công nghiệp; GPMB để thực hiện các dự án đảm bảo tiến độ đề ra; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, PCCC...

Gỡ khó cho nguồn vật liệu san lấp, phòng cháy chữa cháy

Hội Dn Phổ Yên
Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP Phổ Yên:

Các dự án đầu tư công và đầu tư tư trên địa bàn TP Phổ Yên và tỉnh Thái Nguyên hiện nay khá nhiều. Tuy nhiên, tình trạng thiếu vật liệu san lấp vẫn còn tồn tại. Nguyên nhân bởi theo quy định của pháp luật về khoáng sản, đất san lấp là khoáng sản làm VLXD thông thường, thẩm quyền cấp phép hoạt động khoáng sản thuộc UBND cấp tỉnh nhưng thủ tục cấp phép “cào bằng” giống như mỏ khoáng sản khác, gây mất nhiều thời gian cấp phép. Khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ gỡ được những khó khăn, vướng mắc này.

Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Bộ Công an, các Bộ, ngành khác nghiên cứu, xem xét điều chỉnh một số quy định về thẩm duyệt PCCC cho các doanh nghiệp đã xây dựng từ lâu, có nhà xưởng sản xuất các vật liệu đặc thù khó cháy (gang, thép),…

Đánh giá DDCI khách quan, công tâm

Hội DN Sông Công
Ông Vũ Quang Thái, Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nghiệp TP Sông Công:

Việc đánh giá đúng DDCI sẽ góp phần nhận diện rõ những “nút thắt” trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế tại các sở, ngành, địa phương, từ đó có giải pháp tháo gỡ, khắc phục kịp thời tạo ra hệ sinh thái thuận lợi để doanh nghiệp phát triển và thu hút đầu tư.

Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị lãnh đạo sở, ngành, địa phương cần nhận thức rõ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là trách nhiệm, nghĩa vụ của mình; tự rà soát, khắc phục những hạn chế, tồn tại ảnh hưởng tới chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Đồng thời, lãnh đạo các doanh nghiệp phải là người trực tiếp đánh giá, chấm điểm qua phiếu khảo sát; khi đánh giá phải khách quan, công tâm để thiện chí góp ý với bộ máy chính quyền, không phải làm qua loa, cho xong.

Quan tâm tới doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ

Hội DN Phú Bình
Ông Dương Viết Trọng, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Phú Bình:

Các doanh nghiệp trong huyện Phú Bình đa số là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nên việc tiếp cận vốn, chính sách, thị trường gặp khó khăn. Doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi, tiếp tục giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Đồng thời, các cơ quan QLNN cần quan tâm, tổ chức các lớp tập huấn về chính sách thuế mới, chính sách pháp luật khác để doanh nghiệp nắm bắt, đảm bảo hoạt động đúng quy định pháp luật. Thủ tục hành chính về cấp phép khai thác mỏ đất cần giảm bớt về giấy tờ, thời gian phê duyệt để đảm bảo nguồn cung đất đắp cho các dự án.

Giá thuê mặt bằng tại các cụm công nghiệp vẫn khá cao, diện tích lớn nên các doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư cho Phú Lương

Hội DN Phú Lương
Ông Trần Quốc Trị, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Phú Lương:

Những năm qua, chính quyền huyện Phú Lương đã tích cực đổi mới tư duy quản lý, điều hành, quan tâm nhiều hơn với doanh nghiệp thông qua đối thoại trực tiếp, gặp mặt doanh nhân, doanh nghiệp. Thông qua đánh giá DDCI hàng năm, doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực này của Lãnh đạo huyện.

Huyện Phú Lương còn nhiều dư địa để phát triển, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên quan tâm, thu hút nhiều hơn các dự án về cho huyện để đẩy mạnh phát triển kinh tế huyện. Từ đó, các doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn huyện có điều kiện tiếp cận, mở rộng hợp tác kinh doanh.

Doanh nghiệp kiến nghị được tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp hơn hiện nay; thủ tục hành chính cần được giảm bớt trong một số lĩnh vực.

Cần chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ

Hội DN Đại Từ
Ông Nguyễn Thế Đại, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Đại Từ:

Hiện nay các chính sách hỗ trợ dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành và hướng dẫn tại rất nhiều văn bản, nên việc tiếp cận hỗ trợ tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí cho các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ của địa phương còn hạn chế. Doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận các chính sách hỗ trợ thực chất, hiệu quả hơn.

Tạo mặt bằng cho doanh nghiệp phát triển

Hội DN Định Hóa
Ông trương đăng Thi, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Định Hóa:

Doanh nghiệp tại huyện là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên rất cần sự quan tâm, tháo gỡ, đồng hành của chính quyền, trong sự phát triển sản xuất kinh doanh.

