Đà Nẵng cùng TP HCM và Bắc Ninh là 3 địa phương được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập thí điểm Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP).
Theo đó, chuyển chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP từ 3 sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương sang Ban Quản lý an toàn thực phẩm; trừ sản xuất ban đầu như trồng trọt, chăn nuôi, khai thác, nuôi trồng thủy sản và kiểm soát giết mổ động vật do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục quản lý.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Đà Nẵng cho biết, trong năm 2018, toàn thành phố đã kiểm tra 25.110/26.790 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống đường phố, đạt tỷ lệ 93,73% cơ sở quản lý. Kết quả có 24.510 cơ sở đạt yêu cầu (chiếm tỷ lệ 97,61%), xử lý vi phạm hành chính 600 cơ sở (chiếm tỷ lệ 2,39%) với số tiền hơn 1,9 tỷ đồng.
Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã thành lập 3 đoàn khảo sát, kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại 33 lượt các chợ; chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, tham mưu UBND thành phố ban hành bộ tiêu chí xây dựng mô hình chợ đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm; thành lập 4 đội phản ứng nhanh để kịp thời điều tra, xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm nếu có xảy ra. Sở Công thương thực hiện thí điểm dán 1,4 triệu tem QR code đối với một số sản phẩm thực phẩm sản xuất trên địa bàn TP Đà Nẵng đang tiêu thụ tại chợ Hàn.
Báo cáo tại buổi làm việc sơ kết 1 năm thành lập Ban quản lý và tổng kết công tác đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2018 cho biết: hiện 99% các cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trên địa bàn thành phố đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm. Đặc biệt, tại các quận Hải Châu, quận Thanh Khê, chính quyền địa phương đã hỗ trợ các hộ kinh doanh thức ăn đường phố trang bị tạp dề, mũ, cấp phát muỗng không rãnh, xây dựng mô hình điểm kinh doanh thức ăn đường phố tại tuyến đường Hải Phòng, vận động doanh nghiệp hỗ trợ bạt quay, biển tên, tạp dề và đồng phục. Tại các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn tiếp tục duy trì tốt hoạt động của các chợ đêm, đảm bảo vệ sinh ATTP tại các tuyến phố ẩm thực.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tấn Hải – Trưởng Ban Quản lý ATTP, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn.khi hiện có trên 80% sản lượng rau quả, thủy sản và thịt mà thành phố tiêu thụ được nhập từ ngoại tỉnh về các chợ đầu mối và cơ sở giết mổ tập trung bởi các chủ vựa thu gom từ nông hộ nhỏ ở các địa phương khác. Cơ sở vật chất, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm ở một số chợ, cơ sở giết mổ, các chợ đầu mối còn chưa đáp ứng theo quy định, lại hoạt động chủ yếu vào ban đêm… nên còn khó khăn khi triển khai các giải pháp kiểm soát ATTP. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ, số lượng văn bản do 3 ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương cùng ban hành văn bản quản lý đối với các sản phẩm thuộc lĩnh vực quản lý nên khó khăn cho địa phương trong triển khai thực hiện.
Có thể bạn quan tâm
13:17, 01/11/2018
12:08, 31/10/2018
11:05, 17/01/2019
04:16, 06/01/2019
07:00, 03/01/2019
15:55, 24/12/2018
06:06, 17/01/2019
Ban Quản lý ATTP thành phố Đà Nẵng cho biết, năm 2019 sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư Dự án xây dựng chợ Đầu mối nông sản Hòa Phước đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; tiếp tục hợp tác với các tỉnh cung ứng, trái cây, thủy sản và gia súc, gia cầm cho thành phố. Công tác này nhằm phối hợp kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm và ngăn ngừa các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm nhập vào tiêu thụ ở thành phố. Sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và xử lý các tổ chức cá nhân vi phạm, công khai trên các phương tiện truyền thông những cơ sở vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.
Theo Phó Chủ tịch UBND Lê Trung Chinh, UBND TP đã có quyết định thành lập Trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm chuyên sâu để phục vụ cho nhu cầu thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP. Do đó, các Sở Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư... cần sớm có hướng dẫn cho Ban Quản lý An toàn thực phẩm các thủ tục xây dựng, ghi vốn, mua sắm trang thiết bị, hoàn thành trong năm 2019; đồng thời tiến hành chủ trương xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung chuyên ngành an toàn thực phẩm; công tác lấy mẫu giám sát ATTP.
Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, chế biến thực phẩm vừa bảo đảm ATTP vừa góp phần bảo vệ, cải thiện môi trường nông thôn. Tăng cường quản lý hoạt động giết mổ, kinh doanh thực phẩm tươi sống thông qua các giải pháp như gom dần lại, hạn chế các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và thực hiện nghiêm việc xử lý chất thải, nước thải bảo đảm yêu cầu về môi trường. Đẩy mạnh việc quản lý ATTP đối với các loại thực phẩm được nhập khẩu theo đường tiểu ngạch kết hợp với việc phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại các loại thực phẩm này là những lưu ý được Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng nêu ra.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch yêu cầu Sở Công thương thực hiện nhanh chóng các bước để tiến hành đầu tư và xây dựng chợ nông sản Hòa Phước trong thời gian tới. Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 sắp đến gần, Phó Chủ tịch đề nghị các đơn vị, Công an thành phố và các lực lượng thanh tra, quản lý thị trường cần tăng cường tuần tra, kiểm tra xử lý đối với các loại hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là các loại thực phẩm thiết yếu dùng trong dịp lễ Tết.