“Cứu” doanh nghiệp: Chỉ hỗ trợ thuế, phí - cần nhưng chưa đủ

Diendandoanhnghiep.vn Hàng loạt chính sách hỗ trợ thuế, phí… được ban hành để "cứu" doanh nghiệp “vượt khó” trước tác động của COVID-19, thế nhưng, một số chuyên gia cho rằng, chỉ hỗ trợ thuế, phí… chưa đủ.

Theo đó, để tháo gỡ khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, ngày 25/6, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư hướng dẫn giảm 30 loại phí, lệ phí. Trong đó, có nhiều mức giảm mà cơ quan ban hành đánh giá là khá cao như: giảm 50% mức thu 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán; giảm 50% mức phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng; giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách; giảm 20% mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không.... Thời gian giảm phí, lệ phí áp dụng kể từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021 với số giảm thu từ phí, lệ phí 6 tháng ước khoảng 1.000 tỷ đồng.

Một số chuyên gia cho rằng, con số 1.000 tỷ đồng cho 30 loại thuế, phí để tiết giảm chi phí, khôi phục sản xuất kinh doanh là rất cần thiết, thế nhưng, con số này chưa đủ để vực dậy cộng đồng doanh nghiệp đang vật lộn trong sóng gió của làn sóng dịch COVID lần thứ 4 này.

Cộng đồng doanh nghiệp cần nhiều hơn những hỗ trợ về thuế, phí - Ảnh minh họa

Cộng đồng doanh nghiệp cần nhiều hơn những hỗ trợ về thuế, phí - Ảnh minh họa

Thực tế, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đại dịch COVID-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến hết tháng 5/2021 khiến hơn 800.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Trong đó, 94% là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, sức cạnh tranh thấp chịu thiệt hại rất nặng nề (81% không có khách hàng/đơn hàng/hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; 72% gặp khó khăn trong việc trả tiền lương, đóng báo hiểm cho người lao động; 53% gặp khó trả lãi ngân hàng), cùng với đó là chi phí điện nước, lưu kho, bến bãi…

Bên cạnh đó, khảo sát của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, tính đến tháng 12/2020, cả nước 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 gồm người bị mất việc làm, phải giãn/nghỉ việc… Trong đó, 69,2% bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm và 14% buộc phải tạm nghỉ việc.

Như vậy, có thể thấy khó khăn, đã và đang bao trùm lên tất cả các lĩnh vực, gây ra những thiệt hại nặng cho cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt là các nhóm ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn,…

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, để từng bước giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh các chính sách hỗ trợ cần phải thiết thực, không nên ràng buộc quá nhiều điều kiện không phù hợp với thực tế, quá khắt khe. Đơn cử việc hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn trả lương nhưng lại yêu cầu phải có trên 50% lao động mất việc làm, lao động nghỉ việc 1 tháng… Hoặc việc giảm thuế phải kèm theo doanh thu không quá 200 tỉ đồng.

“Tình hình hiện nay theo tôi đang rất nguy kịch rồi, nếu không sớm kéo dài chính sách hỗ trợ thuế, bổ sung thêm nhiều gói mới đủ mạnh thì doanh nghiệp sẽ khó có thể vực dậy dược”, PGS TS. Ngô Trí Long đánh giá.

Thực tế, một số doanh nghiệp cũng cho rằng, ngoài thuế, phí thì gánh nặng lớn nhất của họ hiện nay là tiền bảo hiểm xã hội, lãi suất tiền vay,… vậy nên, đối với họ, cơ cấu lại các khoản nợ, miễn giãm lãi vay… sẽ là hành động hỗ trợ thiết thực.

Từ đó, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng dự thảo đề xuất về chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ sớm được thông qua và hiện thực hóa.

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, dự thảo đề xuất về chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ sớm được thông qua - Ảnh minh họa

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, dự thảo đề xuất về chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ sớm được thông qua - Ảnh minh họa

Cụ thể, theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, để hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước nên chỉ đạo hệ thống ngân hàng hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp, giảm từ 3-5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục sản xuất kinh doanh.

Sửa đổi, bổ sung nghị quyết 84 năm 2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh theo hướng mở rộng đối tượng được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp. Cơ chế này không chỉ áp dụng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà bổ sung thêm doanh nghiệp trong các ngành chịu tác động trực tiếp nặng nề bởi dịch bệnh như hàng không, du lịch, khách sạn, vận tải.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản vay tín dụng trong giai đoạn 2021-2023 để giúp các hãng hàng không tư nhân Vietjet Air, Bamboo Airways giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực để hoạt động và phát triển. Đây là cơ chế mà Chính phủ đã đồng ý cho Vietnam Airlines được hưởng trong gói hỗ trợ 12.000 tỉ đồng đã được thông qua.

Đồng thời, đơn vị này cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sửa đổi thông tư 19/2020/TT-BGTVT cho phép kéo dài thời gian giảm 50% phí dịch vụ cất cánh, hạ cánh và dịch vụ điều hành bay cùng với thời gian áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá cho đến hết năm 2021. Bộ Tài chính cần nghiên cứu trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi nghị quyết 1148/2020 theo hướng giảm mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay từ 2.100 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít.

Đối với việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, tiền thuê đất, thuế xuất nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất giải pháp Bộ Tài chính xây dựng và trình Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức có doanh thu trong năm 2020 không quá 200 tỉ đồng.

Bộ Tài chính trình Thủ tướng tiếp tục áp dụng và có sửa đổi chính sách giảm 15% tiền thuê đất cho đối tượng dừng hoạt động 15 ngày trở lên do ảnh hưởng dịch COVID-19. Tiếp tục cho áp dụng quy định miễn thuế nhập khẩu đối với doanh nghiệp nhập linh kiện về sản xuất máy thở, hoàn thuế cho doanh nghiệp đã nhập khẩu linh kiện về sản xuất máy thở.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị Bộ Tài chính cần xây dựng, trình Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép giảm 50% thuế VAT năm 2021 đối với các doanh nghiệp trong ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh như hàng không, khách sạn, nhà hàng để giảm giá dịch vụ, kích cầu nội địa. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất các địa phương giảm thuế VAT về 0% trong 6 tháng cho các doanh nghiệp vận tải, giảm 50% lệ phí trước bạ cho các xe ôtô mới đăng ký kinh doanh vận tải.

Với các khoản phí, lệ phí phải nộp, Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất áp dụng các chính sách hỗ trợ dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến hết tháng 12/2021; giãn đóng phí công đoàn và giảm 50% phí công đoàn trong hai năm 2020-2021; cho doanh nghiệp vận tải được miễn phí bảo trì đường bộ đến hết tháng 12/2021…

Được biết, chỉ trong hơn một năm qua, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định về gia hạn thuế và tiền thuê đất để nhằm hỗ trợ và giải cứu một số khu vực kinh tế, cá nhân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh. Đây được cho là “liều thuốc” quý giúp doanh nghiệp hồi sức trong khi bóng đen COVID-19 vẫn tiếp tục bao phủ và tác động tiêu cực đối với nền kinh tế. Và đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được đánh giá là chi tiết, công bằng và đi vào thực chất để có thể hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục, phát triển trong thực trạng hiện nay.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết “Cứu” doanh nghiệp: Chỉ hỗ trợ thuế, phí - cần nhưng chưa đủ tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714562040 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714562040 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10