Đà Nẵng làm gì để “trói” COVID-19?

Bài và ảnh: TUẤN VỸ 30/08/2021 11:00

Là địa phương tiên phong trong thực hiện các phương án mạnh để phòng, chống COVID-19, Đà Nẵng đang tận dụng những lợi thế về “lòng dân” để có thể kiểm soát được dịch bệnh trong thời gian tới.

Nhận thức rõ sự nguy hiểm của biến chủng Delta, lãnh đạo Đà Nẵng đã tích cực lên phương án phòng, chống nhằm kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong thời gian sớm nhất, bảo toàn tính mạng cho nhân dân.

Toàn dân ở yên để “bóc tách” F0 ra khỏi cộng đồng

Dịch COVID-19 lại bùng phát, TP Đà Nẵng lại rơi vào vòng xoáy ứng phó, khoanh vùng, truy vết, dập dịch. Gánh nặng về đời sống kinh tế - xã hội lại một lần nữa gây áp lực lên đời sống của người dân tại địa phương này.

Từ tình hình thực tế, TP Đà Nẵng đã ban hành Chỉ thị 05 của Thành ủy cũng như Quyết định 2788 nâng cao các phương án chống dịch lên mức cao nhất. Toàn địa bàn buộc phải thực hiện “ai ở đâu ở đó” để sớm ngăn chặn sự lây lan của dịch.

Trong thời thực hiện các phương án, ngành y tế Đà Nẵng đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng để sớm “bóc tách” F0 ra khỏi cộng đồng. Ngoài ra, địa phương này đã tổ chức xét nghiệm tại các cửa ngõ ra vào để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập.

Đà Nẵng kêu gọi toàn dân ở yên, tăng cường tuần tra để

Đà Nẵng kêu gọi toàn dân ở yên, tăng cường tuần tra để "bóc tách" F0 ra khỏi cộng đồng.

Bà Ngô Thị Kim Yến – Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, địa phương đã vận dụng thực hiện tốt 05 chiến lược kiểm soát dịch COVID-19. Các chiến lược của Đà Nẵng gồm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, chủ động phát hiện sớm bệnh nhân COVID-19 (giám sát chủ động, giám sát phát hiện sớm thông qua xét nghiệm), truy vết thần tốc, giãn cách xã hội, cách ly và khoanh vùng khẩn trương, điều trị hiệu quả.

Theo bà Yến, Đà Nẵng đã triển khai 25 chốt kiểm soát dịch liên ngành tại cửa ngõ ra vào thành phố, hoạt động kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện ra vào thành phố. Qua đó, đã phát hiện, cách ly nhiều trường hợp đến từ các địa phương có dịch, nhiều trường hợp mắc COVID-19 đã được phát hiện, xử lý theo quy định.

Công tác xét nghiệm diện rộng được triển khai mạnh mẽ trên địa bàn thành phố. Xét nghiệm tại các khu vực nguy cơ cao, khu vực phong tỏa, khu vực cơ quan hành chính, sự nghiệp, khu vực các cơ sở y tế, các chợ trên địa bàn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, lấy mẫu 100% đại diện hộ gia đình trên địa bàn thành phố qua đó đã phát hiện nhiều bệnh nhân COVID-19, xử lý triệt để nhiều ổ dịch trên địa bàn”, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng thông tin.

Trong thời gian

Trong thời gian "ai ở đâu ở đó", ngành y tế Đà Nẵng tích cực lấy mẫu xét nghiệm cho toàn dân.

Cũng theo bà Yến, thời gian qua địa phương đã tăng cường tốc độ tổ chức xét nghiệm, lấy mẫu, xử lý mẫu và trả kết quả xét nghiệm, có thể đạt tối đa 65.000 người xét nghiệm/ngày. Thành phố đang có 42 cơ sở cách ly đang thực hiện cách ly gần 4.000 trường hợp F1 và đi về từ các địa phương có dịch trên cả nước.

