Hiện nay Đà Nẵng là một thành phố biển đang phải đối diện với những thách thức không nhỏ liên quan đến môi trường, trong đó có vấn đề quản lý chất thải rắn đô thị (rác thải sinh hoạt).
Lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tăng dần qua các năm, bình quân 8- 9%/ năm, khối lượng rác phát sinh một ngà 900 - 1000 tấn. Trong khi đó, tỷ lệ thu gom từ 82 - 85% (93% - 96% ở vùng nội thành, 70% - 75% ở vùng ven. Rác thải được xử lý bằng hình thức chôn lấp hợp vệ sinh tại bãi rác Khánh Sơn là bãi rác duy nhất ở thành phố.
Đơn vị thực hiện thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay là Công ty cổ phần môi trường Đà Nẵng, công ty có các đơn vị trực thuộc, thực hiện việc thu gom vận chuyển rác ở các địa phương, vệ sinh thu gom rác dọc bờ biển và quản lý vận hành bãi rác Khánh Sơn.
Trước đây Urenco Đà Nẵng thực hiện khá tốt công tác thu gom xử lý rác thải, nhất là khi diễn ra lễ hội pháo hoa, khi có các sự kiện văn hóa, mùa mưa bão, lũ, lượng rác thải tăng đột biến. Tỷ lệ thu gom rác đạt khoảng 90 - 95%. Rác thải sinh hoạt sau khi thu gom được đưa thẳng lên bãi rác chôn lấp, công ty không thực hiện việc phân loại rác.
Hiện nay, còn nhiều những tồn tại và hạn chế trong công tác quản lý thu gom rác thải ở Đà Nẵng. Trong đó, lượng rác thải đô thị ngày càng tăng nhưng năng lực của đon vị thu gom xử lý không đáp ứng được yêu cầu cả về nguồn nhân lực lẫn trang thiết bị. Bên cạnh đó, thành phố chưa có chính sách thu hút, khuyến khích xã hội hóa công tác thu gom, xử lý rác.
Công nghệ xử lý bằng hình thức chôn lấp không còn phù hợp với sự phát triển của đô thị Đà Nẵng. Bãi rác gần khu dân cư, nước rỉ rác xử lý bằng công nghệ lạc hậu, không triệt để dẫn đến ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư lân cận rất nghiêm trọng.
Công nghệ phân loại rác tại nguồn vẫn thực hiện mang tính tự phát và ở phạm vi thí điểm, lượng rác chôn lấp trong đó phần lớn là rác hữu cơ, cơ sở hạ tầng phục vụ cho thu gom, phân loại chưa được đầu tư đồng bộ...
Trước những yêu cầu đòi hỏi của nhiệm vụ bảo vệ môi trường ngày càng cao, đây là những thách thức không nhỏ cho Đà Nẵng trong phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố biển này trở thành thành phố môi trường.
Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng đang phối hợp với chính quyền địa phương triên khai một số chương trình hướng dẫn người dân thu gom, phân loại rác. Dự án Đại dương không nhựa Quận Sơn Trà và Quận Thanh Khê là tiêu biểu cho những hoạt động thiết thực này.
Với những hình thức: thu gom, phân loại rác tái chế (giấy, nhựa, lon), phân loại rác hữu cơ làm phân compost, bà con đã được hướng dẫn phân loại rác, các hội nghị tập huấn triển khai phân loại rác cho đại diện mặt trận, hội đoàn thể được thực hiện, bước đầu đã có hiệu quả rõ rệt, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, giảm áp lực về công rác quản lý chất thải rắn đô thị (rác thải sinh hoạt).