Tổng thống Nga Putin vừa ký 4 đạo luật về việc phê chuẩn các hiệp ước về việc kết nạp các Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk, vùng Zaporozhye, Kherson vào Nga.
>>>>Những toan tính của Nga khi sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine
Như vậy, trên chiến trường Nga đang rút lui trước sự phản công của quân đội Ukraine. Nhưng trên mặt trận pháp lý Nga đang nhanh chóng tiến hành hợp thức hóa kết quả cuộc trưng cầu dân ý do Nga đạo diễn để “danh chính ngôn thuận” mở rộng lãnh thổ, thu nhận dân cư, tài nguyên… Sau đó Nga sẽ trình lên Liên Hiệp Quốc, bất chấp việc có được chấp thuận, công nhận kết quả hay không, Nga vẫn thực hiện các điều luật của mình.
Theo luật, cư dân của các vùng lãnh thổ mới được nhập vào Nga ngày 30/09/2022 được công nhận là công dân Nga. Ai muốn từ bỏ quốc tịch Nga được cho một tháng để nộp đơn. Các vùng vẫn giữ nguyên trạng tên gọi cũ, ranh giới được xác định tồn tại vào ngày mà họ hình thành và được chấp nhận vào Liên Bang Nga.
Sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp với các mốc thời gian cụ thể, ví dụ đến ngày 01/01/2026 công dân được cung cấp các đảm bảo thực hiện các hoạt động lao động, xác nhận hộ tịch, lương hưu, phúc lợi… Từ ngày 01/01/2023 đơn vị tiền tệ sẽ sử dụng đồng Rúp của Nga. Quyền đăng ký sở hữu bất động sản được gia hạn đến ngày 01/01/2028.
Đây là hành động lịch sử của Tổng thống Nga - Putin. Việc làm này đúng hay sai xin để lịch sử phán xét, nhưng việc mở rộng chứng minh vị thế nước Nga thì từ ngày Liên Xô cùng khối xã hội chủ nghĩa sụp đổ đến nay chỉ có Putin làm được.
Dù có người phản đối, phản chiến, không ít thanh niên Nga tháo chạy khỏi đất nước để trốn tránh lệnh tổng động viên. Nhưng sự thật là Nga đã triệu tập được hơn hai trăm ngàn binh sĩ, đang cấp tốc huấn luyện để sử dụng trên chiến trường.
Chính xác là Nga chưa sử dụng hết sức mạnh quân sự của mình trên chiến trường Ukraine. Tính đến thời điểm này, Nga vẫn đang làm theo cách của chiến dịch quân sự đặc biệt chứ không dùng mọi sức mạnh, thủ đoạn như chiến tranh vệ quốc (chưa sử dụng máy bay ném bom chiến lược với các loại bom có sức công phá khủng khiếp).
Chính cách hành xử này làm Nga thiệt hại không nhỏ về vũ khí, khí tài quân sự cũng như về nhân mạng binh sĩ. Quân đội Ukraine nhờ sự hậu thuẫn của Mỹ - NATO có thông tin tình báo quý giá, vũ khí hết sức tinh vi hiện đại, quân sĩ được Mỹ - NATO đào tạo huấn luyện bài bản, gây cho quân đội Nga nhiều thiệt hại.
>>Chiếm Lyman, Ukraine sẽ phản công Lugansk
>>Chiến sự Nga- Ukraine: Nga khó xoay chuyển cục diện
>>"Cánh cửa" gia nhập NATO rộng mở hơn với Ukraine
Thực tế họ phản công chiếm lại được không ít lãnh thổ, trong đó có cả khu vực quan trọng như Bắc Kharkov, Izyum, Liman. Hệ thống phòng không hoạt động có hiệu quả bắn rơi không ít máy bay, trực thăng của Nga. Sau loạt đánh phá vào các kho đạn pháo và hậu cần của Nga, tần suất hoạt động của pháo binh hai bên gần như vào mức cân bằng.
Nhưng như thế là chưa đủ, chưa có trận đánh nào quân đội Ukraine tiêu diệt được lượng lớn quân chủ lực của Nga, do quân Nga chủ động rút lui tránh tổn thất khi phải trải lực lượng mỏng trên chiến trường kéo dài. Nga chờ đợi mùa đông, chờ đợi sự bất ổn từ châu Âu khi cuộc khủng hoảng năng lượng đã hiện rõ hình hài.
Biểu tình nổ ra nhiều nơi khắp châu Âu do giá khí đốt, điện, lương thực, thực phẩm lạm phát, thất nghiệp… Người Đức như bừng tỉnh sau vụ đường ống khí đốt ngầm Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 qua biển Ban tích bị phá hoại. Chưa có kết luận điều tra nhưng thủ phạm thì “còn ai trồng khoai đất này”, khi ai cũng có thể nhận ra mục đích phi công nghiệp hóa châu Âu, dừng sử dụng khí đốt giá rẻ chuyển sang dùng LNG của Mỹ thì ai là người hưởng lợi?
Châu Âu bừng tỉnh và nhận ra đối với Mỹ không có ngoại giao mà là sự ép buộc, đồng minh chỉ là tên gọi lúc thân mật, còn thực tế phải chịu như thân phận của chư hầu, thuộc địa... nếu đi ngược lại quyền lợi của Mỹ.
Mỹ có quyền áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với gần 40 quốc gia, ngay cả với Anh quốc, địa chỉ mà được coi như đồng minh thân cận Mỹ cũng ép Anh phải loại bỏ không sử dụng thiết bị 5 G của Huawei – Trung Quốc, khiến Anh thiệt hại hàng tỷ bảng. Cuộc chiến Nga - Ukraine bùng nổ, Mỹ ngay lập tức trừng phạt tài chính nhằm làm tê liệt nền kinh tế Nga; cung cấp vũ khí, hỗ trợ thông tin tình báo, huấn luyện quân đội mục đích khiến Nga kiệt quệ, sụp đổ.
Nước Mỹ cực giàu có về kinh tế, hùng mạnh về quân sự, đồng USD như tờ tiền chung của thế giới. Để đảm bảo duy trì vị trí bá chủ của mình, Mỹ không từ thủ đoạn nào, sẵn sàng hy sinh lợi ích của quốc gia khác như khi coi “dòng chảy phương Bắc” là mối đe dọa của mình. Lo ngại cả khi Nga và Đức hợp tác thành công thì cũng thành mối đe dọa với nước Mỹ.
Châu Âu đã nhận ra, Quốc hội Đức vừa ra quyết định ngừng giao vũ khí cho Ukraine. EU và Mỹ vẫn từ chối Ukraine gia nhập NATO. Chỉ một thông tin tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa “Báo thù ngày tận thế” của Nga rời cảng đã làm Mỹ và Châu Âu hoảng sợ lập tức có hành động và tuyên bố tránh đối đầu trực tiếp với Nga. Châu Âu thức tỉnh nhưng khi tỉnh ra họ sẽ làm gì? Đó là mới là vấn đề.
Có thể bạn quan tâm
14:33, 05/10/2022
04:30, 05/10/2022
00:00, 05/10/2022
04:00, 04/10/2022
14:46, 03/10/2022
11:25, 03/10/2022
04:30, 03/10/2022
05:39, 02/10/2022
04:30, 01/10/2022
04:00, 01/10/2022