Đây là ý kiến của chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch tại hội thảo Xây dựng, phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Thành ủy Đà Nẵng tổ chức ngày 10/8.
Mở đầu cho những đánh giá về TP này tại hội thảo, TS.Trần Du Lịch, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng nhóm tư vấn phát triển Vùng duyên hải miền Trung nói: “Cái mừng nhất sau 15 năm Đà Nẵng không còn nằm dưới cánh máy bay mà máy bay hạ cánh xuống Đà Nẵng quá tải liên tục. Đó là thành công”.
“Đà Nẵng trong 15 năm xây dựng một đô thị biển trở thành một hiện tượng về đô thị phát triển và Đà Nẵng có được như ngày hôm nay là nhờ trong đó khát vọng rất lớn của các thời kỳ lãnh đạo của Đà Nẵng về phát triển; khát vọng này truyền cho người dân Đà Nẵng để bảo vệ cho người Đà Nẵng như các khẩu hiệu để có được Đà Nẵng như bây giờ”, theo ông Trần Du Lịch.
Bây giờ nhiều vấn đề đã hình thành, tích tụ cùng với quá trình phát triển đã bộc lộ thành những "điểm nghẽn", những "nút thắt" làm cho Đà Nẵng không thể phát huy tác dụng đầu tàu tăng trưởng, khó bứt phá để vượt lên.
Theo đó, 5 vấn đề được ông chỉ ra. Thứ nhất là cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế. Thứ hai, tình trạng quy hoạch không đồng bộ. Thứ ba, về quy hoạch đô thị, “nếu TP tiếp tục phát triển theo chiều rộng nhà ống xe máy như thế này thì không khác gì các đô thị khác, không có không gian phát triển đô thị”. Điều này rất quan trọng. “Nếu dân số TP tiếp tục tăng, đạt 2,5 - 3 triệu người mà cấu trúc đô thị, các nguồn tài nguyên vẫn như hiện nay... thì Đà Nẵng sẽ không tránh khỏi sự giảm sút về môi trường sống, vị thế cửa đến du lịch của cả khu vực miền Trung”.
Vấn đề tiếp theo, “mục tiêu ban đầu đặt ra Đà Nẵng là hạt nhân phát triển vùng, TP phát triển tự thân là tốt nhưng để tạo nền tảng phát triển cho vùng thì còn nhiều vấn đề phải giải quyết…”.
Thứ năm, mô hình quản lý đô thị của Đà Nẵng (thể chế) rất bất cập. Nói rõ hơn, mô hình chính quyền của Đà nẵng mặc dù đã có Hiến Pháp, có Luật nhưng lại không có gì khác về mặt tổ chức. Mô hình quản trị một thành phố như hiện nay chính là điểm nghẽn, không thể năng động sáng tạo các ý tưởng.
Có thể bạn quan tâm
16:48, 10/08/2018
16:46, 10/08/2018
16:37, 10/08/2018
Theo ông, “Tổng kết Nghị quyết 33 thì Đà Nẵng quyết cái gì và kiến nghị gì? Chắc Đà Nẵng không xin tiền, Đà Nẵng chỉ xin… cơ chế”.
“Cơ chế là thứ chẳng mất gì cả nhưng xin được lại rất khó”– ông nhận xét.
Ông đề cập câu chuyện nghe người ta nói, “Đầu tư cải cách rẻ nhất, không tốn kém nhất là cải cách thể chế nhưng lại là khó nhất. Đây là vấn đề”.
Vậy, nếu làm thì tập trung vào cái gì? TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh: thứ nhất, cần làm rõ về thẩm quyền lập quy, TP Đà Nẵng được làm cái gì; về thẩm quyền tổ chức bộ máy, quay lại mô hình tổ chức chính quyền đô thị hay thôi? Ông khẳng định Đà Nẵng phải làm. Tiếp theo là thẩm quyền về tài chính công, về ngân sách.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 33, TS. Trần Du Lịch đề nghị trung ương nên tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Đà Nẵng đối với miền Trung với tính cách động lực; đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0 phát triển xây dựng đô thị văn minh, sáng tạo, “những cái chúng ta kỳ vọng - được làm ở Đà Nẵng, cho Đà Nẵng làm”.
Đặc biệt, phải thực hiện đổi mới thể chế, tập trung xây dựng chính quyền đô thị, xây dựng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, năng động sáng tạo trên các lĩnh vực ban hành văn bản lập quy, ngân sách, đầu tư…phù hợp quy định của Hiến pháp.