Chuỗi cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam mở ra như "nấm sau mưa” cho thấy sức hấp dẫn kì diệu của “mảnh đất chật” này.
Trên thực tế cho thấy, trong vòng 5 năm trở lại đây, lượng cửa hàng tiện lợi phát triển “chóng mặt”. Theo số liệu Sở Công Thương TP HCM, nếu cuối năm 2014, TP HCM chỉ có 326 cửa hàng thì đến cuối tháng 3 năm nay đạt 1.144 cửa hàng, tăng 3,5 lần. Còn tính chung cả nước có khoảng 1.600 cửa hàng. Dự kiến các chuỗi cửa hàng tiện lợi sẽ bùng nổ mạnh mẽ trên thị trường trong những quý còn lại của năm 2018 vì có sự xuất hiện của các tay chơi mới đầy tham vọng.
Nội ngoại đua tranh
Khoảng 3 năm trở lại đây, mô hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini… phát triển rầm rộ tại Việt Nam với các chuỗi cửa hàng: Vinmart +, Circle K, B’smart, Minishop, Family Mart, Co.op Food, Satra Food, Co.op Smile,…. Tất cả những thương hiệu này hiện diện dày đặc ở các tuyến đường, khu dân cư và đang trải dài ra các địa bàn khác.
Sự gia tăng nhanh chóng về quy mô của mô hình này cho thấy sự hấp dẫn rất lớn từ thị trường bán lẻ của Việt Nam.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, thị trường bán lẻ hàng hóa trong nước năm 2017 ước đạt 2.937.300 tỉ đồng (khoảng 129,56 tỉ đô la Mỹ), tăng 10,9% so với năm 2016. Năm 2017, Việt Nam cũng đã tăng 5 bậc lên vị trí thứ 6 trong Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI).
Còn theo Đơn vị khảo sát thị trường IGD dự đoán các chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam sẽ phát triển ở mức 2 con số trong 4 năm tới trước khi đạt đến mức 37,4% mỗi năm vào năm 2021.
Trong “cuộc chiến” giành thị phần bán lẻ, các cửa hàng tiện lợi của doanh nghiệp Việt có lợi thế khi chi phí đầu tư thấp, dễ tìm mặt bằng, dễ kiểm soát hàng hóa và chất lượng hơn so với siêu thị. Đặc biệt, xu hướng người tiêu dùng đang dần dịch chuyển sang mua sắm ở cửa hàng tiện lợi, hiện đại nhiều hơn là những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư mạnh tay rót vốn.
Trong khi đó, các doanh nghiệp ngoại cũng không thể “kìm lòng” trước một thị trường béo bở như Việt Nam nên đã ra sức đầu tư vào mảng kinh doanh này. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, dù được đầu tư mạnh và bài bản nhưng đã có không ít thương hiệu sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn “ngã ngựa” hoặc làm ăn cầm chừng tại Việt Nam. Điển hình nhất là FamilyMart, mặc dù đã cố gắng tái cơ cấu và tạo liên doanh với doanh nghiệp nội để lấy đà và mở rộng, tuy nhiên, do kết quả kinh doanh không cao, sau 4 năm có mặt tại Việt Nam, liên doanh này tan vỡ và chuỗi cửa hàng tiện lợi B’s Mart của Thái Lan đã mua lại toàn bộ số cửa hàng FamilyMart tại Việt Nam.
Mới đây, Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết đã đóng cửa gần 60 cửa hàng trong 100 chuỗi cửa hàng tiện lợi mà đơn vị này có.
Theo ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc công ty, nguyên nhân chủ yếu là do các cửa hàng này hoạt động không hiệu quả, lượng khách đến mua không nhiều. Mặt khác, mặt bằng để kinh doanh chủ yếu đi thuê, đến thời hạn tái ký thuê, chủ nhà không đồng ý hoặc tăng giá cao nên công ty buộc phải ngưng và rời bỏ.
