Đà Nẵng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp mới

TUẤN VỸ 09/07/2023 11:41

Đà Nẵng định hướng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp mới với nhóm nghề công nghiệp điện tử, cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng, dược phẩm, công nghiệp nhẹ, vật liệu xây dựng cao cấp,...

>>Đà Nẵng chú trọng nâng cấp hạ tầng logictics

Mới đây, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án nghiên cứu kêu gọi, xúc tiến các nhà đầu tư lớn vào các khu công nghiệp mới. Cụ thể, địa phương này đề ra những mục tiêu quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) trong giai đoạn 2022 – 2025 và tầm nhìn năm 2030.

Theo thông tin, hiện địa phương này đang có 6 KCN, tổng diện tích hơn 1.066 ha đang hoạt động. Cùng với việc được bổ sung 3 KCN mới là Hòa Cầm - Giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh, với diện tích tăng thêm là 880ha thì Đà Nẵng đã có 9 KCN.

Trong đó, có 7 KCN nằm trong quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam, 1 KCN được chuyển đổi một phần (KCN dịch vụ thủy sản Đà Nẵng) và 1 KCN được chuyển đổi nằm ngoài quy hoạch các KCN thành phố Đà Nẵng giai đoạn tới là KCN Đà Nẵng. Đối với mục tiêu thu hút đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký vào các KCN trên địa bàn Đà Nẵng đến năm 2030 đạt khoảng 10.000 tỷ đồng và 800 triệu USD.

a

Đà Nẵng đặt mục tiêu tỷ lệ 100% các KCN đã đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung vào năm 2025.

Song song với đó, Đà Nẵng muốn tăng dần tỷ suất thu hút đầu tư các dự án trên 1 ha đất công nghiệp của KCN thêm khoảng 20% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Đồng thời, có 2 KCN được xây dựng và bước đầu thực hiện kế hoạch chuyển đổi 2 KCN hiện hữu thành KCN sinh thái.

Đà Nẵng cũng đặt mục tiêu tỷ lệ 100% các KCN đã đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung vào năm 2025. Đồng thời, các KCN cũng sẽ đáp ứng từ 30% nhu cầu nhà ở của người lao động trong KCN đến năm 2030 và tăng số lượng việc làm cho người lao động. 

Đối với các KCN mới, Đà Nẵng sẽ ưu tiên thu hút đầu tư theo hướng công nghiệp chuyên sâu, hình thành các cụm liên kết công nghiệp với các KCN hiện hữu. Trong đó, KCN Hòa Ninh với nhóm ngành nghề công nghiệp điện tử, cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng, dược phẩm...

Tại KCN này, Đà Nẵng phấn đấu thu hút ít nhất 2 dự án đầu tư có quy mô vốn trên 100 triệu đô la Mỹ. Đặc biệt, ưu tiên thu hút các dự án có suất đầu tư từ 5 triệu đô la Mỹ/ha.

Đối với Khu công nghiệp Hòa Nhơn sẽ thu hút đầu tư với các nhóm ngành nghề công nghiệp nhẹ, vật liệu xây dựng cao cấp,… KCN này sẽ thu hút ít nhất 2 dự án đầu tư có quy mô vốn trên 60 triệu đô la Mỹ.

a

Đà Nẵng sẽ ưu tiên thu hút đầu tư theo hướng công nghiệp chuyên sâu, hình thành các cụm liên kết công nghiệp với các KCN hiện hữu. 

Ngoài ra, Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2 sẽ thu hút đầu tư tại nhóm ngành nghề lắp ráp cơ khí, chế tạo phụ tùng điện và điện tử, sản xuất hàng tiêu dùng, đồ gia dụng,... Thời gian tới, Đà Nẵng sẽ phấn đấu thu hút ít nhất 1 dự án đầu tư có quy mô vốn trên 50 triệu đô la Mỹ.

Cùng với việc thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ,... Đà Nẵng cũng sẽ ưu tiên thu hút các tập đoàn lớn, nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính và năng lực kinh nghiệm, sử dụng công nghệ cao nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Thông tin về công tác thu hút đầu tư, ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng cho hay thu hút đầu tư trong nước đạt kết quả khá ấn tượng, tính đến 20/6/2023, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 13 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký mới 6.617 tỷ đồng, tăng 116,7% số dự án và tăng 110,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 6 dự án trong KCN, KCNC với tổng vốn đăng ký 1.166 tỷ đồng giảm 5,1%.

Ngoài ra, còn có 2 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn tăng thêm 32.265 tỷ đồng gấp 78 lần so với cùng kỳ. Như vậy tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm 6 tháng đạt gần 38.882 tỷ đồng, gấp 11 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, ông Vũ cho biết tính đến 20/6/2023, thành phố đã cấp mới chứng nhận cho 64 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 10,6 triệu USD, so với cùng kỳ tăng 45 dự án và tăng 47,1% về số vốn đăng ký. Có 18 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần với tổng giá trị góp vốn 2,77 triệu USD, so với cùng kỳ giảm 01 dự án và chỉ bằng 5% giá trị vốn góp.

“Còn có có 20 dự án điều chỉnh tăng, giảm vốn với phần vốn tăng thêm 13,94 triệu USD, cùng kỳ năm 2022 có 16 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm 17,5 triệu USD. Tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm trong 6 tháng đạt 27,31 triệu USD, bằng 60,7% so với cùng kỳ năm 2022”, ông Trần Văn Vũ cho biết.

Có thể bạn quan tâm

  • Đà Nẵng: Nhiều dự án nhà ở xã hội muốn vay gói 120.000 tỷ đồng

    Đà Nẵng: Nhiều dự án nhà ở xã hội muốn vay gói 120.000 tỷ đồng

    10:18, 05/07/2023

  • Quảng Nam xây dựng tuyến đường sắt đô thị Chu Lai - Đà Nẵng để phát triển kinh tế

    Quảng Nam xây dựng tuyến đường sắt đô thị Chu Lai - Đà Nẵng để phát triển kinh tế

    01:53, 05/07/2023

  • Sẽ đánh giá tác động việc chuyển đổi condotel thành nhà ở tại Đà Nẵng

    Sẽ đánh giá tác động việc chuyển đổi condotel thành nhà ở tại Đà Nẵng

    11:52, 30/06/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đà Nẵng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO