Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Chính quyền tỉnh Đắk Nông xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, liên tục, lâu dài, cần tư duy sáng tạo, đổi mới.
>>> Đắk Nông khát vọng đón các nhà đầu tư
Sáng 25/6, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức Hội nghị đánh giá công tác cải cách hành chính và công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, cấp huyện năm 2021. Hơn 900 đại biểu từ Trung ương, tỉnh đến xã, phường, thị trấn tham dự hội nghị.
Đồng chí Ngô Thanh Danh - Bí thư tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết: Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng kết quả đạt được trên các lĩnh vực của tỉnh đều có sự phát triển tích cực; 13/13 nhóm chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt Nghị quyết. Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn – (GRDP) đạt 8,63% (Nghị quyết đề ra 7,18%), đứng thứ 7/63 của cả nước, thứ 2/5 của khu vực Tây Nguyên, vượt xa tốc độ tăng trưởng của năm 2020 (4,63%); giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp... đều tăng khá so với cùng kỳ.
Theo đồng chí Ngô Thanh Danh, đây cũng là năm đánh dấu bước bứt phá mạnh mẽ về công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư với kết quả khá ấn tượng: Chỉ số cải cách hành chính Đắk Nông năm 2021 tăng 10 bậc thứ hạng, từ vị trí 51/63 năm 2020 lên vị trí thứ 41/63 tỉnh, thành phố.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021 tăng 8 bậc về thứ hạng, từ vị trí 60/63 năm 2020 lên vị trí 52/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2021 đạt 85,66% (năm 2020 đạt 84,50%); chỉ số cải cách hành chính của cấp sở, huyện đều cao hơn so với năm trước…
"Mục tiêu của cải cách hành chính nhằm đảm bảo phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, xã hội và sự phát triển của tỉnh; vì vậy phải xác định nhiệm vụ cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, liên tục, lâu dài, cần tư duy sáng tạo, đổi mới" - đồng chí Ngô Thanh Danh khẳng định.
Có thể bạn quan tâm |
Để đạt được mục tiêu, đồng chí Ngô Thanh Danh nhấn mạnh: Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thay đổi nhận thức về công tác cải cách thủ tục hành chính và phải có quyết tâm chính trị cao nhất trong chỉ đạo, điều hành công tác cải cách thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị, địa phương. Siết chặt kỷ luật kỷ cương công vụ. Lấy hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là mục tiêu phấn đấu, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN, bảo đảm công khai minh bạch trong giải quyết công việc của các tổ chức, cá nhân, người dân và DN, góp phần phòng, chống tham nhũng tiêu cực hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. "Chúng ta không chạy theo thành tích, nhưng những kết quả đạt được phải là thực chất, đánh giá đúng sự cố gắng của toàn hệ thống chính trị".
Ông Danh tin tưởng, với sự nỗ lực quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh sẽ tiếp tục có bước chuyển biến mới và đạt được kết quả toàn diện, với phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp – doanh nhân”, tháo gỡ những rào cản, hạn chế bấy lâu để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Báo cáo về Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) tỉnh Đắk Nông năm 2021, bà Nguyễn Thị Thu Hường – Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Chỉ số CCHC tỉnh cho biết: Tổng điểm Chỉ số PAR INDEX năm 2021 của tỉnh Đắk Nông đạt 86.26/100 điểm, tăng 4.21 điểm; tăng 10 bậc so với năm 2020, xếp thứ 41/63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, nằm trong nhóm B.
Theo bà Hường, tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng qua xác định Chỉ số CCHC năm 2021 đã chỉ ra cụ thể những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC của tỉnh đó là: Sáng kiến, giải pháp hay về CCHC của tỉnh tuy đã cải thiện so với các năm trước nhưng số lượng vẫn còn ít, nhiều sáng kiến chỉ mới đưa ra trên lý thuyết. Việc công khai TTHC không thường xuyên, chưa đầy đủ, chưa kịp thời; Một số TTHC vẫn còn dẫn chiếu đến các quy định TTHC, mẫu đơn, tờ khai đã hết hiệu lực thi hành, gây khó khăn cho người dân, tổ chức khi tra cứu, thực hiện TTHC.
Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức vẫn còn hạn chế, vẫn còn có lãnh đạo sở, huyện bị kỷ luật. Về cải cách tài chính công, việc ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của tỉnh về quản lý, sử dụng tài sản công chưa đầy đủ, dẫn đến bị trừ điểm trong nhiều năm liên tiếp…
Để khắc phục các nội dung còn tồn tại, hạn chế nêu trên, lãnh đạo Sở Nội vụ đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương: Chủ động, tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện CCHC tại các cơ quan, đơn vị; bảo đảm hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ CCHC đã đề ra trong Kế hoạch năm; thường xuyên theo dõi, đánh giá, quán triệt thực hiện nhiệm vụ CCHC để kịp thời phát hiện và chỉ đạo xử lý những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Quan tâm bố trí đủ nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ CCHC; chủ động nghiên cứu, thí điểm hoặc nhân rộng các mô hình cải cách mới có hiệu quả, phù hợp với phạm vi, thẩm quyền được giao và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về CCHC.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng nâng cao tính đồng bộ, tính thống nhất và bảo đảm tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật sau khi ban hành, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và phát triển của ngành, lĩnh vực và địa phương. Có giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật nghiêm minh.
Kịp thời công bố, công khai và cập nhật TTHC trên Cổng dịch vụ công, Trang TTĐT của các cơ quan, đơn vị và tại Bộ phận Một cửa các cấp. Khắc phục ngay tình trạng niêm yết, đăng tải công khai các mẫu đơn, tờ khai hoặc các quy định TTHC đã hết hiệu lực thi hành, gây khó khăn cho người dân, tổ chức khi tra cứu và thực hiện TTHC. Tổ chức thực hiện tốt việc giải quyết hồ sơ TTHC, hướng đến giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hạn, giảm thời gian đi lại và nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, yêu cầu người dân, tổ chức nộp thêm các giấy tờ ngoài quy định khi giải quyết TTHC. Tiếp tục đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC; kịp thời giải quyết các PAKN về các quy định TTHC.
Triển khai có hiệu quả quy định của Chính phủ về thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện cơ chế chính sách để chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước.
Triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đã phê duyệt. Tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, xử lý những trường hợp sai phạm trong quản lý, sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, cần ưu tiên nguồn lực, tập trung triển khai có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ về xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số; tăng cường ứng dụng CNTT nhằm đổi mới căn bản phương thức làm việc, đảm bảo nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị.
Tại hội nghị, ông Phạm Minh Hùng – Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ cũng đưa ra một số đề xuất với Đắk Nông: Mục tiêu, nhiệm vụ CCHC hàng năm phải cụ thể, rõ ràng, bám sát chủ trương, định hướng của Chính phủ tại Nghị quyết 76 và các văn bản khác có liên quan; Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp: Tập trung các giải pháp cải tiến chất lượng dịch vụ trên cơ sở thông tin thu thập được qua khảo sát như rút ngắn thời gian, đơn giản hóa TTHC; mở rộng các hình thức thông tin; nâng cao năng lực của công chức; cải thiện cơ sở vật chất; nâng cao hiệu quả sử dụng các dịch vụ tiện ích như thanh toán trực tuyến; bưu chính công ích,...
Chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền để nâng cao sự đồng thuận trong hệ thống hành chính; Không ngừng sáng tạo, nghiên cứu và mạnh dạn áp dụng các mô hình cải cách mới, có tính đột phá; Thực hiện các nhiệm vụ CCHC phải gắn kết chặt chẽ với ứng dụng CNTT, xây dựng chính phủ điện tử và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.
TS.Nguyễn Phương Bắc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu PTKTXH tỉnh Bắc Ninh thừa nhận tính tiên phong của lãnh đạo tỉnh Đắk Nông trong CCHC đã được thể hiện rất rõ nét. Cụ thể, UBND tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật tạo môi trường kinh doanh thuận lợi ngang các tỉnh dẫn đầu cả nước về PCI như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh; UBND tỉnh năng động giải quyết các vấn đề phát sinh...
Theo ông Bắc, cải cách ở Đắk Nông đã đột phá và tạo kỳ vọng. Tuy nhiên ông Bắc nhấn mạnh: khoảng cách giữa chủ trương của Lãnh đạo tỉnh và năng lực thực thi của cấp dưới cần rút ngắn; nâng cao tính năng động cấp dưới; xây dựng những quy trình về thủ tục hành chính; quy trình phối hợp; giám sát việc thực thi…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, từ bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đại biểu khách mời từ Bộ Nội vụ, tỉnh Bắc Ninh... mang thông điệp mạnh mẽ về vai trò, trách nhiệm trong công tác CCHC.
Thông qua hội nghị, cấp ủy, chính quyền các cấp, từng đại biểu phải tự nhìn lại chính mình trên tất cả các lĩnh vực. Từ việc lớn tới việc nhỏ, từ lãnh đạo các cấp đến từng cá nhân, nhất là vai trò người đứng đầu và cán bộ, công chức liên quan đến CCHC phải nhận thức được vai trò của mình.
Theo Chủ tịch Hồ Văn Mười, hiện nay Đắk Nông đang tập trung vào khai thác tiềm năng, lợi thế của 3 trụ cột trong phát triển là công nghiệp chế biến bô xít-nhôm; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, thuận lợi bao nhiêu thì thách thức bấy nhiêu. Vì vậy, nhiệm vụ hội nghị hôm nay tập trung giải quyết một phần trong các thách thức là CCHC.
Trong CCHC, mức độ hài lòng của người dân có 5 vấn đề gồm: sự tin cậy; cơ sở vật chất; khả năng phục vụ; sự đồng cảm; quy trình thủ tục. Trong đó, hiện nay cơ sở vật chất, hạ tầng của Đắk Nông còn gặp nhiều khó khăn, nên phải lấy sự tin cậy của cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp và xây dựng niềm tin của người dân vào chính quyền.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười cũng đưa ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số CCHC, đồng thời yêu cầu cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tiếp thu, tổ chức thực hiện trong thời gian tới như: Cơ chế phối hợp giữa các sở ngành địa phương; Tập trung công tác phân cấp quản lý, đặc biệt ở lĩnh vực đất đai; Tập trung 1 cửa liên thông và xúc tiến đầu tư; Luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; Phát động thi đua trong từng sở ngành địa phương…
"Mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân nếu đã làm tốt cần tiếp tục phát huy; khắc phục ngay những điều chưa tốt, cái nào vượt tầm đề nghị tham mưu lên cấp trên" - Chủ tịch Hồ Văn Mười khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Đắk Nông: Nông nghiệp khẳng định vị thế
22:12, 22/06/2022
Gia Nghĩa ( Đắk Nông): Lợi thế của thành phố trẻ, năng động
21:47, 22/06/2022
Đắk Nông: Khu công nghiệp sạch, đón dự án lớn
21:29, 22/06/2022
Sở TN&MT Đắk Nông: Con người là “kim chỉ nam” cải cách hành chính
21:14, 22/06/2022
Đắk Nông: Đặt trọn niềm tin và kỳ vọng
19:01, 22/06/2022