Đà Nẵng: Doanh nghiệp vẫn loay hoay với chuyển đổi số

TUẤN VỸ 14/04/2023 08:00

Thực tế, vấn đề chuyển đổi số trong doanh nghiệp tại Đà Nẵng vẫn đang trong vòng loay hoay bởi nhiều đơn vị còn gặp nhiều khó khăn về cả con người và kinh phí đầu tư.

>>Thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong xây dựng

Câu chuyện chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa, thay đổi các quy trình, sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp được cả cộng đồng doanh nghiệp và địa phương quan tâm từ lâu. Tuy nhiên, để doanh nghiệp thực sự bước vào quá trình chuyển đổi số lại là một thách thức, trong khi đó tại Đà Nẵng phần lớn đều là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Bà Lê Thị Ni Ni, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần MISA tại Đà Nẵng nhìn nhận vấn đề chuyển đổi số sẽ mở rộng tập khách hàng và thị trường tiềm năng, gia tăng trải nghiệm khách hàng đối với các sản phẩm. Đồng thời, vị này cũng xác nhận mặt tích cực của chuyển đổi số là sáng tạo các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu, hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ cũ theo cách mới, tối ưu chi phí vận hành, chi phí nhân sự, tăng hiệu suất kinh doanh, sản xuất và minh bạch hệ thống,...

a

Phần lớn, các hệ thống quản lý doanh nghiệp chỉ phù hợp với các doanh nghiệp lớn, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ rất khó tiếp cận.

“Tuy nhiên, các hệ thống ERP (hệ thống quản lý doanh nghiệp) có đầy đủ chức năng, chi phí rất cao chỉ phù hợp với doanh nghiệp lớn, chưa phù hợp với doanh nghiêp siêu nhỏ, nhỏ, vừa có yêu cầu quản lý đơn giản và chi phí hạn chế.  Phần lớn các giải pháp đang ứng dụng riêng lẻ tại các bộ phận trong doanh nghiệp không kết nối với nhau và không kết nối với các hệ thống bên ngoài khác. Doanh nghiệp chưa đánh giá được mức độ chuyển đổi số hiện tại của mình, chưa được tư vấn, hỗ trợ để lập được kế hoạch, lộ trình thực hiện chuyển đổi số phù hợp, hiệu quả, chưa tiếp cận được các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số phù hợp”, bà Ni nhìn nhận.

Thông tin từ Sở Thông tin & Truyền thông Đà Nẵng, hiện nay địa phương đang có mức tỷ lệ 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1000 dân, có 47.500 nhân lực công nghệ thông tin. Con số này đang chiếm 7,7% trong tổng lực lượng lao động toàn thành phố.

Qua tổng hợp kết quả tự đánh giá của 100 doanh nghiệp trên cổng thông tin của Sở, hầu hết điểm đánh giá của các doanh nghiệp ở mức trên trung bình (từ 2,67-3,37 điểm/5), đang ở giai đoạn đang phát triển.

Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Đà Nẵng cho hay một số quy định pháp lý còn cản trở triển khai chuyển đổi số. Theo vị này, còn nhiều Thông tư, điều Luật,... đã khiến địa phương gặp khó khăn trong triển khai.

Ngoài ra, ông Thạch cũng nhìn nhận phần dữ liệu còn rời rạc, chưa được kết nối, liên thông, chia sẻ sử dụng chung. Trong đó, các cơ sở dữ liệu nền Quốc gia, các ứng dụng của một số Bộ ngành Trung ương được triển khai ở địa phương đóng kín, chưa chia sẻ lại cho địa phương sử dụng. Chính phủ chưa có quy định, hướng dẫn chi tiết về xác định dữ liệu mở, mức độ mở của dữ liệu.

a

Đà Nẵng hiện đang có mức tỷ lệ 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1000 dân, có 47.500 nhân lực công nghệ thông tin. 

“Hiện nay triển khai các dự án công nghệ số phục vụ phát triển đô thị thông minh đa phần là công nghệ mới, phức tạp, việc triển khai dự án công nghệ số gặp rất nhiều khó khăn do trình tự thủ tục đầu tư phức tạp, khó khăn trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn lập hồ sơ thiết kế chất lượng do định mức chi phí quá thấp (tỷ lệ hơn 3,3% chi phí thiết bị)”, ông Thạch cho biết.

Trong tương lai, ông Thạch cho hay Đà Nẵng sẽ ban hành Danh mục dữ liệu mở và kế hoạch, lộ trình cung cấp dữ liệu mở thành phố (đến 2025 có 1000 bộ dữ liệu mở), mục tiêu 100% cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở, 95% dịch vụ hành chính công có phát sinh hồ sơ trực tuyến,... Cùng với đó, nâng lên mức 2,5 doanh nghiệp công nghệ số/1000 dân (vào năm 2025 đạt 3 doanh nghiệp). Đà Nẵng cũng đặt mục tiêu nâng mức tỷ lệ 8,5% nhân lực công nghệ số trong lực lượng lao động,  100% người dân trưởng thành có điện thoại thông minh và 20% khu vực phủ sóng dịch vụ 5G (năm 2025 đạt 50%),...

Nghiên cứu từ Forbes cho thấy, 70% doanh nghiệp gặp thất bại hoặc khó khăn khi thực thi chương trình chuyển đổi số. Trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn vì nhân lực và thói quen hằng ngày thì các doanh nghiệp quy mô lớn, lâu đời, việc thực thi các chiến lược chuyển đổi này một cách toàn diện và hiệu quả lại càng có nhiều trở ngại.

Ông Hồ Anh Tuân, Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho rằng Các thách thức mà doanh nghiệp thường gặp có thể tựu trung thành 3 nhóm lớn là Chậm trễ - Kém hiệu quả - Không có khả năng thực thi. Ông Tuân cũng cho rằng sai lầm trong chiến lược chuyển đổi số là nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số mà thiếu đi một chiến lược rõ ràng, cụ thể dựa trên thực trạng doanh nghiệp và mong muốn trong tương lai.

Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số đang từng bước được đầu tư.

Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số đang từng bước được đầu tư.

“Có doanh nghiệp đặt quá nhiều trọng tâm vào các vấn đề công nghệ, xu hướng xung quanh. Nhưng họ lại quên mất sự đối chiếu với nội tại, sự phù hợp với con người, nguồn lực, định hướng. Đó là nguyên nhân quan trọng vì sao chuyển đổi số thất bại. Kết quả là chiến lược chuyển đổi số trở nên rời rạc, không đi liền với chiến lược kinh doanh, không nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp”, ông Hồ Anh Tuân nhận định.

Ngoài ra, ông Tuân cũng cho rằng còn nhiều nguyên nhân như mục tiêu chuyển đổi số không rõ ràng, thiếu lãnh đạo có khả năng thúc đẩy đổi mới, văn hóa doanh nghiệp không thay đổi kịp thời để đáp ứng chuyển đổi số, bỏ qua chuyển đổi trải nghiệm khách hàng, lựa chọn công nghệ không phù hợp, đánh giá quá cao lợi ích và đánh giá thấp chi phí,... Do vậy, doanh nghiệp cần xem xét và bố trí nguồn lực đầu tư một cách phù hợp theo khả năng của mình.

“Chuyển đổi số là con đường để doanh nghiệp thoát khỏi khó khan, hành vi người dùng đã thay đổi sau đại dịch, mua sắm dựa trên “môi trường số” nhiều hơn. Và chuyển đổi số ở đây không chỉ dừng lại như một xu hướng cần phải chạy theo mà còn là một trong những bước đi bắt buộc không thể bỏ qua. Các doanh nghiệp thờ ơ đứng ngoài cuộc đua chuyển đổi số sẽ phải đối mặt với các khó khăn và thách thức trong tương lai, thậm chí có thể dẫn tới sự thất bại”, ông Hồ Anh Tuân nói.

Theo nhận các chuyên gia, chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp tạo được lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ, với chuyển đổi số, lợi thế cạnh tranh sẽ rõ ràng hơn và doanh nghiệp tận dụng tốt sẽ có cơ hội bứt phá. Cùng với đó, chuyển đổi số giúp tối ưu vận hành, cải thiện và nâng cao năng suất lao động. Ứng dụng kỹ thuật số hỗ trợ đưa ra các dự báo chính xác về hiệu năng hoạt động của máy móc, giảm bớt chi phí, thời gian bảo trì và quản lý tài sản và tăng độ chính xác của thành phẩm nhờ lược bỏ bớt các khâu sản xuất thủ công.

Chưa kể đến, các phần mềm hỗ trợ bán hàng, quản trị khách hàng cũng, phần mềm kế toán… cũng hỗ trợ rất nhiều trong quá trình vận hành của doanh nghiệp. Trong đó, việc tìm hiểu nhu cầu của người dùng trở nên dễ dàng hơn, các sản phẩm và dịch vụ ra đời, nâng cao trải nghiệm ngày càng sát với mong đợi của khách hàng. Tạo ra mô hình kinh doanh mới, chiếm lĩnh đại dương xanh nhờ vào sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là thông qua chuyển đổi số.

Có thể bạn quan tâm

  • Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

    Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

    19:33, 11/04/2023

  • Chuyển đổi số: Chìa khóa chinh phục đỉnh cao

    Chuyển đổi số: Chìa khóa chinh phục đỉnh cao

    17:36, 11/04/2023

  • Mở rộng hợp tác PPP trong chuyển đổi số

    Mở rộng hợp tác PPP trong chuyển đổi số

    17:33, 11/04/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đà Nẵng: Doanh nghiệp vẫn loay hoay với chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO