Hiện có một số cơ quan Nhà nước dù đã chuyển hoặc có trụ sở mới nhưng lại không muốn bàn giao trụ sở cũ cho Nhà nước mà thay vào đó để cho thuê với mục đích trục lợi riêng.
Đó là nhận định của ĐB Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về vấn đề di dời trụ sở các bộ, ngành trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Được biết Bộ Xây dựng đã đưa ra 3 phương án di dời với nhiều mức kinh phí khác nhau. Tuy nhiên, mức độ di dời của các bộ ngành đang rất chậm. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Đối với chủ trương di dời một số bộ ngành của Trung ương, các bộ, ngành của Nhà nước ra ngoài ngoại thành của Thủ đô Hà Nội là một chủ trương hết sức quan trọng, đáp ứng mong mỏi của cử tri và người dân cả nước, giúp làm giảm ách tắc giao thông trong nội thành và giảm tỷ lệ tăng dân số cơ học ở nội thành, bởi hiện nay tình hình giao thông tại nội thành của TP Hà Nội đã và đang gây ra hệ quả không tốt cho đời sống và sinh hoạt của người dân Thủ đô.
Tôi rất đồng tình ủng hộ cho cho việc di dời, tuy nhiên trong thời gian qua việc triển khai vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. Việc triển khai cần thông qua, mà quy hoạch phải được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, cũng như sự đồng ý của người dân trong vùng dự án đó. Bên cạnh đó, việc giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa hiện nay cũng đang là vấn đề còn tồn tại nhiều rào cản.
Đối với việc di dời trụ sở các bộ, ngành, một số bộ ngành đã thực hiện di dời, tuy nhiên mức độ di dời còn chậm. Tôi cho rằng Chính phủ cần có chỉ đạo quyết liệt để các cơ sở của một số bộ ngành đã được xây dựng và hình thành rồi thì cần thực hiện di dời sớm để đáp ứng theo chỉ đạo của Chính phủ.
Chính phủ cần có chỉ đạo quyết liệt để các cơ sở của một số bộ ngành đã được xây dựng và hình thành rồi thì cần thực hiện di dời sớm để đáp ứng theo chỉ đạo của Chính phủ.
- Ngoài ra, có tình trạng nhiều DN sử dụng đất nội đô theo quy hoạch được di dời ra ngoại thành cũng vẫn chưa được thực hiện triệt để. Nhiều DN đã nhận trụ sở mới mà không chịu di dời. Theo ông, phương án xử lý với các đơn vị như trên?
Tôi cho rằng đây cũng là một vấn đề mà Chính phủ cần có sự cương quyết trong chỉ đạo. Đối với những doanh nghiệp, hoặc các cơ quan Nhà nước đã có trụ sở mới ở ngoài nội đô mà không chịu di dời thì Chính phủ nên chỉ đạo quyết liệt, thậm chí thu hồi nếu vẫn tiếp tục chây ì.
Tôi cũng mới có phát biểu, hiện có một số cơ quan Nhà nước dù đã chuyển hoặc có trụ sở mới nhưng lại không muốn bàn giao trụ sở cũ cho Nhà nước mà thay vào đó để cho thuê với mục đích trục lợi riêng. Tôi cho rằng đây là việc sử dụng tài sản công không hợp pháp, nên Nhà nước cũng cần cương quyết xử lý, thu hồi hoặc xử phạt hành chính đối với các trường hợp trên.
- Theo quan điểm của một số ĐBQH , do mật độ dân số trong nội đô quá lớn, nên tại các trụ sở cũ của bộ, ngành sau khi được di dời nên dành cho các công trình dịch vụ công cộng, như vườn hoa, khu vui chơi,… Xin ông cho biết ý kiến của mình về việc này?
Tôi rất đồng tình ủng hộ một số ĐBQH đã có những góp ý về việc quản lý, sử dụng đất đai ở đô thị tại các phiên thảo luận trước.
Theo tôi, đối với các trụ sở bộ, ngành sau khi được di dời, trụ sở cũ đó nên giao cho UBND TP Hà Nội trực tiếp quản lý, xung vào quỹ tài sản công và sử dụng vào mục đích bán đấu giá để bổ sung cho ngân sách Nhà nước đầu tư cho hạ tầng của Hà Nội và đảm bảo an sinh xã hội của Thành phố.
Tại địa điểm các trụ sở cũ của nhiều bộ, ngành hiện nay được đánh giá là “khu đất vàng” với giá trị rất cao, nên theo tôi để sử dụng hiệu quả các trụ sở cũ này chúng ta cần giao cho TP Hà Nội trực tiếp quản lý, có các phương án đấu giá, sử dụng dành cho mục đích công với hiệu quả cao nhất.
Cụ thể, chúng ta nên dành quỹ đất đó để xây dựng các công trình dịch vụ công đáp ứng cho nhu cầu người dân, không dành cho việc xây các tòa cao ốc, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước – doanh nghiệp và người dân.
Trước đó, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo TP Hà Nội về việc quy hoạch lại nội đô của thành phố, đó là giảm đến mức tối đa việc xây dựng các tòa nhà cao tầng trong nội đô.
Nếu thực hiện được, Hà Nội sẽ có một nguồn quỹ rất lớn để phát triển, tạo đà cho sự tăng trưởng của Thành phố.
- Xin cảm ơn ông!