UBND TP Đà Nẵng cho biết, từ năm 2018 - 2020, TP đã kiểm tra, thu hồi gần 200 căn nhà ở xã hội bố trí sai quy định trên địa bàn TP.
UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở Xây dựng thường xuyên tổ chức kiểm tra và chỉ đạo Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà thường xuyên kiểm tra tình hình sử dụng nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước, kịp thời nhắc nhở các trường hợp ở không thường xuyên và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm như cho thuê lại, ở nhờ, chuyển nhượng...
Theo đó, từ năm 2018 đến hết quý III/2020, UBND TP. Đà Nẵng đã thu hồi 188 căn hộ, bổ sung quỹ nhà ở để bố trí lại cho các trường hợp được UBND thành phố phê duyệt.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian qua, các dự án nhà ở xã hội tại Đà Nẵng đã thường xuyên xuất hiện tình trạng bố trí nhà ở xã hội sai đối tượng, nhiều cá nhân đã sở hữu 2 căn nhà ở, chịu thuế thu nhập cá nhân, nhiều căn hộ này đã xảy ra thực trạng chuyển tên, cho thuê, tự ý thay đổi công năng...
Theo kết luận thanh tra của UBND TP Đà Nẵng, cuối năm 2018, Trung tâm quản lý và khai thác nhà Đà Nẵng trong quá trình tiếp nhận hồ sơ đã để thiếu các giấy thủ tục, 61 trường hợp thuê NOXH không có văn bản đồng ý của UBND TP, 6 trường hợp thông 2 căn hộ với nhau. Thậm chí có tới 152 trường hợp cán bộ công chức viên chức hiện đang sở hữu nhà ở không thuộc đối tượng thuê nhà ở xã hội, 56 trường hợp cán bộ có tới 2 thửa đất trở lên trên địa bàn TP.
Trong khi đó, kết quả thanh tra hồi cuối năm 2019 tại Chung cư nhà ở xã hội An Trung 2 cũng phát hiện 80 trường hợp được bán nhà sai quy định, trong đó có 40 trường hợp chịu thuế thu nhập cá nhân theo Luật thuế thu nhập cá nhân nên không đủ điều kiện được mua nhà ở xã hội.
Ngoài ra cũng xảy ra các trường hợp mua nhà ở xã hội không kê khai trung thực về đối tượng lao động làm việc trong doanh nghiệp để được hưởng chính sách nhà ở xã hội, chủ doanh nghiệp xác nhận không đúng, một số đối tượng đứng tên mua giúp nhà cho người khác.
Trên thực tế, việc nhà ở xã hội bị bố trí sai đối tượng đã xuất hiện ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, thậm chí nhà ở xã hội còn được rao bán công khai trên các trang mạng.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Bùi Quang Hưng – Văn phòng Luật sư BQH và cộng sự cho biết, trong bối cảnh nhà ở xã hội thiếu trầm trọng thì với mục đích đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, nhiều người thậm chí đã tìm cách chuyển hộ khẩu, hoặc giữ lại những ngôi nhà rất chật hẹp. Sau đó họ xin xác nhận của UBND phường, cơ quan liên quan về điều kiện nhà không đủ ở theo đúng những tiêu chuẩn mà nhà nước cho phép khi mua nhà ở xã hội thì họ sẽ đủ điều kiện mua nhà ở xã hội.
Trong khi đó, theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, việc giám sát, kiểm tra sau khi khách hàng được duyệt hồ sơ mua nhà vẫn còn lỏng lẻo, dẫn đến nhiều người bán sang tay suất mua nhà để kiếm lời, trong khi người có nhu cầu ở thật lại bị loại, tạo ra sự bất công trong chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.
Ông Hà cho biết, cần tăng cường khâu hậu kiểm đối với nhà ở xã hội để đảm bảo chính xác những người có nhu cầu về nhà ở thực sự mới được mua nhà ở xã hội. Những đối tượng mua nhà nhưng không ở mà để cho thuê hoặc khóa cửa không ở lập tức cần thu lại.
Có thể bạn quan tâm
Gỡ vướng nhà ở xã hội: Cần cuộc chơi “fair play”
07:30, 22/11/2020
[CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN]: Quỹ đất nhà ở xã hội đang "bốc hơi"
08:30, 14/11/2020
TP.HCM đồng loạt kiểm tra việc mua bán nhà ở xã hội
06:00, 14/11/2020
Quỹ đất nhà ở xã hội "bốc hơi": Luật hở, ngân sách nhà nước thất thu
15:00, 13/11/2020