Lãnh đạo doanh nghiệp này cũng cho biết, hiện nay thị trường cạnh tranh rất khốc liệt nên nếu kinh doanh không hiệu quả thì đóng cửa để tìm hướng đi mới tốt hơn là duy trì.
Bài toán của doanh nghiệp nội
Nhìn toàn cảnh, hệ thống cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam đang đua nhau mọc lên. Mặc dù rất hiếm hệ thống báo cáo có lãi, nhưng cuộc chiến mở rộng vẫn chưa có điểm dừng. Bởi câu chuyện kinh doanh cửa hàng tiện lợi không đơn giản chỉ là việc bán hàng hay quản lý chi phí để tìm kiếm lợi nhuận, mà là việc mở rộng chuỗi để đạt được một mật độ phủ sóng nhất định, thì khi đó mới có thể sinh lãi. Và thời gian đầu là thời gian dùng vốn để triệt hạ nhau từ các thương hiệu. Theo các nhà đầu tư tính toán thì 5 năm đầu là thời gian chịu lỗ nặng nhất của doanh nghiệp của ngành kinh doanh cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, đây là xu thế của thị trường, nếu đơn vị nào trụ vững thì sẽ đạt được nhiều "trái ngọt", còn không sẽ phải nhường sân cho đối thủ mạnh hơn.
“Nếu nắm tốt xu hướng này, làm chủ được "sân chơi", nhà bán lẻ sẽ có lợi thế trong đàm phán về giá với nhà sản xuất, đàm phán nợ và cả việc đàm phán mức hoa hồng mà họ muốn.” Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - Nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho biết.
Cũng theo ông Phú, hiện nay "mảnh đất" bán lẻ vẫn còn rộng mở, bởi, nhóm hiện đại mới chỉ chiếm 25% thị phần. Xu hướng tiêu dùng nhanh, tiện lợi ngày càng được người tiêu dùng đón nhận, nhu cầu về thực phẩm sạch, hàng hóa có truy suất nguồn gốc ngày càng cao cùng với vị trí thuận lợi, bám sát địa bàn dân cư đã giúp cửa hàng tiện lợi “trăm hoa đua nở”. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có một văn bản pháp quy riêng cho cửa hàng tiện lợi nên mô hình này chưa phát triển theo quy hoạch, tiêu chuẩn chất lượng phục vụ, chất lượng hàng hóa, điều kiện kinh doanh, quy mô kinh doanh còn manh mún, thương hiệu chưa rõ nét,…
Mặt khác, trong tương quan với doanh nghiệp ngoại với sức mạnh về vốn, kinh nghiệm quản lý, đào tạo nhân sự, nhận diện thương hiệu, áp dụng công nghệ hiện đại vào quản trị thì doanh nghiệp Việt năng lực cạnh tranh còn kém. Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt cần có tổ chức kỹ thuật thương mại, nhận diện thương hiệu, chất lượng nguồn hàng, giá cả, chất lượng phục vụ, văn hóa kinh doanh, công khai minh bạch về thuế với nhà nước mới có thể cạnh tranh được trên thương trường.
Về những khó khăn khi phát triển cửa hàng tiện lợi, theo ông Phú, doanh nghiệp Việt gặp khó khăn về vốn, tổ chức kỹ thuật thương mại, nhân lực, nguồn hàng, dân trí tiêu dùng, chi phí logistics, liên kết, chiết khấu, văn hóa trong giao dịch ứng xử, kiểm soát nguồn gốc hàng hóa.
“Tuy nhiên, theo tôi, điều quan trọng nhất khi phát triển mô hình này là vấn đề con người. Con người chiếm 70% sự sống còn của cửa hàng tiện lợi còn chất lượng hàng hóa, thiết bị chỉ chiếm 30%. Trong một tập thể nhân viên của cửa hàng tiện lợi chuyên nghiệp, đoàn kết, trách nhiệm với nhau và trách nhiệm phục vụ khách hàng đến cùng thì chắc chắn mô hình này sẽ thành công giống như chiến thắng của U23 Việt Nam vừa qua vậy”, ông Phú khẳng định.