Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng đề xuất phương án tăng số lượng nhân viên cung ứng thực phẩm lên 60% và không cần làm theo "3 tại chỗ".
Chiều ngày 24/8, UBND TP Đà Nẵng tổ chức họp báo để công bố về tình hình phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố. Tại đây, các đơn vị liên quan đã đề xuất nhiều phương án chống dịch cũng như bảo đảm đời sống cho người dân trong thời gian tới.
Báo cáo tại cuộc họp, bà Ngô Thị Kim Yến – Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết hiện tại thành phố đang có 1820 người nhiễm bệnh đang điều trị. Trong đó, có 57 trường hợp nặng và rất nặng đang hồi sức tích cực.
Theo bà Yến, diễn biến dịch COVID-19 tại Đà Nẵng đang có nguy cơ cao nên thành phố đã quyết định thực hiện phương án “ai ở đâu ở đấy”. Qua đánh giá của bà Yến, 2 đợt xét nghiệm toàn hộ gia đình trên toàn thành phố nhận thấy biến thể Detal nguy cơ lây nhiễm rất lớn và gây hậu quả khôn lường.
“Thời gian ủ bệnh của biến thể này là 14 ngày nên khi chúng ta thực hiện nghiêm Quyết định 2788 trong thời gian 14 ngày thì mới có thể đánh giá hết. Trong 9 ngày qua, ngành y tế đã "bóc tách" rất nhiều F0 trong cộng đồng, đây là cách không có gì thay thế. Tuy nhiên đánh giá hiện nay vẫn nguy cơ lớn, nếu thực hiện phong tỏa tốt thì số lượng F1 rất ít và chuyển thành F0 rất ít”, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho hay.
Theo nhận định của bà Ngô Thị Kim Yến, năng lực của Đà Nẵng có thể sẽ không chịu nỗi số ca F0 tăng lên, hệ thống y tế sẽ quá tải trong thời gian tới nên rất cấp thiết phải thực hiện Chỉ thị 05 của Thành ủy và quyết định 2788 của UBND thành phố. Ngoài ra, địa phương cần xác định phương án hiện nay là chống dịch lâu dài hay sống chung với dịch.
“Nhưng chúng tôi mong người dân thực hiện tốt 5K và đeo kính chống giọt bắn. Đồng thời, cần truyền thông mạnh hơn nữa để người dân hình thành thói quen và ý thức từ những việc nhỏ như khoảng cách, đeo khẩu trang… thì mới có hy vọng kiểm soát được tình hình dịch. Hiện tại, 16% người dân của Đà Nẵng đã được tiêm chủng và hi vọng vaccine về đủ trong vòng 1 tháng sẽ tiêm đủ cho 826.000 người”, bà Yến nói thêm.
Trao đổi tại cuộc họp, bà Lê Thị Kim Phương – Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cho rằng khi thành phố tổ chức phong tỏa cứng thì người dân đã tự dự trữ hàng hóa. Do đó, bà Phương cho hay từ ngày 16 - 23/8 việc cung ứng thực phẩm cho người dân cơ bản tạm ổn, không có sự quá tải.
“Tuy nhiên vào dịp cuối tuần người dân đặt hàng tăng đột biến và làm tăng áp lực cho các chuỗi cửa hàng trên thành phố. Trong 10 ngày đến, chủ trương của thành phố sẽ nâng số lượng nhân viên làm việc tại các trung tâm thương mại, cửa hàng siêu thị… lên 60% và cho phép họ không cần làm việc “3 tại chỗ” để đảm bảo giao hàng kịp thời cho người dân”, Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng nói.
Ngoài ra, bà Lê Thị Kim Phương còn đề xuất cho phép đội ngũ shipper ký hợp đồng trực tiếp với các siêu thị, cửa hàng như một nhân viên giao nhận chuyên nghiệp. Theo vị này, hàng hóa không thiếu nhưng các siêu thị không đủ nhân lực để giao nhận hang vì số lượng đơn đặt tăng vọt gấp 3 - 4 lần bình thường.
“Đơn vị nào có nhu cầu nhân lực shipper thì đăng ký rồi gửi Sở Công Thương tổng hợp để gửi Sở Y tế để tiêm vaccine rồi gửi Công an cấp thẻ. Hiện có 3 đơn vị đã đăng ký Sở thuê 40 shipper và Sở đang làm thủ tục”, bà Phương nói thêm.
Kết thúc cuộc họp, ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay tỷ lệ F0 tại địa phương đang tăng lên theo từng đoạn áp dụng biện pháp chống dịch, đến biện pháp cao nhất số lượng ca bệnh cũng tăng lên. Theo ông Minh, việc mở rộng quy mô xét nghiệm đã “bóc tách” được lượng lớn F0 ra khỏi cộng đồng.
“Thành phố những ngày qua đã tiến hành xét nghiệm quy mô lớn nhưng số F0 vẫn tăng lên. Hiện, Đà Nẵng có hai chuỗi nguy cơ cao gần kiểm soát được là cảng cá Thọ Quang và chợ đầu mối Hòa Cương. Thế nhưng, nguy cơ hiện nay là ở Hải Châu và Cẩm Lệ”, ông Hồ Kỳ Minh đánh giá.
Có thể bạn quan tâm