Bên cạnh việc xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù riêng cho vùng ĐBSCL, các địa phương cần thiết quan tâm hình thành không gian và chuỗi sản phẩm liên kết.
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sở hữu những nét văn hóa bản địa phong phú, cùng hệ sinh thái đa dạng gồm hệ thống cửa sông, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ, khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao. Du lịch sinh thái ĐBSCL gắn với cảnh quan sông nước; du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám phá lịch sử văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống; du lịch biển đảo chất lượng cao; du lịch MICE.
Thời gian qua, ý thức được tầm quan trọng trong liên kết không gian du lịch, 13 tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng sông Cửu Long đã tích cực kết nối để nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch vùng. Đáng chú ý, sau khi triển khai thỏa thuận hợp tác du lịch giữa vùng với TP.HCM, nhiều dòng sản phẩm liên kết đã ra đời.
Bên cạnh liên kết vùng, một số địa phương ở vùng ĐBSCL cũng đã hình thành liên kết riêng. Cụ thể, Cần Thơ đã ký kết hợp tác liên kết với Hà Nội, Ninh Bình từ nhiều năm trước. Trong khi đó giữa Hà Nội, Ninh Bình và các tỉnh Tây Nguyên cũng có sự hợp tác cùng nhau phát triển du lịch. Do đó, việc mở rộng liên kết vùng đã hỗ trợ mối quan hệ hợp tác, thúc đẩy phát triển du lịch giữa các địa phương.
Thực tế, liên kết du lịch giữa các địa phương đã được kết nối, thực hiện trong nhiều năm qua, nhưng hiệu quả vẫn là bài toán cần được tiếp tục bàn thảo. Nhiều liên kết thực sự không phát huy hiệu quả, chỉ nằm trên những bản ký kết. Nhiều địa phương nhìn nhận rằng, hoạt động liên kết vùng có hiệu quả thường chỉ dừng lại ở công tác quảng bá, xúc tiến, trong khi các vấn đề cốt lõi như xây dựng sản phẩm, cơ chế chính sách… vẫn chưa được chú trọng đúng mức.
Mặc dù vậy liên kết vùng luôn là một trong những giải pháp được nhiều địa phương lựa chọn để thúc đẩy phát triển du lịch. Không chỉ đa dạng hóa hệ thống sản phẩm, liên kết vùng còn là tiền đề mở ra nhiều cơ hội kết nối thị trường, thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng thông qua du lịch.
Chia sẻ nhận định về tiềm năng và giải pháp phát triển du lịch tại các vùng ĐBSCL, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho rằng, chúng ta đang trăn trở cho ngành Du lịch là làm sao để phát huy những tài nguyên hiện có. Chúng ta nhận diện được giá trị tài nguyên cũng như tiềm năng. Chúng ta đánh giá đúng chúng ta đang ở đâu, một cách cầu thị, biết điểm mạnh điểm yếu của mình để có hướng đi mới.
Chúng ta chưa phát huy được thế mạnh tính địa phương để tạo ra sự khác biệt, sản phẩm đặc thù. Đối với phía Đông ĐBSCL, sản phẩm chúng ta cần xây dựng riêng biệt, bổ trợ cho nhau nhưng không sao chép lẫn nhau. Chúng tôi nghĩ rằng sản phẩm dựa trên văn hóa bản địa phải tập hợp được cộng đồng. Chúng ta cần có định hướng, tư vấn và cách làm của người dân địa phương để phát huy được sức mạnh của cộng đồng. Trong đặc thù của vùng về đầu tư, đường bộ hạn chế, đường thủy tiềm năng còn sơ khai thì kêu gọi nhà đầu tư chiến lược. Tôi nghĩ đất nước đang trong giai đoạn chuyển mình tầm cao mới thì nguồn lực đầu tư sẽ tập trung vào đầu tư chiến lược, đường thủy nội địa ĐBSCL sẽ nhiều cơ hội đầu tư hơn… Nói đến quảng bá rất dễ nhưng làm rất khó. Quảng bá sản phẩm và điểm đến phải có định hướng sáng tạo. Phải đổi mới mạnh mẽ quảng bá xúc tiến điểm đến qua các mạng xã hội, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo…”.