Đại diện cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp huyện Định Hóa, tôi mong muốn, kiến nghị huyện quan tâm tới các doanh nghiệp, HTX, có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch, chăn nuôi; lĩnh vực chế biến lâm sản, vật liệu xây; mặt bằng sản xuất, thiếu đất san lấp mặt bằng; đề nghị hỗ trợ nâng cấp hệ thống máy móc sản xuất cho HTX để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Đẩy mạnh đầu tư công

Hội DN Võ Nhai
Ông Dương Văn Tám, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Võ Nhai:

Doanh nghiệp trên địa bàn huyện Võ Nhai còn ít và chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ nên hoạt động còn hạn chế. Hội Doanh nghiệp mong muốn huyện ủy, HĐND, UBND huyện Võ Nhai quan tâm hơn nữa tới các chính sách việc làm, phát triển doanh nghiệp huyện lớn mạnh mạnh hơn.

Đặc biệt trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay, nhà nước cần có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đẩy mạnh đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư; quan tâm phát triển thương hiệu các sản phẩm của doanh nghiệp trong huyện.

Đồng thời, lãnh đạo huyện cần tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển.

Khai thác tối đa tiềm năng du lịch

Hiệp hội Du lịch
Ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên:

Thái Nguyên được đánh giá có nhiều dư địa phát triển du lịch nhờ các cảnh quan thiên nhiên đẹp nhưng chưa được khai thác hết. Bên cạnh đó, năng lực hoat động của doanh nghiệp ngành du lịch Thái Nguyên còn hạn chế, việc đầu tư còn nhỏ lẻ, chưa có khách sạn từ 4 sao trở lên phục vụ khách lưu trú.

Các chính sách phát triển công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên nhiều năm qua mang lại cơ hội lớn cho hoạt động du lịch. Do đó, để đẩy mạnh hoạt động này, các doanh nghiệp du lịch cần liên kết với nhau, kết nối các tour, tuyến để đẩy mạnh thương hiệu du lịch Thái Nguyên. Đồng thời, Nhà nước cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh tới bạn bè quốc tế, từ đó trợ lực cho các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh hoạt động tốt hơn.

Cơ chế đặc thù cho nữ doanh nhân làm kinh tế

Hội Nữ doanh nhân
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh – Phó Chủ tịch thứ nhất Hội Nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên:

Hội Nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên đã làm tốt vai trò cầu nối giữa chính quyền và doanh nghiệp, nhằm phản ánh kịp thời những khó khăn vướng mắc của hội viên. Đến nay, Hội có 350 hội viên, Hội đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, các sự kiện kích cầu tiêu dùng tổ chức trong nước và quốc tế. Hội luôn đề cao tinh thần thiện nguyện trong các hoạt động, lấy hoạt động nhân đạo làm thước đo lòng nhân ái của doanh nhân.

Tỉnh Thái Nguyên thế mạnh là cây chè, nên chúng tôi mong muốn giữ vững thương hiệu và phát triển chè. Mong muốn lãnh đạo tỉnh quan tâm hơn nữa, có cơ chế đặc thù cho nữ doanh nhân làm kinh tế; hỗ trợ tiếp cận vốn dễ dàng. Tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi, nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên.

Hỗ trợ doanh nhân cựu chiến binh phát triển

Hội DN Cựu chiến binh
Ông Nguyễn Đức Cổn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Thái Nguyên:

Thời gian qua, cộng đồng doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng lớn mạnh, vươn lên phát triển kinh tế nhờ những nỗ lực và hướng đi đúng đắn trong kinh doanh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên thông qua đối thoại doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nhân cựu chiến binh kiến nghị các cấp chính quyền tỉnh thời gian tới có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về giảm thuế, giãn nợ thuế, giảm tiền thuê đất, tiếp cận tín dụng.
Đồng thời, tỉnh cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt về lĩnh vực đầu tư do quy trình thực hiện các thủ tục này còn rườm rà, thời gian kéo dài. Doanh nghiệp mong muốn các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ nhanh chóng đi vào cuộc sống một cách thực chất, hiệu quả.

Cần “đặt tên” cho xe ghép

Hiệp hội vận tải ô tô
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh Thái Nguyên:

Thời gian qua, hạ tầng giao thông của tỉnh Thái Nguyên có nhiều phát triển mạnh mẽ, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Do đó, hoạt động vận tải trên địa bàn sôi động hơn, có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực vận tải hành khách.

Tuy nhiên, xe ghép là loại hình mới xuất hiện. Mặc dù xuất phát từ nhu cầu có thật, đáp ứng mong mỏi và tâm lý của hành khách, nhưng mang đến không ít mặt trái và không đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Do đó, các cơ quan nhà nước phải sớm có giải pháp quản lý thông qua các quy định của pháp luật cùng những cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp. Đặc biệt, cần “đặt tên” cụ thể cho loại hình xe này để đảm bảo trật tự, kỷ cương và nghiêm minh của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thái Nguyên: “Cầu nối” chính quyền - doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO