Dự án đường vành đai phía Tây 2 Đà Nẵng với tổng mức đầu tư 1.427 tỉ đồng dù đã hết thời hạn nhưng vẫn chưa thể hoàn thiện.
>>Đà Nẵng: Cần có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Dự án đường vành đai phía Tây 2 thuộc dự án cải thiện hạ tầng giao thông TP Đà Nẵng, là một trong những công trình trọng điểm của địa phương này trong giai đoạn 2016 - 2020.
Nhiều nguyên nhân gây “tắc”
Theo tìm hiểu, dự án đường vành đai phía Tây 2 có tổng chiều dài toàn tuyến là 14,3 km. Theo dự tính, dự án này có tổng mức đầu tư quy đổi là 1.427 tỷ đồng, thực hiện từ vốn vay Quỹ OPEC và vốn đối ứng của UBND TP Đà Nẵng. Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng là chủ đầu tư của dự án.
Tại kế hoạch, thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 – 2022, tuy nhiên đến nay chỉ có hơn 4km đường được hoàn thiện. Đối với phần còn lại, hoạt động thi công đã phải tạ dừng vì chưa có nguồn vốn giải phóng mặt bằng, vướng quy hoạch ga đường sắt cũ và đang chờ điều chỉnh hướng tuyến.
Thông tin từ ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng đến nay tổng mức đầu tư của Dự án vẫn giữ nguyên như phê duyệt ban đầu tại Quyết định số 4539/QĐ-UBND ngày 09/10/2018. Ông Hưng cho biết, các khu vực đã hoàn thiện sẽ được đưa vào khai thác, vận hành trong tháng 8/2023.
“Phần còn lại của tuyến đường Vành đai phía Tây 2 (đoạn từ đường số 8 KCN Hòa Khánh đến đầu tuyến giao với Quốc lộ 14B) chưa triển khai được do khối lượng, kinh phí giải tỏa đền bù lớn và phải điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 (bao gồm điều chỉnh đoạn tuyến đi qua nhà ga đường sắt mới được phê duyệt quy hoạch trước đây và điều chỉnh quy hoạch nút giao đầu tuyến với Quốc lộ 14B theo hướng kéo dài tuyến đường Vành đai phía Tây 2 về phía Nam để kết nối với đường Vành đai phía Nam thông qua tuyến ĐT605).
Hiện nay, Ban Quản lý dự án đã báo cáo UBND thành phố xem xét, đầu tư phần còn lại ở các giai đoạn tiếp theo để hoàn thiện toàn bộ tuyến đường theo quy hoạch chung của thành phố Đà Nẵng nhằm phát huy tối đa hiệu quả của tuyến đường”, ông Lê Thành Hưng cho biết.
Theo ông Hưng, sau khi tuyến đường Vành đai phía Tây 2 hoàn chỉnh theo quy hoạch chung sẽ giúp kết nối các khu công nghiệp Liên Chiểu, Hòa Khánh ở phía Bắc, các trường đại học các khu dân cư đông đúc và khu công nghiệp Hòa Cầm ở phía Nam, giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng sống của người dân ở khu vực. Đồng thời, dự án cũng sẽ giúp giảm áp lực giao thông trên Quốc lộ 1 đoạn qua trung tâm thành phố.
Bao giờ dự án sẽ khởi động trở lại?
Các vấn đề liên quan đến tiến độ của dự án đường vành đai phía Tây 2 đã được đặt lên bàn nghị sự trong cuộc họp HĐND TP Đà Nẵng vừa qua. Trong đó, nhiều đại biểu HĐND cho rằng dự án trễ tiến độ sẽ ảnh hưởng đến vấn đề đầu tư công trên địa bàn, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân cũng như ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội địa phương,...
Trả lời mối quan ngại của các đại biểu HĐND, bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Đà Nẵng cho hay dự án được triển khai từ nguồn vốn vay của Quỹ Phát triển quốc tế OPEC. Theo vị này, dự án kết thúc vào 31/12/2022 theo Hiệp định vay nên các đơn vị liên quan không thể tiếp tục triển khai
Một nguyên nhân khác, bà Tâm cho rằng theo quy hoạch trước đây của TP Đà Nẵng thì dự án vướng quy hoạch ga đường sắt… và thành phố chưa xem xét tách riêng quy hoạch nút này. Từ đó, việc thực hiện nội dung này cần có quy hoạch điều chỉnh được duyệt và đồng bộ với các phân khu xung quanh.
“Ngoài ra, do kinh phí giải phóng mặt bằng tăng lên nhiều so với tổng mức đầu tư ban đầu nên không đủ nguồn vốn đối ứng để thực hiện công tác đền bù, giải tỏa. Vì vậy, dự án phải tạm dừng và chỉ thực hiện được hơn 4km. Đối với phần còn lại của dự án, theo quan điểm là sẽ phải tiếp tục đầu tư, Sở sẽ tham mưu UBND thành phố báo cáo HĐND bố trí vốn chuẩn bị đầu tư cho dự án này”, bà Tâm cho hay.
Chất vấn về kinh phí đầu tư của dự án, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng thắc mắc rằng dự án này có thể sẽ tốn thêm 2.500 tỉ đồng để thực hiện.
“Liệu có cân đối nổi trong trung hạn không?”, ông Lương Nguyễn Minh Triết nêu vấn đề.
Trả lời về vấn đề này, bà Trần Thị Thanh Tâm thông tin thành phố sẽ sẽ tiếp tục dành nguồn lực để triển khai dự án. Và Ban quản lý dự án sẽ thực hiện nhiệm vụ đánh giá, trên cơ sở đó lập dự án có phân kỳ đầu tư phù hợp để, tính toán, sắp xếp việc cân đối nguồn.
Nói thêm về con số 2.500 tỉ gia tăng, bà Tâm cho hay sẽ được triển khai trong giai đoạn này và giai đoạn tiếp theo. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cân đối nguồn để đảm bảo thực hiện dự án trong giai đoạn hiện nay là 400 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm