Tư duy sứ mệnh và mô hình truyền thông tích hợp (IMC) lên ngôi sẽ làm thay đổi căn bản hoạt động báo chí hiện nay…
Không phải chờ tới đại dịch COVID-19 mà báo chí đã chuyển đổi theo bối cảnh chung của cuộc cách mạng công nghệ số. Sự chuyển đổi này diễn ra đầu tiên ở hình thức thể hiện, sau đó là nội dung và đến tầm tư duy. Trên thực tế, chúng ta cần nhìn thấy sự tích cực ở việc đa dạng hoá của các hình thức báo chí và hình thức nội dung của báo chí đã đi vào chiều sâu và đa dạng hoá trải nghiệm.
Sự phát triển của KHCN khiến những người làm truyền thông và làm báo có nhiều phương tiện chung như hạ tầng, đường dẫn, phương tiện ghi hình chất lượng cao, nhất là các phương tiện cá nhân nhỏ gọn (như GoPro và Flycam)...để ghi nội dung cùng những phương tiện cho phép một người có thể vừa viết báo vừa chụp ảnh, quay video linh hoạt.
Xã hội vận động bởi tri thức, lượng tri thức trao đổi đồ sộ sau đó được số hoá và thậm chí trao đổi miễn phí trên môi trường mạng, bởi vậy không còn là thông tin đơn thuần mà đã được số hoá. Do đó, người làm báo không chỉ tác nghiệp về thông tin mà đòi hỏi tác nghiệp về tư duy. Tư duy thấp chỉ đơn thuần là chọn lọc, chọn con đường, chọn đề tài nhưng cao hơn phải là tư tưởng, là triết học và năng lực khái quát từ sự đa dạng của cuộc sống. Tư duy của người làm truyền thông cũng cần cùng nhịp với cuộc sống nếu không sẽ không được đón nhận. Mỗi nhà báo có thể tự đánh giá nội dung của mình, từ đó đòi hỏi thay đổi tư duy, tránh giáo điều, trích dẫn xưa không sáng tạo và đi trên một lối mòn.
Đòi hỏi của cuộc sống khiến nhà báo cũng phải cạnh tranh giữa các loại hình đa phương tiện và cạnh tranh với nhà báo tự do. Thách thức cạnh tranh ngày càng lớn, các nhà báo trẻ có thể đa năng, chuyên nghiệp cả về cách tác nghiệp và qua đó tòa soạn có thể giảm được chi phí (thay vì 4-5 người như trước đây thì nay chỉ cần 1-2 người tác nghiệp với các thiết bị có thể hiệu quả hơn cả một xe ghi hình). Tuy nhiên, tâm thế trải nghiệm sẽ quyết định. Một người làm báo có thể nâng cao chất lượng bằng “đôi chân đi vào cuộc sống”, “đôi mắt nhìn vào google”.
Về nâng tầm tư duy, có một tồn tại lớn hiện nay là chúng ta đang “đóng khung” những hình thức báo chí từ trong nhà trường, phần nhiều những khung này chưa được đổi mới. Tư duy sáng tạo, tư duy song hành, tư duy hai chiều, tư duy phản biện còn chưa đầy đủ. Để thay đổi, tầm tư duy phải thay đổi từ tư duy chức năng sang tư duy sứ mệnh.
Thực tế, thế giới tồn tại hình thức phân công lao động “làm hư” con người thì Việt Nam có tư duy chức năng trong báo chí khiến người làm báo in chỉ làm báo in, làm báo hình chỉ làm báo hình… đến khi làm báo số thì không thích nghi. Tư duy tự trói mình như vậy đã tồn tại cả vài thập niên mà chúng ta không dám xé rào, thay đổi.
Người đứng đầu cơ quan báo chí cần thay đổi. Cần tư duy sứ mệnh và tư duy quản trị, tư duy lãnh đạo và cuối cùng mới đưa ra sản phẩm nội dung đồng thời cho phép đa dạng hoá phương tiện kỹ thuật, điều này cũng giống một dây chuyền sản xuất theo từng công đoạn phải đảm bảo liên kết.
Tôi từng gặp trường hợp hình minh hoạ không liên quan tới bài viết vì chỉ theo tư duy chức năng là đưa một bức hình đảm bảo (chất lượng, bản quyền) vào bài viết, còn lại không đọc hiểu nội dung tư tưởng để đạt tầm sáng tạo của hình ảnh để được như Inforgraphic, eMagazine, Longform, infortainment, Advertorial (xem chú thích).
Điều này giải thích cho việc tại sao sau nhiều năm nhiều tờ báo không thể trở thành một tập đoàn truyền thông? Đó là nằm ở tư duy chức năng bó hẹp không thể tự phát triển, tự chủ kinh tế và nhất là thiếu tư duy sứ mệnh.
Với tất cả những thay đổi đó, tương lai của báo chí chắc chắn sẽ có sự chuyển đổi. Mô hình truyền thông tích hợp (IMC) sẽ lên ngôi, thay đổi căn bản hoạt động báo chí hiện nay. Nhiều tờ báo sẽ trở thành tâp đoàn truyền thông, báo chí tự do sẽ lên ngôi (như hiện nay với làn sóng Youtuber).
Báo mạng, báo hình không còn phân chia theo chức năng mà là truyền thông tích hợp và nền tảng là tư duy tích hợp. Phát triển mô hình truyền thông tích hợp có thể học hỏi bài học từ Hàn Quốc. Ở đất nước này, người làm báo có tư duy về truyền thông khác biệt.
Hàn Quốc đã thực hiện truyền thông tích hợp ở tầm tập đoàn đa ngành (như tập đoàn CJ) và cả tầm quốc gia. Theo đó, Hàn quốc xây dựng mô hình uỷ ban truyền thông và thương hiệu quốc gia với cơ quan xúc tiến hình ảnh quốc gia do Thủ tướng điều hành. Hàn Quốc làm truyền thông từ chính sách, khi có chính sách Nhà nước sẽ lựa chọn cơ quan truyền thông phù hợp và giao nhiệm vụ hay sứ mệnh.
Cơ quan báo chí được phép đăng ký đa dạng hình thức hoạt động như báo điện tử, báo in hay báo nói, được làm điện ảnh, âm nhạc hay sự kiện... nhưng nhất định phải cam kết được sứ mệnh làm gì, sứ mệnh lớn sẽ được giao việc lớn.
Quốc gia này hình thành các tập đoàn kinh tế có truyền thông cả về thương mại, chính sách và nghệ thuật. Đây cũng là mô hình mà Việt Nam cần tham khảo để phát triển lĩnh vực báo chí.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cùng với ảnh hưởng từ các loại hình mạng xã hội và môi trường khiến nhu cầu của độc giả thay đổi. Đa phương tiện là xu hướng, yêu cầu báo chí phải sử dụng hình ảnh, âm thanh, giao tiếp truyến đa dạng vào bài viết. Vậy nên hạ tầng báo chí cần được đáp ứng sự chuyển mình số hoá, đồng thời nâng cấp tư duy trong tác nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 06/07/2020
10:24, 21/06/2020
06:34, 21/06/2020
06:19, 21/06/2020
06:00, 21/06/2020
05:00, 21/06/2020
10:03, 19/06/2020