Để sớm đưa SARS-CoV-2 vào vòng kiểm soát, trong tháng 7/2021 Đà Nẵng đã chủ động có nhiều văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị quan tâm, hỗ trợ cho thành phố Đà Nẵng 1,5 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, thành phố Đà Nẵng và các doanh nghiệp đã chủ động tích cực tìm kiếm các nguồn vaccine phòng COVID-19 từ các tập đoàn, công ty có trụ sở ở nước ngoài để góp phần nhanh chóng đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh sớm đi vào hoạt động nhằm phục hồi kinh tế.

Song song với đó, Đà Nẵng đã và tiếp tục vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp cho Quỹ vaccine phòng COVID-19 để Chính phủ mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.

Rà soát chặt, không bỏ sót

Để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả tối đa, Đà Nẵng đang thực hiện giám sát chặt chẽ, tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại khu vực phong tỏa cứng, các cơ sở cách ly tập trung. Địa phương này yêu cầu các cá nhân, tổ chức thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm phòng, chống dịch đối với người dân và các lực lượng chức năng liên quan. Hạn chế đến mức tối đa lây nhiễm chéo tại khu vực phong tỏa và cơ sở cách ly tập trung.

Ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay việc thực hiện cách ly xã hội trên phạm vi toàn thành phố, tạm dừng các hoạt động không cần thiết, không thiết yếu nhằm hạn chế tối đa việc tập trung đông người. Ngoài ra, Đà Nẵng đã thành lập 215 chốt kiểm soát trong nội địa để kiểm tra, giám sát việc ra ngoài của người dân.

Hơn 1000 tổ COVID-19 cộng đồng được thành lập để rà soát, truy vết thần tốc SARS-CoV-2.

Hơn 1000 tổ COVID-19 cộng đồng được thành lập để rà soát, truy vết thần tốc SARS-CoV-2.

Đồng thời, các địa phương cũng xây dựng hơn 1.000 tổ COVID-19 cộng đồng đã kịp thời giám sát chủ động. Huy động lực lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức ở các khu cách ly y tế và tại các cơ quan, công sở tham gia giám sát cộng đồng, địa phương.

Với nhu cầu miễn dịch cộng đồng, Chủ tịch Đà Nẵng khẳng định vaccine được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt, hiệu quả. Thành phố đặt ra mục tiêu đảm bảo an toàn, hiệu quả khi sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

Với vị trí trung tâm của khu vực, nên Đà Nẵng luôn có nguy cơ và thực tế luôn là một trong những tâm dịch của cả nước. Vì vậy, thành phố đã chủ động kiến nghị với Chính phủ tăng lượng phân bổ vaccine để triển khai tiêm chủng trên diện rộng cho người dân toàn thành phố. Thành phố cam kết sẽ thực hiện tiêm chủng nhanh nhất khi nhận đủ số lượng vắc xin phòng COVID-19 (là 20.000 người/ngày) và đúng đối tượng”, ông Lê Trung Chinh khẳng định.

Song song với công tác phòng chống dịch, việc bảo đảm an sinh xã hội luôn được chính quyền thành phố Đà Nẵng quan tâm và ưu tiên hàng đầu, kịp thời hỗ trợ người dân đang gặp khó khăn. Qua đó, địa phương này cũng đã chủ động xây dựng các kịch bản và nguồn kinh phí trong trường hợp (TH) dịch bệnh tiếp tục diễn biến xấu và số lượng các ca F0 tăng lên (TH 3.000 ca F0 chi 1.900 tỷ đồng; TH 4.000 ca F0 chi 2.200 tỷ đồng; TH 5.000 ca F0 chi gần 2.600 tỷ đồng).

Bảo vệ

Bảo vệ "vùng xanh" và nhân rộng để tiến tới mở lại một số hoạt động kinh tế.

Cũng theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, hiện địa phương đang tập trung thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng căn cứ vào tình hình thực tế và địa bàn cụ thể để lựa chọn ưu tiên, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân và an sinh xã hội.

Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo phương châm 4 tại chỗ, với tinh thần chủ động, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo. Áp dụng công thức “5K + vaccine + thuốc + công nghệ” và các biện pháp khác trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.Chủ động các phương án, kịch bản có tính chiến lược và phù hợp với từng giai đoạn để kịp thời ứng phó với mọi tình huống”, ông Lê Trung Chinh cho hay.

Đảm bảo không để người dân thiếu đói

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân là hết sức cấp thiết. Bởi lẽ, chỉ cần vấn đề này được giải quyết ổn thỏa sẽ nhận lại được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Do đó, Đà Nẵng đã lên nhiều phương án để hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân trong những ngày ở yên.

Thời gian qua, Đà Nẵng đã lên phương án vận chuyển hàng hóa đến tận nhà cho nhân dân để cung ứng. Từng tổ COVID-19 cộng đồng sẽ đảm nhiệm nhiệm vụ phân chia hàng hóa đồng đều cho tất cả các hộ dân trong khu vực theo phương châm “không ai bị thiếu đói”.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng từng khẳng định: “Thành phố không để một người dân nào thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu. Nói một cách đơn giản là không để người dân đói. Ở đâu lãnh đạo địa phương để người dân phán ánh thiếu thốn những nhu cầu thiết yếu thì lãnh đạo nơi đó phải chịu trách nhiệm”.

Lãnh đạo Đà Nẵng khẳng định không để người dân thiếu đói, người đứng đầu địa phương sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Lãnh đạo Đà Nẵng khẳng định không để người dân thiếu đói, người đứng đầu địa phương sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh rằng các địa phương cần phải bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân. Không những thế, ông Nguyễn Văn Quảng còn yêu cầu các địa phương quan tâm đến bộ phận người nước ngoài đang sinh sống trên địa bàn.

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đã tổ chức nhiều điểm cung ứng thực phẩm lưu động để phục vụ nhu cầu của người dân. Tiếp đó, dần xem xét, nới lỏng nhiều hoạt động, dịch vụ trên địa bàn theo mức độ nguy cơ "vùng đỏ, vùng vàng, vùng xanh".

Đặc biệt, tại Quyết định 2860/QĐ-UBND ngày 25/8/2021, lãnh đạo Đà Nẵng đã quyết cho phép hoạt động các đơn vị cung ứng thực phẩm được bố trí tối đa 100% số người làm việc. Đồng thời, Đà Nẵng cho phép những người tham gia hoạt động giao nhận hàng hóa thuộc các đơn vị cung ứng hàng hóa và những người giao hàng công nghệ được hoạt động. Lực lượng này được Công an thành phố cấp thẻ đi đường tham gia giao nhận hàng hóa và được Sở Y tế TP. Đà Nẵng đã bố trí tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Tính từ ngày 10/7, Đà Nẵng đã ghi nhận 3.872 ca mắc COVID-19 mới. Đà Nẵng cũng đã thực hiện nghiêm quy định "ai ở đâu ở đó" 14 ngày, số ca mắc COVID-19 cộng đồng cũng đã giảm sút sau thời gian xét nghiệm toàn dân.

Có thể bạn quan tâm

  • Công an Đà Nẵng cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân bằng cách nào?

    Công an Đà Nẵng cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân bằng cách nào?

    05:00, 29/08/2021

  • Đà Nẵng chia vùng nguy cơ để lên phương án chống dịch

    Đà Nẵng chia vùng nguy cơ để lên phương án chống dịch

    17:48, 24/08/2021

  • Đà Nẵng: Shipper làm việc thế nào trong thời gian

    Đà Nẵng: Shipper làm việc thế nào trong thời gian "ai ở đâu ở đấy"?

    11:00, 24/08/2021

  • Đà Nẵng an lòng dân!

    Đà Nẵng an lòng dân!

    14:00, 23/08/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đà Nẵng làm gì để “trói” COVID-19?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO