Dù nhiều tờ báo, tạp chí trên thế giới đã triển khai thu phí báo chí và đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng việc này vẫn còn nhiều thách thức ở Việt Nam.
Mặc dù vậy, theo nhiều chuyên gia, các tòa soạn cũng nên sớm tính đến việc thu phí báo chí.
>> Tạo nguồn thu cho báo chí từ công nghệ
Giá trị của thông tin là lý do tồn tại và phát triển của báo chí - ngay tiên đề này đã sẵn có một phạm trù rất phổ biến trong kinh tế, đó là “giá trị”. Sau này, các nhà kinh tế chính trị đã thừa nhận: “giá trị” là quy luật kinh tế cơ bản chi phối hoạt động sản xuất và trao đổi hàng hóa trong nền kinh tế thị trường.
Nhà tư tưởng người Đức, Karl Marx đã nghiên cứu sâu hơn, rằng: giá trị quy định bản chất và là cơ sở của tất cả các quy luật khác của sản xuất hàng hóa, nó quy định mặt “chất” và sự vận động về mặt “lượng” của giá trị hàng hoá.
Vậy, bất kỳ thứ gì mang “giá trị” đều có thể mua bán và trao đổi, báo chí cũng không ngoại lệ. Ngay cả tờ Relation (Pháp) - ấn phẩm đầu tiên trong lịch sử được thừa nhận, ông chủ của nó - Johann Carolus - từ năm 1605 đã biết cách “thương mại hóa thông tin” phục vụ độc giả bằng các bản chép tay hàng tuần tập hợp tin tức từ nhiều nơi gửi đến.
Nhìn chung, ngày nay kinh tế báo chí trên thế giới có 3 dạng: (1) được bao cấp, tài trợ bởi tổ chức, cá nhân chủ quản; (2) tờ báo tự tạo ra nguồn thu thông qua hoạt động kinh doanh thứ cấp; (3) kiềm tiền từ giá trị trực tiếp của sản phẩm báo chí - đây là xu hướng được dự báo sẽ phổ biến trong tương lai.
Dạng thứ nhất chỉ còn lại số ít tại một số quốc gia hoặc nền báo chí kém phát triển. Dạng thứ 2 đã phổ biến hàng trăm năm nay, nhờ hoạt động dịch vụ quảng cáo, tổ chức sự kiện hoặc lấn sân sang lĩnh vực rộng hơn là truyền thông đa phương tiện. Dạng thứ 3 mới ra đời từ những năm 2000, nhưng là xu hướng chính của tương lai báo chí.
Để được đọc bài “business” trên tờ The New York Times, độc giả phải chi trả 1 USD/tháng, hoặc 10 USD/năm. Đây là tờ báo tiếng Anh có lượng độc giả đăng ký nhiều nhất, lên đến 9,4 triệu người. Xếp theo sau với 3,5 triệu độc giả “cứng”, The Wall Street Journal yêu cầu độc giả chi trả 2 USD/tháng để được đọc toàn văn bất cứ bài viết nào trên trang chủ của họ.
>> Thử nghiệm mô hình mới đa dạng nguồn thu cho báo chí truyền thông
Dĩ nhiên, tại những tờ báo như vậy, thông tin thực sự mang giá trị cao, sản sinh từ đầu nguồn, tại các trung tâm kinh tế, chính trị hàng đầu trên thế giới. Tại đó, thông tin thực sự là tài sản. Khách hàng của họ không chỉ là độc giả sở tại, mà còn là hàng triệu tòa soạn trên khắp toàn cầu muốn mang thông tin thời sự nhất về tờ báo của mình.
Mô hình thu phí độc giả được một số tờ báo Việt Nam áp dụng, nhưng tốc độ phổ biến rất chậm do rất nhiều vướng mắc.
Thứ nhất, yếu tố tiên quyết là giá trị của sản phẩm báo chí, làm sao để độc giả thỏa mãn khi bỏ tiền để đọc một bài báo? Xu hướng “độc lạ”, “giật gân” không còn “đất diễn” vì sự phát triển quá nhanh của các nền tảng truyền thông mạng xã hội. Dưới góc độ sản phẩm bản chất của thông tin là duy nhất, để gia tăng giá trị, yêu cầu tác giả phải biết “gia công” trau chuốt để sản phẩm báo chí trở nên đa dụng, đa mục đích, đáp ứng thị hiếu ngày càng khó tính của độc giả.
Mặt khác, hệ giá trị sản phẩm của một tòa soạn thu tiền độc giả không đơn thuần là “câu chữ”. The New York Times có cả ứng dụng Cooking (nấu nướng) và Crossword (giải ô chữ), thử nghiệm nhiều định dạng khác nhau, từ video 360 độ, VR, Snapchat Discover đến podcast, opinion… Dĩ nhiên, số định dạng thất bại không ít.
Thứ hai, dưới góc độ kinh tế, sẽ là mâu thuẫn nếu tồn tại song song các tờ báo miễn phí và thu phí, nhất là trong môi trường thông tin đa chiều hiện nay, độc giả có nhiều cách để tiếp cận đến đầu nguồn thông tin. Chính vì vậy, Việt Nam cần hoàn thiện khung khổ luật pháp về bảo hộ sở hữu trí tuệ, tác quyền. Đặc biệt, cần có bản quy hoạch báo chí hiện đại hơn.
Thứ ba, đối tượng khách hàng nào sẽ bỏ tiền để đọc báo? Nếu các tòa soạn không tự định lượng được dung lượng thị trường, thì việc thu phí khó đạt hiệu quả, chỉ như “đá ném ao bèo”. Sự thật tại các tờ báo thu phí thành công nhất là rất nhiều độc giả đăng ký thoạt đầu không phải vì nhu cầu tin tức.
Mặc dù những thách thức nói trên, theo nhiều chuyên gia, các tòa soạn cũng nên sớm tính đến việc thu phí báo chí. TS. Đỗ Anh Đức, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã đưa ra hai cách triển khai là thu phí toàn bộ và thu phí một phần, tức là đặt tường phí. Trong đó, đối với thu phí toàn bộ, các tờ báo cần có năng lực sản xuất nội dung phong phú và chất lượng số một.
Có thể bạn quan tâm