Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, nhu cầu giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho thanh niên là vô cùng cấp thiết.
Việc phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong phát triển kinh tế, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất hàng hóa nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng luôn được tỉnh đẩy mạnh, khuyến khích.
Tại buổi tập huấn, đào tạo nghề cho thanh niên do Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh phối hợp Cơ sở đan lát Minh Nguyễn (Bình Long) tổ chức, diễn ra ngày 16-1 đã gợi mở hướng khởi nghiệp mới cho tuổi trẻ, nhất là thanh niên khu vực vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và thanh niên nhàn rỗi, yếu thế.
Anh Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Cơ sở đan lát Minh Nguyễn cho biết: “Khởi nghiệp từ hoạt động kinh doanh thương mại - dịch vụ nên chúng tôi đã đi nhiều nơi và gặp gỡ nhiều khách hàng, song tôi lại bén duyên với việc đan lát thủ công tạo ra sản phẩm là các loại ghế để xuất khẩu. Với công việc này, chúng tôi tập hợp được nguồn lực lao động tại địa phương bởi không hạn chế lứa tuổi, đối tượng và trình độ”. Sau khi đào tạo việc làm, mỗi thành viên của Cơ sở Minh Nguyễn có thể tự hoàn thiện sản phẩm theo mẫu trong 3-5 ngày. Với mong muốn tạo việc làm cho thanh niên, các đối tượng lao động khác trong xã hội nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống và góp phần phòng chống các tệ nạn xã hội, cơ sở sẵn sàng hỗ trợ dạy việc, vốn và bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, các sản phẩm làm ra phải bảo đảm quy trình, kỹ thuật bởi đây là nguồn hàng sẽ được xuất khẩu sang thị trường Australia, Thụy Điển, Đan Mạch... Hiện Cơ sở đan lát Minh Nguyễn đã có 5 chi nhánh ở thành phố Đồng Xoài, Hớn Quản và trụ sở chính tại thị xã Bình Long.
Anh Vương Ngọc Toại, Huyện đoàn Đồng Phú cho biết: Việc học nghề đan lát này không khó, tốn ít thời gian và không gây độc hại. Sau khi học việc thành thạo, tôi sẽ tham mưu tổ chức đoàn tập hợp, liên kết thanh niên để hướng dẫn, đào tạo việc cho những ai có nhu cầu. Qua đó, chúng tôi sẽ làm đầu mối để nhận sản phẩm, nguồn vốn hỗ trợ và tiêu thụ hàng hóa. Từ lực lượng thanh niên sẽ nhận việc trước, nếu hiệu quả chúng tôi sẽ mở rộng phạm vi ra thanh niên yếu thế, phụ nữ để góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống vùng nông thôn.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó giám đốc Cơ sở đan lát Minh Nguyễn chia sẻ: “Nhiều người có thể lựa chọn đan lát thủ công là công việc chính hoặc việc làm thời vụ trong lúc nhàn rỗi để tăng nguồn thu cho gia đình. Chỉ mất từ 3-4 ngày học việc, mỗi lao động có thể tự hoàn thiện sản phẩm với mức thù lao từ 20 ngàn đến 1 triệu đồng/chiếc tùy mẫu sản phẩm đơn giản hay có họa tiết, kiểu dáng phức tạp”. Theo tính toán, nếu 1 người cần cù, chăm chỉ, mỗi ngày có thể tạo thêm thu nhập cho gia đình gần 500 ngàn đến 1 triệu đồng.