Cuộc “đại di dời” trụ sở các bộ ngành

MAI AN 15/03/2021 15:00

Các nguồn thông tin gần đây cho thấy sẽ có một cuộc dịch chuyển khổng lồ của các bộ ngành tại Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, cần sự giám sát và chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã ban hành quyết định số 205/QĐ-BXD về việc “Nhiệm vụ thiết kế thi tuyển Ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể Khu trụ sở làm việc các bộ, ngành Trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây, Hà Nội”.

Dự báo sẽ có cuộc đại di dời trụ sở các bộ, ngành về khu vực Tây Hồ Tây, Hà Nội.

Sẽ có cuộc “đại di dời”

Theo quyết định trên, khu đất xây dựng cách Trung tâm Chính trị Ba Đình 4,5km và cách Sân bay quốc tế Nội Bài gần 20km; có diện tích khoảng 35ha thuộc các lô đất có ký hiệu D2, D3 và E trong Quy hoạch chi tiết Khu vực trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây. Cụ thể, phía Đông giáp đường Võ Chí Công, giữa khu đất là đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài.

Khu đất là nơi đặt trụ sở làm việc của các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực: Kinh tế tổng hợp, Kinh tế ngành, Khoa giáo - Văn xã, Nội chính và một số cơ quan Trung ương khác với đầy đủ cơ cấu tổ chức, bộ phận chức năng. Dự kiến có 12 đơn vị Bộ, ngành được bố trí tại đây.

Có thể thấy, với các nhiệm vụ trên, sẽ có một cuộc "đại di cư" của các bộ ngành trong thời gian tới.

Nhiều bộ, ngành vẫn chưa di dời khỏi trụ sở cũ, hoặc di dời nhưng không trả địa điểm cũ

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, chủ trương di dời trụ sở các Bộ, ngành, cơ quan T.Ư ra khỏi nội đô Hà Nội được thông qua tại Nghị quyết số 16/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Đến tháng 1/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Thế nhưng chủ trương này vẫn trì trệ suốt nhiều năm qua bởi nhiều cơ quan lấy lý do là chưa rõ ràng về cơ chế xử lý đối với phần đất trụ sở cũ, cơ quan sở hữu trước đó có quyền bán đi để lấy quỹ xây dựng trụ sở mới hay không nên đã xảy ra tình trạng trì trệ, chậm bàn giao.

Thực tế là đến nay đã có 9 bộ, ngành, cơ quan T.Ư hoàn thành việc đầu tư xây dựng và chuyển về làm việc tại trụ sở mới song chỉ có Bộ Nội vụ đã bàn giao lại trụ sở cũ cho cơ quan có thẩm quyền quản lý. Vẫn còn một số cơ quan tiếp tục sử dụng trụ sở cũ, chưa thực hiện việc bàn giao cho TP Hà Nội khai thác, sử dụng.

Trong khi đó như trường hợp của Bộ Công thương đã từng có văn bản đề nghị tiếp tục được sử dụng các trụ sở hiện có đến năm 2030, không di chuyển trụ sở làm việc đến khu Tây Hồ Tây. Tuy nhiên, trong trường hợp chủ trương chung của Chính phủ “bắt buộc phải di chuyển” trụ sở làm việc của hệ thống bộ máy hành chính về địa điểm mới quy hoạch tại khu Tây Hồ Tây, Bộ Công Thương muốn được quy hoạch theo phương án phân lô đất. Theo đó, Chính phủ giao các bộ, ngành chủ động xây dựng trụ sở của bộ ngành trên lô đất được phân chia theo quy hoạch được duyệt.

Ì ạch vì “đất vàng"

Chia sẻ trước đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, quy hoạch di dời trụ sở các bộ ngành đã có nhưng về nguồn lực thực hiện phải cân đối vì ngân sách không để dành làm việc này được. Vì vậy, Chính phủ chủ trương xã hội hóa nhưng ở mức độ nào cho hợp lý và việc chuyển quyền sử dụng đất phải tính toán phù hợp.

Theo các chuyên gia, phương án xử lý đất hậu di dời là mấu chốt của vấn đề di dời được hay không. KTS Trần Huy Ánh – Hội KTS Việt Nam cho biết, sau khi di dời, mục đích sử dụng theo quy hoạch, nhiều phần đất của các trụ sở bộ ngành sau khi di dời cũng nhanh chóng biến thành chung cư, nhà ở.

 Đơn cử như trụ sở của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ở 42 Lý Thường Kiệt đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chuyển đổi chức năng (xây dựng công trình thương mại, văn phòng cao 21 tầng). Trụ sở cũ của Thanh tra Chính phủ tại 220 Đội Cấn, Ba Đình cũng đang được triển khai lập dự án nhà ở.

Sau thời gian giữ đất, dù đã có trụ sở mới hơn 4.000 tỷ đồng ở mặt đường Lê Quang Đạo (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhưng mới đây, Bộ Ngoại giao đã đề nghị cho phép Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn được kêu gọi đối tác bên ngoài đầu tư xây dựng lại cơ sở nhà, đất cũ tại số 2, ngõ 294 Kim Mã (quận Ba Đình, Hà Nội) thành Tổ hợp căn hộ, văn phòng cho thuê và khách sạn 5 sao phục vụ hoạt động đối ngoại.

Theo hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, PGS.TS Lê Quân, rất nhiều trụ sở làm việc của các bộ, ngành T.Ư đang hiện diện trên những công trình có kiến trúc Pháp cổ giữa trung tâm Hà Nội. Những công trình này được xác định có giá trị lịch sử to lớn đối với văn hóa của Thủ đô. Sau khi di chuyển, các địa điểm này có thể đấu giá một phần hoặc từng phần để khai thác thương mại và kết hợp với bảo tồn di sản kiến trúc.

Mặt khác, cần sử dụng đúng mục đích, chủ trương mở rộng không gian công cộng của thành phố, tránh để việc sử dụng đất vàng hậu di dời trụ sở đang giống câu chuyện “dời một người đi lại đón 10 người về”, nội đô vỡ trận vì “bê tông”.

Có thể bạn quan tâm

  • Rắc rối, tiêu cực khi di dời trụ sở 13 bộ, ngành ra khỏi nội đô?

    Rắc rối, tiêu cực khi di dời trụ sở 13 bộ, ngành ra khỏi nội đô?

    10:32, 04/06/2019

  • Cương quyết di dời trụ sở các bộ, ngành

    Cương quyết di dời trụ sở các bộ, ngành

    05:00, 02/06/2019

  • Ba phương án nghìn tỷ di dời trụ sở Bộ, ngành chưa được đánh giá tác động

    Ba phương án nghìn tỷ di dời trụ sở Bộ, ngành chưa được đánh giá tác động

    17:37, 27/03/2019

  • Chống thất thoát khi di dời trụ sở Bộ

    Chống thất thoát khi di dời trụ sở Bộ

    01:04, 24/01/2018

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cuộc “đại di dời” trụ sở các bộ ngành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO