Sacombank, BIDV và nhiều ngân hàng khác đang tiếp tục hạ giá sâu nhiều bất động sản phát mại thế nhưng vẫn chưa có người mua.
>>Động lực nào cho bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng?
Ngày 27/4 tới, ngân hàng Sacombank sẽ tiếp tục bán đấu giá 18 khoản nợ được đảm bảo bằng quyền tài sản tại Dự án Khu công nghiệp Phong Phú, huyện Bình Chánh (TP.HCM). Dư nợ gốc, lãi cho 18 khoản vay này là 16.196 tỷ đồng, trong đó nợ gốc hơn 5.134 tỷ đồng.
Khu công nghiệp Phong Phú do Công ty cổ phần Khu công nghiệp Phong Phú làm chủ đầu tư. Dự án được phê duyệt từ năm 2002, qua nhiều lần điều chỉnh còn diện tích 134ha. Được biết, đây là lần thứ 5 Sacombank rao bán khoản nợ này.
Ngân hàng này hiện cũng tiếp tục rao bán 19 căn hộ thuộc dự án Xi Grand Court (quận 10, TPHCM). Dự án này có 4 mặt tiền, do Công ty Đầu tư xây dựng Phú Sơn Thuận làm chủ đầu tư.
Các khoản nợ trên đã được thông báo bán từ năm 2020 và kéo dài nhiều lần đến nay. Hiện, giá bán đã giảm 24 tỷ đồng so với thời điểm rao bán lần đầu.
Thống kê từ FiinGroup mới đây cho biết, khoảng 70% tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại hệ thống ngân hàng hiện nay là bất động sản.
Hay vừa qua, BIDV cũng đã bán đấu giá lần thứ 7 đối với đối với một loạt đất bất động sản của công ty Thành Vinh. Theo đó, các tài sản được ngân hàng này chào bán gồm quyền sử dụng của 4 thửa đất (diện tích 132,1m2/thửa) tại thành phố Quy Nhơn tỉnh Bình Định và tài sản gắn liền với đất gồm nhà xưởng cùng các cơ sở hạ tầng liên quan. Giá khởi điểm là hơn 3,53 tỷ đồng, giảm gần 30% so với lần đầu ngân hàng này rao bán.
Vietcombank cũng tiến hành đấu giá lần thứ 22 khoản nợ của Công ty TNHH Việt Trường Sơn với giá 19,2 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ gồm quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Nhà đất thường là tài sản được các ngân hàng đem ra phát mại nhiều nhất khi khách hàng không đảm bảo khả năng hoàn trả nợ vay. Tuy nhiên, việc thanh lý không phải lúc nào cũng diễn ra dễ dàng.
>>Thị trường bất động sản tích cực nhận tin vui
Theo TS.Ngô Ngọc Quang (Trường đại học Ngân hàng TP.HCM) việc thanh lý nhà đất nhanh hay chậm phụ thuộc vào tính thanh khoản của bất động sản.
Theo chuyên gia, các ngân hàng vẫn đang trong thời gian chuyển dịch cơ cấu cho vay theo hướng bán lẻ. Dư nợ đối với khách hàng doanh nghiệp tại các nhà băng top đầu vẫn còn lớn. Tài sản thế chấp là bất động sản của các đơn vị sản xuất kinh doanh thường cũng có quy mô không nhỏ, tính thanh khoản không cao bằng phân khúc dân cư.
Theo đó, với các bất động sản là các cao ốc văn phòng, đất nông nghiệp, nhà xưởng, kho bãi sẽ có thanh khoản thấp hơn. Mặc dù các ngân hàng đã bắt đầu chuyển dịch sang xu hướng cho vay bán lẻ, song tỷ lệ cho vay doanh nghiệp tại các nhà băng lớn vẫn còn cao. Do đó, nhìn chung các tài sản cũng sẽ mất không ít thời gian để thanh lý.
TS Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế cho rằng, khi ngân hàng phát mại công khai thì không còn là giá thị trường cạnh tranh. Vì vậy, những tài sản này khó hấp dẫn.
"Những tài sản bất động sản đưa ra rao bán dù có giá mềm nhưng phải trải qua nhiều thủ tục giải chấp, đôi khi còn có trục trặc khiến người mua sẽ gặp rủi ro. Trên thực tế, tài sản phát mại từ ngân hàng không phải dễ ăn” - chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo PGS - TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, thường các ngân hàng thương mại trước khi đưa tài sản vào đảm bảo cho khoản vay đều được thẩm định rất kỹ, đáp ứng đủ các điều kiện mới được định giá. Dù vậy, người mua vẫn phải xem xét kỹ về tình trạng pháp lý, tránh gặp phải trường hợp có tranh chấp với bên thứ 3 thì quá trình sang tên sẽ kéo dài.
Vị chuyên gia cho biết, thủ tục thi hành án hiện nay, đặc biệt là việc xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản còn khá chậm so với việc mua nhà trực tiếp từ chủ đầu tư hoặc những đối tượng khác khiến người mua ngại ngần với bất động sản phát mại.
Có thể bạn quan tâm