Theo tính toán, để hoàn thiện Dự án đường vành đai phía Tây 2, Đà Nẵng cần chi thêm hơn 1.800 tỉ cho giải phóng mặt bằng, con số này là rất lớn và nhiều ý kiến lo ngại sẽ trở thành dự án treo.
>>Đà Nẵng: Đường vành đai nghìn tỉ vẫn “tắc”
Qua tìm hiểu, dự án đường Vành đai phía Tây 2 tại TP. Đà Nẵng có chiều dài hơn 14km, thuộc dự án Cải thiện hạ tầng giao thông của địa phương. Theo đó, dự án này là một trong những công trình trọng điểm của Đà Nẵng trong giai đoạn 2016 - 2020.
Được biết, dự án có tổng mức đầu tư quy đổi là 1.427 tỉ đồng, tương đương 61,37 triệu USD từ vốn vay Quỹ OPEC và vốn đối ứng của UBND TP. Đà Nẵng thực hiện trong thời gian thực hiện năm 2017 - 2022. Dự kiến, dự án khởi công vào tháng 2/2020 và hoàn thành vào năm 2022 nhưng do vướng mặt bằng kéo dài nên phải tạm dừng vì hết hạn vốn vay.
Theo tính toán của Sở KH&ĐT TP. Đà Nẵng, để hoàn thiện dự án này địa phương cần chi thêm hơn 1.800 tỉ cho giải phóng mặt bằng (GPMB). Đến nay, dự án mới chỉ hoàn thành nghiệm thu, đưa vào khai thác hơn 4km từ đường tránh Nam hầm Hải Vân đến đường số 8 Khu công nghiệp Hòa Khánh và tạm dừng hơn 8km còn lại.
Ông Nguyễn Thành Tiến - Trưởng ban Đô thị HĐND TP. Đà Nẵng cho rằng, với mức kinh phí để giải toả đền bù trên 1.800 tỉ đồng thì việc cân đối vốn cho dự án này là rất khó. Theo vị này, Luật quy hoạch đô thị cho phép lập quy hoạch để khai thác quỹ đất hai bên để cân đối trong vấn đề đầu tư hạ tầng các đơn vị liên quan đã không tính đến và sẽ rất khó khăn để hoàn thành dự án.
“Như vậy sẽ luẩn quẩn, vô hình chung tạo ra một dự án treo. Nếu sử dụng quỹ đất 2 bên để cân bằng nguồn lực đầu tư, kinh phí GPMB không nằm ở 1.800 tỉ đồng nữa. Đồng thời, phải tính toán từ giai đoạn này, nếu không đưa ra lộ trình cụ thể dự án này rất khó thực hiện”, ông Nguyễn Thành Tiến nhìn nhận.
Nói về vấn đề này, bà Trần Thị Thanh Tâm – Giám đốc Sở KH&ĐT TP. Đà Nẵng cho hay, dự án này sẽ tiếp tục được triển khai vì đây là dự án giao thông huyết mạch của địa phương. Theo đó, UBND TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp các đơn vị liên quan điều chỉnh dự án phù hợp với quy hoạch chung và các quy hoạch phân khu liên quan.
Cũng theo thông tin từ vị này, trong giai đoạn 2023 – 2027 ngành chức năng sẽ quy hoạch tuyến, đầu tư đoạn nút giao thông số 8 Khu công nghiệp Hòa Khánh đến đường Hoàng Văn Thái. Tiếp đến, giai đoạn 2 từ 2024 - 2028 tiếp tục triển khai hoàn thiện tuyến vành đai phía Tây 2 từ đường Hoàng Văn Thái đến tuyến ĐT605.
“Trên đoạn 8km chưa thi công đã có bước giải toả, đền bù kiểu "da beo". Hiện nay đang thực hiện tới đường số 8 Khu công nghiệp Hòa Khánh. Trên cơ sở các đơn vị rà soát, phát sinh của tuyến là hơn 1.800 tỉ chủ yếu là đền bù giải toả”, Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho biết.
Đối với vấn đề vốn trung hạn, được biết Sở KH&ĐT đang phối hợp Sở GTVT tính toán. Sau đó, đến năm 2025 sẽ tập trung vốn cho đền bù, giải toả trước và số còn lại sẽ tính toán cho giai đoạn 2026 - 2030.
Trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp trước đó, ông Lê Thành Hưng - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng cho rằng tổng mức đầu tư của Dự án vẫn giữ nguyên như phê duyệt ban đầu tại Quyết định số 4539/QĐ-UBND ngày 09/10/2018. Theo đó, hiện nay tuyến đường vành đai phía Tây 2 đã thi công hoàn thành đoạn từ đường số 8 KCN Hòa Khánh đến nút giao cuối tuyến giao với đường Hải Vân - Túy Loan (chiều dài 4,6 Km) và đưa vào khai thác, vận hành trong tháng 8/2023.
“Phần còn lại của tuyến đường Vành đai phía Tây 2 (đoạn từ đường số 8 KCN Hòa Khánh đến đầu tuyến giao với Quốc lộ 14B) chưa triển khai được do khối lượng, kinh phí giải tỏa đền bù lớn và phải điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021. Hiện nay, Ban quản lý dự án đã báo cáo UBND thành phố xem xét, đầu tư phần còn lại ở các giai đoạn tiếp theo để hoàn thiện toàn bộ tuyến đường theo quy hoạch chung của thành phố Đà Nẵng nhằm phát huy tối đa hiệu quả của tuyến đường”, ông Hưng cho hay.
Được biết, dự án đường vành đai phía Tây 2 là tất yếu trong tương lai phát triển của thành phố với dịch vụ logistic, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao.
Có thể bạn quan tâm